Theo các tài liệu của Ban khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (2000), con tàu đắm ở Cù Lao Chàm có khả năng do người Xiêm chế tạo, hoạt động trên tuyến đường thủy từ kinh đô Ayutthaya đến Đông Kinh, đã đến thương cảng quốc tế Vân Đồn vào mùa xuân và khởi hành trở về vào đầu mùa thu, khi đi ngang qua ngoài khơi Cù Lao Chàm thì gặp thời tiết xấu và do chở quá nặng (bao gồm đồ gốm tráng men chất lượng cao, hoa quả…) nên bị đắm.
Việc phân tích gỗ đóng tàu, tiền đồng, hoa văn trên đồ gốm và các tài liệu thành văn cho thấy con tàu bị đắm vào khoảng thế kỷ XV.
Cổ vật bị đắm dưới biển. Ảnh: Lê Hằng
PGS.TS Tống Trung Tín nhận định, việc phân tích các hiện vật trục vớt được từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm giúp ta khẳng định gốm là mặt hàng sản xuất và xuất khẩu quan trọng một thời của người Việt cổ. Khi đem so sánh số đồ gốm Việt Nam ở trên con tàu với những đồ gốm phát hiện ở trên đất liền thì nhìn chung đa số đều tương tự như các loại hình đã tìm thấy ở các lò gốm cổ thuộc Hải Dương, trong đó có lò gốm Chu Đậu, hoặc ở các lò lân cận khu vực Hải Dương. Mới đây, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh một số hiện vật trong con tàu đắm này có nguồn gốc từ lò gốm ở trong Hoàng Thành Thăng Long.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Tống Trung Tín, những hiện vật được trục vớt là nguồn tư liệu trực quan sinh động phục vụ cho giảng viên, sinh viên khi tìm hiểu về cuộc khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, là minh chứng thực tế đáng quý khi phân tích, giảng giải về gốm men Việt Nam thế kỷ XV hay khi hướng dẫn cách phân biệt đồ cổ và đồ giả cổ cũng như những biểu hiện nhận dạng đặc điểm các hiện vật gốm sứ sau khi bị ngâm lâu dưới biển…