Bắt nguồn từ hai luận văn quan trọng được xuất bản năm 1962 của Kenneth Arrow về R&D và học tập thông qua thực tiễn. Năm 2014, hai tác giả Joseph E. Stiglitz và Bruce C. Greenwald, những người cũng là học trò của Arrow, đã cho ra đời cuốn sách “Xây dựng xã hội học tập - Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội” (Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress).
hai tác giả Joseph E. Stiglitz và Bruce C. Greenwald.
Sách tương đối dày, với nhiều lý thuyết xuyên qua các thời kỳ nhằm phục vụ việc phân tích vai trò của học tập, từ đó khẳng định hai điểm quan trọng là tốc độ học tập càng cao thì chất lượng sống càng cao, và không gì khác ngoài việc học tập/ đổi mới là yếu tố nội sinh quyết định chất lượng sống. Một số xã hội có tốc độ và trình độ phát triển kinh tế cao hơn phần lớn là do những chính phủ đó có hệ thống chính sách khuyến khích việc học tập, đổi mới ở mọi cấp độ.
Ngoài ra, hai tác giả cũng làm rõ, khi tham gia vào thị trường toàn cầu, lợi thế cạnh tranh của các quốc gia không nằm ở vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hay tài nguyên… Ví dụ, Mỹ xuất khẩu ô tô sang Đức, và Đức cũng xuất khẩu thợ sang Mỹ. Tức là, hàm lượng tri thức có trên mỗi sản phẩm, chứ không phải các yếu tố “trời cho”, là lợi thế cạnh tranh quốc gia ngày nay. Điểm này lại càng khẳng định rằng học tập, đổi mới, sáng tạo mới thực sự là nguồn gốc tạo ra sự tăng trưởng, phát triển. Và ưu thế quan trọng nhất của một quốc gia chính là “năng lực học tập của xã hội đó”.
Lâu nay, việc tự do di chuyển lao động qua biên giới dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám. Theo hai tác giả, ở khu vực Mỹ Latin, dường như có một sự trùng hợp không ngẫu nhiên giữa sự hụt hơi trong đà tăng trưởng kinh tế của các nước này với sự thay đổi của Luật Nhập cư Hoa Kỳ vào năm 1965, cho phép các công ty của Hoa Kỳ tiếp nhận nhân sự giỏi nhất từ nước ngoài - những người này sau đó không truyền lại tri thức cho những người khác tại cố quốc…
Cuốn sách cũng dành hẳn một trong tổng số 14 chương để bàn kỹ về những khía cạnh tiêu cực của quyền sở hữu trí tuệ như gây trở ngại cho việc phổ biến, truyền tải tri thức đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Bằng cách hạn chế sự sẵn có của tri thức, quyền sở hữu trí tuệ cản trở việc học hỏi và tạo ra nhiều tri thức hơn. Còn hệ thống bằng sáng chế làm gia tăng độc quyền hạn chế sản xuất, do đó làm giảm động cơ thúc đẩy đổi mới. Bên cạnh đó, chương này cũng đề xuất những giải pháp tốt hơn để thúc đẩy học tập, sáng tạo, đồng thời vẫn hạn chế được những khía cạnh tiêu cực của quyền sở hữu trí tuệ hiện tại.
Ở bản tiếng Việt, cuốn sách được biên tập kỹ lưỡng. Sách dày 440 trang mà phần chú thích (ở cuối sách) dài tới 60 trang, phần tài liệu tham khảo cũng gần 60 trang. Chỉ có điều đáng tiếc là cuốn sách công phu này lại thiếu Index (chỉ mục).