Từ đăng bạ phụ đến đăng bạ chính
Đất nặn dẻo Play-Doh - với ưu điểm không dính tay, dễ tạo khuôn, nhiều màu sắc sặc sỡ - là món đồ chơi vô cùng thân thiết của trẻ em khắp thế giới. Chính bởi vậy, thương hiệu Play-Doh đã trở thành một phần tài sản trí tuệ vô cùng giá trị với chủ sở hữu - công ty Hasbro,Inc. Đây cũng là lý do Haspro muốn mở rộng lĩnh vực bảo hộ cho sản phẩm Play-Doh bằng việc nộp đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho mùi hương của sản phẩm Play-Doh năm 2017. Theo hãng, mùi hương này không ảnh hưởng tới chức năng của sản phẩm.
Theo luật Mỹ, mùi không mang tính tự nhiên hay tính chức năng - nghĩa là không phải mùi tự nhiên của sản phẩm hay mùi do chức năng, công dụng hay chất lượng của sản phẩm tạo ra - có thể được chấp nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được ghi nhận vào đăng bạ phụ (Supplemental Register). Những năm gần đây, nhiều nhãn hiệu mùi đã được đăng ký vào đăng bạ phụ. Ví dụ, hai nhãn hiệu “mùi oải hương” và “mùi vani” đã được đăng ký cho “các vật dụng văn phòng” (nhóm 16), “mùi quả nho” được chấp nhận đăng ký cho sản phẩm “dầu bôi trơn động cơ” (nhóm 04).
Chỉ khi nào chủ sở hữu chứng minh được rằng nhãn hiệu có khả năng được phân biệt thông qua sử dụng thì nhãn hiệu đó mới đủ tiêu chuẩn vào đăng bạ chính. Từ năm 1990, tại Mỹ đã có một vài mùi hương được đăng ký nhãn hiệu.
Chẳng hạn mùi hoa đại (hoa sứ) trong chỉ thêu, chỉ may được chấp nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu dựa trên bằng chứng mùi đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng trên thị trường. Bằng sự kiện đó, USPTO - Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ - chính thức chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu mùi tại nước này.
Ngoài ra, “mùi hoa nở” trong chuỗi cửa hàng Verizon Wireless cũng được bảo hộ. Như vậy, chiểu theo luật Mỹ, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi hương của sản phẩm Play-Doh có cơ hội được chấp nhận.
Vai trò của người tiêu dùng
Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc công nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Tuy nhiên, theo luật sư Tom Kulik, việc bảo hộ nhãn hiệu mùi là một “cuộc chiến”.
“Nhãn hiệu mùi hương là nhãn hiệu phi truyền thống và việc nộp đơn đăng ký bảo hộ thường đòi hỏi những bước chuẩn bị và thực hiện cụ thể. Hầu hết các mùi hương đều không đạt quy chuẩn và việc có được đăng ký quốc gia sẽ cần sự khéo léo cùng những bằng chứng xác đáng” - ông Kulik nói.
Ngoài ra, yếu tố chức năng trong Luật Nhãn hiệu Mỹ được coi là điểm yếu “chết người” khi muốn bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Yếu tố chức năng đã giúp ngăn các nhà sản xuất bảo vệ các đặc tính của sản phẩm bằng nhãn hiệu. Chính vì vậy, mùi hương có thể là độc nhất nhưng nếu nó liên quan đến chức năng bất kỳ trong sản phẩm thì nó sẽ không được bảo hộ nhãn hiệu.
Chẳng hạn, mùi của nước hoa do con người tạo ra không đủ tiêu chuẩn để bảo hộ nhãn hiệu bởi tính năng (mùi) của sản phẩm là cần thiết với sản phẩm này.
Tính khác biệt của sản phẩm cũng được coi là yếu tố phải có trong nhãn hiệu. Với mùi hương, tính khác biệt thường chỉ được công nhận sau một thời gian, trong nhiều trường hợp là sau một thời gian dài. Bạn có thể nghĩ mùi hương do bạn tạo ra là khác biệt nhưng khách hàng của sản phẩm/dịch vụ có liên quan đến mùi hương mới là người xác quyết.
Vì vậy, trước khi muốn đăng ký bảo hộ cho một mùi hương, bạn phải trải qua một quá trình nhằm khẳng định liệu các khách hàng của bạn có nhận biết mùi hương đó nhiều như (hoặc nhiều hơn) bạn không.