Khám phá 'ngoạn mục' cho thấy đứa trẻ ba tuổi được chôn cất cẩn thận cách đây gần 80.000 năm.
Các nhà khảo cổ đã xác định được khu chôn cất người chết lâu đời nhất được biết đến ở châu Phi, trong khi khai quật ở miệng hang động Panga ya Saidi thuộc vùng đồng bằng ven biển Kenya, cách bờ biển khoảng 10 km.
Trong đó có hài cốt của một đứa trẻ 3 tuổi được chôn cất từ gần 80.000 năm trước.
“Phát hiện này khá ngoạn mục", Michael Petraglia, giáo sư về tiến hóa và tiền sử loài người tại Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại ở Jena, Đức cho biết. "Đây là di chỉ mộ táng lâu đời nhất của con người ở châu Phi. Nó cho chúng ta nhiều hiểu biết mới về nhận thức, tính xã hội và hành vi của con người khi đó, và những điều này đều rất quen thuộc với chúng ta ngày nay".
Tranh minh họa về di cốt đứa trẻ mới phát hiện trong ngôi mộ.
Nhóm nghiên cứu khai quật phần rìa ngôi mộ của đứa trẻ mà sau này họ đặt tên là Mtoto theo từ "trẻ em" trong tiếng Swahili - và phát hiện những mảnh xương đầu tiên vào năm 2013, nhưng chúng quá mỏng manh nên đã biến thành cát bụi khi nhóm cố gắng lấy chúng ra khỏi ngôi mộ. Trong 4 năm sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục đào sâu hơn và phát hiện thêm nhiều xương, nhưng ngay cả khi phủ nhựa resin lên di cốt, nó vẫn quá yếu để lấy ra khỏi hố khai quật.
Nhóm nghiên cứu đã quyết định đào xung quanh ngôi mộ (ngôi mộ rộng khoảng 40cm và sâu 13cm), và đổ thạch cao để nhấc cả ngôi mộ khỏi mặt đất một cách an toàn. Khối thạch cao đó được đưa đến Bảo tàng Quốc gia ở Nairobi, Kenya, và đến một phòng thí nghiệm chuyên môn ở Tây Ban Nha, nơi các nhà nghiên cứu tìm cách khai thác thêm di cốt và chụp ảnh bằng thiết bị X-quang 3D.
Hai chiếc răng nhỏ được tìm thấy trong ngôi mộ khớp với răng của người Homo sapiens và cho biết tuổi của đứa trẻ là từ hai tuổi rưỡi đến ba tuổi. Những chiếc răng khác vẫn còn nằm trong hàm dưới của đứa trẻ, được phát hiện cùng với xương sống, xương sườn và các xương khác từ vai và các chi. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các công cụ bằng đá để cạo, doa và chạm khắc trong và xung quanh ngôi mộ, cùng với các bộ phận bằng đá đã đục lỗ có thể được ghép vào trục gỗ để làm thành giáo.
Những hình ảnh chụp X-quang cho thấy đứa trẻ được đặt nằm nghiêng về bên phải, đầu gối co trước ngực, trong khi vị trí của hộp sọ cho thấy đầu được đặt trên miếng tựa hoặc gối. Các xương khớp, chẳng hạn như xương sống, không bị rơi ra trong ngôi mộ, khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ thi thể được quấn chặt trong một tấm vải liệm trước khi chôn cất. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, những chiếc xương của đứa trẻ có niên đại khoảng 78.000 năm.
Các mảnh xương được phát hiện ở Kenya vào năm 2013 nhưng đã bị bào mòn đến mức phải mất nhiều năm mới được đưa ra khỏi mộ.
“Con người, không giống tinh tinh, bắt đầu phát triển các hệ thống niềm tin phức tạp về cái chết", Giáo sư Nicole Bovin, nghiên cứu viên chính của dự án ở Jena, cho biết. “Cách ứng xử với người chết rất khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau, vì vậy chúng tôi không thể đưa ra kết luận cụ thể về ý nghĩa của việc chôn cất này đối với con người khi đó".
“Nhưng rõ ràng là con người khi đó không chỉ có mối liên hệ cảm xúc với người chết, mà còn có một khuôn khổ nghi thức đối với cái chết, để làm cho nó có ý nghĩa. Không giống như các loài khác, chúng ta có hệ thống niềm tin, mang lại ý nghĩa cho các trải nghiệm và cho các sự kiện như cái chết của một người thân yêu", Bovin nói.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những khu mộ táng có niên đại sớm hơn bên ngoài châu Phi. Di cốt người từ các khu mộ táng trong hang Skhul trên sườn núi Carmel và hang động Qafzeh gần Nazareth - đều ở Israel - có tuổi đời từ 90.000 đến 130.000 năm.
Nhưng “những khu mộ táng niên đại sớm ở châu Phi đặc biệt hiếm có, mặc dù thực tế châu Phi là nơi khởi nguyên của loài người", Bovin cho biết. “Điều này gần như chắc chắn phản ánh thành kiến của giới nghiên cứu trong việc chọn nơi thực hiện nghiên cứu - các khu vực chôn cất khác đã được nghiên cứu rộng rãi hơn nhiều so với các khu vực ở châu Phi".
Nguồn: