Ba ngàn năm trước, tổ tiên loài người đã bắt đầu tìm cách thích ứng với thế giới nhờ phát minh ra một công cụ táo bạo mới mẻ: đó chính là bản đồ.
Một trong những bản đồ lâu đời nhất còn tồn tại có kích thước và hình dạng của chiếc iPhone đời đầu: Bản đồ Thế giới của người Babylon. Một bảng đất sét được tạo ra vào khoảng năm 700 đến 500 TCN ở vùng Lưỡng Hà: Babylon hình tròn ở trung tâm, bị sông Euphrates cắt đôi và đại dương bao quanh. Nó không có nhiều chi tiết và chẳng giúp con người điều hướng.
Bản đồ Babylon - Bản đồ sớm nhất của thế giới là của những người Babylon, được làm ra trước khi Chúa Jesus ra đời 600 năm. Nguồn: worldhistory.org
Jerry Brotton, giáo sư nghiên cứu về thời kỳ Phục hưng chuyên về bản đồ học tại Đại học Queen Mary, London, cho biết độ chính xác không phải thứ mà các nhà vẽ bản đồ sơ khai quan tâm nhiều. Bản đồ thời đó là một hình thức biểu đạt nghệ thuật, hay một cách để tuyên bố vùng đất mình sở hữu. Nhiều thế kỷ sau, người La Mã đã vẽ một tấm bản đồ rộng lớn về toàn bộ đế chế trên một cuộn giấy dài, nhưng nó không mang tính thực tế mà là một nỗ lực để khiến các vùng đất rải rác của Rome gắn kết hơn.
Khoảng năm 150, nhà toán học, thiên văn học, địa lý học Ptolemy đã tạo ra bản đồ đầu tiên sử dụng kinh độ và vĩ độ.
Vào thế kỷ II SCN, Claudius Ptolemy đã xúc tiến nỗ lực đầu tiên giúp việc lập bản đồ mang tính thực tiễn hơn. Là một nhà thiên văn học và chiêm tinh học, ông mong mỏi lập ra lá số tử vi chính xác, mà điều này đòi hỏi phải đặt nơi sinh của một người trên bản đồ thế giới. Ptolemy thu thập tài liệu chi tiết về vị trí của các thành trấn, bổ sung thông tin qua lời kể của lữ khách. Khi hoàn thành công việc, ông đã nghĩ ra một hệ thống các đường vĩ độ và kinh độ, đồng thời đánh dấu khoảng 10.000 địa điểm - từ Anh đến châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Thậm chí, Ptolemy còn phát minh ra những cách để trải phẳng hành tinh (giống như đa phần người Hy Lạp và La Mã, ông biết Trái đất hình cầu) lên bản đồ hai chiều. Ông gọi kỹ thuật mới này là Địa lý.
Sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, kỹ thuật địa lý thực tế của Ptolemy thất lạc trong tay người phương Tây gần một nghìn năm. Một lần nữa, các tấm bản đồ lại mang tính kể chuyện nhiều hơn. Thế kỷ XII, Vua Roger II của Sicily, một người theo đạo Cơ đốc, đã đặt học giả Hồi giáo al-Sharif al-Idrisi làm ra tấm bản đồ kết hợp các thành phố Hồi giáo và Cơ đốc giáo lại với nhau, còn trung tâm thế giới là các vùng đất của Vua Roger.
Một trong số các bản đồ Cơ đốc mappa Mundi Hereford. Nguồn: unesco.org.uk
Các bản đồ Cơ đốc khác (gọi là mappaemundi hay mappa mundi) còn ít chính xác hơn thế: chúng thể hiện Thiên Chúa đã thẩm thấu vào thế giới như thế nào. Tác phẩm nổi tiếng nhất có kích thước khổng lồ (152cm x 122cm) vẽ trên một tấm da động vật ở Hereford, Anh. Hầu như không thể nhận ra đâu là châu Âu, châu Á hoặc Bắc Phi, và đầy những kỳ quan lạ thường: Một con linh miêu đi qua Tiểu Á; Thuyền Noah ở Armenia; châu Phi là nơi cư ngụ giống người có mắt và miệng trên vai. Ở phía trên cùng của bản đồ - về phía Đông, hướng linh thiêng nhất - là những hình ảnh cho thấy Adam và Eva bị đuổi khỏi Vườn Địa đàng, Thiên Chúa trở lại vào Ngày Phán xét. Tấm bản đồ này không nhằm giúp bạn định hướng, mà nó chỉ ra con đường đi tới Thiên đàng.
Thời kỳ Phục hưng ló dạng là lúc bản đồ bắt đầu được cải thiện. Thương mại trên biển cùng việc xâm chiếm các vùng đất đòi hỏi điều này. Đồng thời, công nghệ thúc đẩy bản đồ có độ chính xác cao hơn ra đời: loại la bàn đáng tin cậy giúp tạo nên các bản đồ “portolan”, gồm các đường ngang dọc trên biển từ cảng này sang cảng khác, hướng dẫn các thủy thủ khi đi thuyền. Công trình cổ đại của Ptolemy được khám phá lại, và những tấm bản đồ mới được vẽ dựa trên các phép tính hàng nghìn năm tuổi của ông.
Thật vậy, chuyến đi đến châu Mỹ của Christopher Columbus mang theo bản đồ được vẽ bằng kỹ thuật của người La Mã cổ đại này. Nhưng suy đoán của Ptolemy về thế giới lại nhỏ hơn 30% so với thực tế; khiến Columbus tin rằng chuyến đi đến châu Á sẽ ngắn hơn nhiều. Đây là một ví dụ sơ khai về thảm họa gần giống GPS.
Thương mại đường biển phát triển hơn tăng cường độ chính xác của các bản đồ Thế giới Mới, ít nhất với những bờ biển và con sông lớn diễn ra hoạt động buôn bán da hải ly. Vùng nội địa của châu Mỹ đa phần đều chưa được biết đến; những người vẽ bản đồ thường vẽ đây là một khoảng trống lớn với cái tên “miền đất lạ”.
Hải trình trở nên dễ dàng hơn sau năm 1569, khi Gerardus Mercator công bố sáng kiến vĩ đại nhất trong việc lập bản đồ sau Ptolemy: Phép chiếu Mercator. Là một người thông thái có kỹ năng chạm khắc và toán học, Mercator đã tìm ra mẹo hay nhất để thể hiện bề mặt địa cầu trên bản đồ - dần dần mở rộng các vùng đất và đại dương xa hơn về phía Bắc và phía Nam xuất hiện trên bản đồ. Đây là một trợ giúp tuyệt vời để điều hướng, nhưng nó cũng tinh vi bóp méo cách chúng ta nhìn thế giới: Các quốc gia gần cực - như Canada và Nga - được mở rộng một cách phi tự nhiên, còn các khu vực ở Xích đạo như châu Phi bị thu hẹp lại.
Điều này đã trở thành quy tắc bản lề của bản đồ: “Không có bản đồ nào hoàn toàn thể hiện sự thật,” Mark Monmonier, tác giả của cuốn How to Lie With Maps, lưu ý. “Trên bản đồ luôn tồn tại sự sai lệch hay quan điểm nào đó”.
Quả thật, bản đồ còn là một hành động thuyết phục, một phép hùng biện bằng hình ảnh. Nhà lưu trữ bản đồ tại Văn phòng Lưu trữ Quốc gia của Vương quốc Anh Rose Mitchell cho biết bản đồ “được dùng để giải quyết các tranh chấp”. Trong khi đó, những người có học thức bắt đầu thu thập bản đồ và trưng bày chúng, “để thể hiện mình thông thái thế nào”. Ngay cả khi không đọc được từ ngữ trên bản đồ ngoại quốc, nhìn chung bạn vẫn có thể hiểu nó, thậm chí là định hướng. Sức mạnh thuyết phục của bản đồ là khả năng nhìn qua là hiểu. Nó là dữ liệu được biểu hiện trực quan.
Bản đồ không chỉ là biểu tượng của quyền lực: Chúng trao cho người sử dụng sức mạnh. Có tấm bản đồ tốt, quân đội có lợi thế trong trận chiến, một vị vua biết có thể đánh thuế bao nhiêu vùng đất. Bản đồ phương Tây thể hiện vùng nội địa châu Phi trống rỗng đã khiến các đế chế ảo tưởng giành châu Phi làm thuộc địa. Bản đồ còn giúp phá hủy chủ nghĩa thực dân, như Simon Garfield lập luận trong cuốn On the map.
Vào cuối thế kỷ 19, sự phát triển vượt bậc của lý luận toán học và công nghệ đo đạc đã giúp việc lập bản đồ bùng nổ. Tại Pháp, gia đình Cassini đã đi ngang dọc khắp đất nước để tính toán quy mô của nó với độ chính xác chưa từng thấy. Thủ thuật mà họ sử dụng là “phép đạc tam giác” để ghép lại hàng nghìn phép đo nhờ quan sát qua một sản phẩm công nghệ cao mới là “kính kinh vĩ”. Sự đột phá trong thấu kính ống nhòm cho phép người khảo sát đo nhanh hàng chục dặm. Bản đồ thế giới ngày càng trở nên chính xác.
Việc lập bản đồ cục bộ trở nên chi tiết hơn. Sở khảo sát quân dụng Anh bắt đầu lập bản đồ Vương quốc Anh theo đơn vị yard vuông, và doanh nhân người Đức Karl Baedeker đã tạo ra các bản đồ chi tiết tương tự về các thành phố ở châu Âu. Lúc bấy giờ, du khách có thể tự tin tham quan ở nước ngoài, tay cầm hướng dẫn được cập nhật hằng năm, có thể xác định vị trí từng tòa nhà, giống như người dân ngày nay nhìn vào Google Maps trên điện thoại. Được nổi bật trên bản đồ địa phương là điều quý giá với các thương gia, nên các nhà lập bản đồ tại Mỹ đã bán bản quyền, ai trả nhiều tiền thì tòa nhà được ghi tên, giống như quảng cáo vậy.
Bản đồ còn làm thay đổi cách mọi người hiểu thế giới xung quanh. Vào những năm 1880, nhà cải cách xã hội Charles Booth đã tạo ra một bản đồ đạo đức của London, các ngôi nhà được đánh mã màu theo thu nhập và xu hướng tội phạm. (Các khu vực màu vàng là “giàu có”, trong khi các khu vực màu đen là “Tầng lớp thấp nhất. Độc ác, có khả năng phạm tội.”) Booth muốn giúp đỡ người nghèo bằng cách cho thấy địa lý gắn liền với số phận, nhưng kỹ thuật của ông cuối cùng lại củng cố điều này: ở Mỹ, các ngân hàng bắt đầu “vạch lằn ranh đỏ” cho các khu dân cư nghèo, từ chối cho bất kỳ ai trong khu vực này vay tiền.
Đến thế kỷ 20, bản đồ đã giúp phe Đồng minh chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Trong “phòng bản đồ” dưới lòng đất, Winston Churchill đã chỉ huy trận chiến và đưa ra những chỉ đạo giúp bảo vệ lãnh thổ trước cơn xâm lược.
Ngày nay, bản đồ dường như sống dậy: Dùng giọng nói của robot, chúng cho ta biết chính xác nơi cần đến - nhờ các vệ tinh và lập bản đồ của các công ty như Waze, Google, Bing và Mapquest. Tuy nhiên, Greg Milner, tác giả của How GPS Is Changing Technology, Culture and Our Minds lo lắng GPS đang làm suy yếu một điều nền tảng trong bản thân chúng ta, nó không chỉ ăn mòn kỹ năng định hướng mà còn cả cách ta ghi nhớ chi tiết của thế giới xung quanh. Một nghiên cứu năm 2008 ở Nhật Bản cho thấy những người sử dụng GPS để đi lại trong thành phố nắm bắt địa hình kém hơn người dùng bản đồ giấy hay trực tiếp đi tìm hiểu tuyến đường.
Tuy nhiên, Rumsey không tin vào sự mất mát này. Ông lập luận, sự tiện lợi của GPS và bản đồ trực tuyến có nghĩa là ta đang sống trong thời đại bản đồ ngày càng phát triển. Thời nay, mọi người nhìn thấy nhiều bản đồ trong một ngày hơn trước đây, Rumsey lưu ý: “Càng tương tác nhiều với bản đồ, bạn càng trở nên nhanh nhạy hơn. Do đó, bản đồ sẽ mang lại nhiều bản đồ hơn”.
Nguồn: smithsonianmag.com