Cuốn “Giám sát và Trừng phạt” là một trong những di sản quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ của triết gia Michel Foucault.
Dựa trên những nguồn tư liệu phong phú và bằng những luận cứ ở tầm lý luận sâu sắc, Giám sát và Trừng phạt - Nguồn gốc của nhà tù đã phác họa chi tiết hành trình tiến hóa lịch sử của các cơ sở nhà tù và các hình thức trừng phạt trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ thứ 18 đến giữa thế kỷ thứ 19. Trên hành trình này, đã có những bước nhảy giữa hai cột mốc cách nhau khoảng một thế kỷ. Cuốn sách, trong khi đặc biệt tập trung phân tích các nhà tù, cũng ám chỉ đến các cơ sở kỷ luật khác như: trường học, bệnh viện, trại tỵ nạn, trại trẻ mồ côi, doanh trại, công xưởng, nhà máy - nơi các công nghệ hành vi tương tự được áp dụng.
Điều quan trọng cần làm rõ là không chỉ có một cách đọcGiám sát và Trừng phạt. Đây là một cuốn sách khó phân loại: nó là một nghiên cứu triết học, một cuốn sách lịch sử, một nghiên cứu xã hội học hay tội phạm học? Nó phân tích về thế kỷ 18 và 19 hay chẩn đoán về xã hội những năm 1970, thời điểm khi cuốn sách được xuất bản? Khó nói...
Trước tiên, có lẽ chúng ta nên đọc Giám sát và Trừng phạt như là lịch sử về sự ra đời của nhà tù hoặc thậm chí là câu chuyện về một đột biến xảy ra trong lĩnh vực hình sự vào khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, đi từ hình phạt mang tính trả thù đến sự giám sát, rèn luyện và cải tạo; đi từ những màn hành hình tra tấn man rợ nhắm vào cơ thể phạm nhân và được trình diễn hoành tráng trước mắt công chúng đến việc nhắm tới linh hồn phạm nhân thông qua việc cầm tù thân xác và áp dụng các biện pháp cải tạo để “phục thiện” cho những linh hồn đó (Foucault dùng chữ “sự êm dịu của hình phạt”).
Nhưng nếuGiám sát và Trừng phạtlà một câu chuyện lịch sử, nó lại không thực sự mang đặc trưng lịch sử như những câu chuyện khác. Lịch sử ra đời của nhà tù được trình bày ở đây chỉ là “chất liệu” cho những phân tích triết học nhằm truy tìm bản chất của nhà tù. Nhà tù, theo Foucault, như là nơi bộc lộ các chiến lược quyền lực nhiều hơn là các hiệu ứng thể chế đơn giản (loại bỏ phản kháng, cô lập những kẻ đối nghịch có sức thu hút lớn). Vì thế cuốn sách cũng mang phẩm chất của một tác phẩm đấu tranh chính trị, điều càng trở nên rõ nét hơn khi cuốn sách được xuất bản trong bối cảnh có nhiều cuộc nổi dậy trong các nhà tù của Pháp (1971-1972 và 1974) và sau khi Foucault thành lập và tham gia tích cực các hoạt động của “Nhóm thông tin về nhà tù”. Mặt khác,Giám sát và Trừng phạtcũng không phải là một câu chuyện đơn giản về sự ra đời của nhà tù: xa hơn nữa, nó là một gia phả về sức mạnh kỷ luật, trong đó nhà tù là nơi sức mạnh này được phô diễn đầy đủ nhất, bạo liệt nhất.
Cuốn sách bắt đầu bằng sự đối lập nổi bật giữa câu chuyện về cuộc hành hình đặc biệt khắc nghiệt đối với Damiens - kẻ bị kết án vào năm 1757 vì tội mưu sát vua - và những quy tắc áp dụng “cho Ngôi nhà của những phạm nhân vị thành niên ở Paris” vào năm 1838. Michel Foucault, trong phần mở đầu này, đã trình bày mục tiêu của cuốn sách: lấp đầy khoảng trống giữa hai cột mốc tiêu biểu, đại diện cho hai phương pháp trừng phạt trái ngược nhau: màn biểu diễn của đoạn đầu đài ở quảng trường công cộng và hình thức giam giữ để cải huấn/sửa sai. Cuốn sách ngay lập tức đặt ra một câu hỏi: Đâu là nguyên nhân quyết định dẫn đến sự thay đổi đột biến của các phương pháp trừng phạt rất khác nhau về bản chất như vậy? Độc giả sẽ tìm thấy câu trả lời ở những phần tiếp theo của cuốn sách.
Trong phần thứ hai, Michel Foucault trình bày dự án của các nhà cải cách vào cuối thế kỷ 18, những người mong muốn giảm nhẹ các hình phạt và hình thành một nền kinh tế mới với sức mạnh trừng phạt hữu ích hơn và nhân đạo hơn: không phải bằng nhà tù mà bằng “những chướng ngại vật mang dấu hiệu cảnh báo”, đóng vai trò như những biển chỉ đường minh họa cho con đường pháp lý mà toàn xã hội phải tuân thủ.
Foucault cũng cho chúng ta biết rằng trong thời đại cổ điển, cùng tồn tại song song với dự án của các nhà cải cách theo khuynh hướng nhân văn được nhắc đến ở trên, đã manh nha xuất hiện ba mô hình nhà tù: mô hình của Bỉ được tổ chức dựa trên việc cưỡng bức lao động mang lại lợi nhuận về kinh tế và sư phạm; mô hình của Anh ủng hộ sự cô lập cá nhân như một công cụ chuyển đổi, hoàn lương; và mô hình của Philadelphia kết hợp sự cô lập và lao động cưỡng bức, tạo điều kiện để tái hòa nhập. Như vậy, vào cuối thế kỷ 18, Michel Foucault khẳng định, sự tồn tại và đan xen vào nhau của ba phương thức tổ chức quyền lực trừng phạt: pháp luật trừng phạt của nền quân chủ (quyền lực tối cao thuộc về cá nhân vị quân vương), dự án cải tạo tu dưỡng mang tính nhân đạo, và dự án về cái thiết chế mang tên “nhà tù”.
Phần còn lại của cuốn sách nhằm giải thích cho chúng ta hiểu vì sao công nghệ quyền lực thứ ba (nhà tù) cuối cùng lại thắng thế và trở thành mô hình phổ biến tiêu biểu cho công nghệ trừng phạt từ thế kỷ 19 đến tận hôm nay. Hành trình của Foucault dẫn người đọc đến với các nhà tù để quan sát chúng ở một cự ly gần đã hé mở ra cho chúng ta thấy muôn vàn những câu chuyện khác nhau: giám sát, luyện tập, diễn tập, đánh giá, cấp bậc và chức vụ, phân loại, kiểm tra, ghi âm, các cấu trúc kiến trúc đặc biệt của nhà tù tuân theo nguyên tắc giám sát toàn cảnh Panopticon... đã được phát triển xuyên suốt các thế kỷ, nói ngắn gọn đó là kỷ luật, một đặc trưng nổi bật của cấu trúc các xã hội “trừng phạt” toàn bộ cách thức để khuất phục những cá nhân, chế ngự các đám đông và thao túng sức lực của họ.
Với những khái niệm được xây dựng rất chặt chẽ và rõ ràng như thế, ngay trong các bài giảng năm 1973 và tiếp đó là trong cuốn Giám sát và Trừng phạt, Foucault đã xác định nhà tù như một điểm đồng quy lịch sử, giao điểm của ba trục tọa độ: “đền tội” (khái niệm có nguồn gốc sâu xa từ tôn giáo), “thể xác” (nơi quyền lực chính trị thể hiện chức năng) và “cưỡng chế” (chức năng kinh tế gắn với sự chuyển đổi của xã hội từ mô hình phong kiến sang tư sản).
Nói riêng về khái niệm “cưỡng chế”, theo Foucault, đó là một tập hợp các thể chế đóng khung cuộc sống của các cá nhân, từ khi sinh ra cho đến khi chết. Nhà trẻ, trường nội trú, doanh trại, nhà máy, bệnh viện, nhà tế bần… - tất cả các cơ sở “cưỡng chế” này đều hoạt động theo cùng một mô hình: giám sát liên tục các cá nhân, kèm theo các hình phạt từ nhỏ tới lớn trong trường hợp cá nhân có hành vi không phù hợp; kiểm tra thái độ thường xuyên; tiến hành xử phạt bởi một hệ thống thưởng phạt; và tạo dựng ra toàn bộ kiến thức được coi là “chuẩn mực” của các cá nhân, những phần kiến thức bổ sung này được xác định theo “độ lệch so với chuẩn mực” của đối tượng (về giáo dục, sức khỏe, công việc,…), kiến thức cá nhân được hiện thực hóa trong các báo cáo, xếp hạng , hồ sơ,…; cuối cùng là tổ chức chặt chẽ và đầy đủ về lịch trình (hoạt động, du lịch, nghỉ ngơi,…).
Mục đích cuối cùng của cưỡng chế là để mở rộng liên tục việc tiến hành theo dõi và đánh giá các cá nhân làm cơ sở cho sự trừng phạt. “Ví dụ như khi một bác sĩ hỏi tôi những câu hỏi về tình trạng sức khỏe của tôi, khi một giáo sư hỏi tôi, khi một quản đốc hỏi tôi đã làm việc như thế nào hay cấp trên tra vấn về những gì tôi đã làm, tất cả những câu hỏi này ngay lập tức tỏa ra một luồng không khí mang một sắc thái trừng phạt nhất định”. Trong vị thế bị cưỡng chế, mỗi câu hỏi đặt ra đánh thức trong mỗi chúng ta nỗi sợ hãi sẽ bị trừng phạt, nếu câu trả lời sai lệch so với một chuẩn mực (về sức khỏe, học vấn, hành vi,…), và cả một tương lai chắc chắn là đau khổ, nếu khoảng cách lệch lạc so với chuẩn mực là quá lớn…
Và câu hỏi của Michel Foucault vẫn là còn của chúng ta hôm nay: “Trong một thời gian dài, chúng ta lo lắng về những gì nên bị trừng phạt và cái gì không nên; một thời gian dài, chúng ta cũng băn khoăn về cái cách mà một người đã bị trừng phạt. Và giờ đây đã xuất hiện những câu hỏi kỳ lạ: “Chúng ta có nên trừng phạt không?”, “Hình phạt có nghĩa là gì?”, rằng “tội ác phải bị trừng trị đã rất quen thuộc với chúng ta, rất gần gũi, rất cần thiết và đồng thời có điều gì đó mờ mịt khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ”; và chúng ta sẽ hóa giải ra sao nhận xét của Nietzsche, được Foucault nhắc lại vài lần: “xã hội mà chúng ta đang sống không biết gì ngoài việc trừng phạt”.
Foucault kết thúc cuốn sách với hy vọng rằng trong tương lai, đối với những “nghiên cứu về sức mạnh của sự chuẩn hóa và hình thành tri thức trong xã hội hiện đại”, bản thảo của ông có thể đóng vai trò như một nền tảng mang tính lịch sử.