Nếu một ngày muỗi biến mất, hẳn con người chúng ta sẽ vui mừng nhất vì không còn những cơn ngứa ngáy khi bị muỗi chích, hay những tiếng vo ve bên tai khi ta đang thiu thiu ngủ. Đặc biệt là nhiều sinh mạng sẽ được bảo vệ, bởi muỗi đóng vai trò trung gian truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người.

Nhưng nếu muỗi thực sự biến mất thì điều gì sẽ xảy ra?

Muỗi là gì?

Trên thực tế, muỗi là một nhóm côn trùng lớn, gồm 3.500 loại côn trùng khác nhau, và tất cả chúng đều có hành vi khác nhau. Hầu hết loài muỗi hoạt động tích cực về đêm, nhưng một số sẽ hoạt động vào ban ngày. Mọi người sẽ không nhận ra, nhưng chỉ muỗi cái mới hút máu động vật, bởi vì chúng cần protein từ máu để nuôi dưỡng trứng. Khi không sinh sản, muỗi cái sẽ hút mật hoa, lựa chọn này giống lũ muỗi đực – những kẻ “ăn chay trường”. Thậm chí, một số loài muỗi, chẳng hạn như chi Toxorhynchites, còn săn lùng các loài muỗi khác trong giai đoạn ấu trùng thủy sinh.

Nếu con muỗi cái hút máu ở người đang nhiễm một số loại virus hoặc mắc bệnh ký sinh trùng như sốt rét, nó có thể lây bệnh cho người tiếp theo mà nó đốt. Trong số tất cả loài muỗi, chỉ có muỗi cái của khoảng 40 loại là thực sự nguy hiểm vì chúng có thể truyền bệnh cho con người, nhất là bộ ba muỗi Anophele, Culex và Aedes.

Muỗi đóng vai trò trung gian truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người.
Muỗi đóng vai trò trung gian truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người.

Vấn đề là số lượng loài muỗi ít ỏi này lại lan truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm chết người như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt Zika, bệnh chikungunya, bệnh sốt Tây sông Nile và sốt vàng da. Kể từ đầu năm 2024, trên thế giới đã có hơn 11 triệu ca sốt xuất huyết và hơn 7.000 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết ở 84 quốc gia/lãnh thổ, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Còn bệnh sốt rét cướp đi sinh mệnh của hơn nửa triệu người mỗi năm, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi. Hẳn nhiên là nếu loài vật này biến mất, sức khỏe của hàng chục triệu người sẽ được cải thiện.

Thế nhưng, việc loại bỏ hoàn toàn muỗi có thể gây ra nhiều hậu quả mà ta không thể lường trước được. Tất cả các sinh vật đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà chúng tồn tại, và việc loại bỏ một sinh vật khỏi môi trường sống có thể gây biến động tới tất cả các loài khác trong đó.

Nguồn thức ăn cho động vật và thụ phấn cho thực vật

Nhiều nghiên cứu đã làm sáng tỏ mạng lưới thức ăn của các loài động vật có vú lớn, chẳng hạn như sư tử hoặc báo, nhưng ít có nghiên cứu nào về muỗi. Lý do đơn giản là vì chúng có kích thước lớn, dễ quan sát hơn loài muỗi bé tí tẹo, thường sinh sản trong các vũng nước tạm thời.

Trên thực tế, muỗi đã tồn tại trên hành tinh này hơn 100 triệu năm và trở thành một phần quan trọng trong chuỗi thức ăn. Loài côn trùng này, dù là đực hay cái, ở dạng ấu trùng hay trưởng thành, đều nằm trong thực đơn của khá nhiều loài động vật, như cá, ếch, rùa, kiến, nhện, chuồn chuồn, tắc kè, chim di cư và dơi...

Nếu hàng tỷ con muỗi biến mất, nhiều loài động vật sẽ mất đi một phần thực phẩm. Ta hãy thử hình dung tình cảnh nếu trên thế giới không còn gạo, chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối trong việc đảm bảo an ninh lương thực (dù đúng là chẳng ai ăn mỗi cơm không).

Lấy lãnh nguyên Bắc Cực làm ví dụ. Đây là nơi sinh sống của vô cùng nhiều loài muỗi, chúng là nguồn thức ăn cho các loài chim di cư. Nếu muỗi tại đây bị chúng ta tiêu diệt, số lượng chim trong khu vực này có thể giảm xuống hơn một nửa. Một số nhà khoa học dự đoán số phận tương tự sẽ chờ đợi nhiều loài cá trên toàn cầu nếu kịch bản này xảy ra, chúng sẽ phải thay đổi chế độ ăn để tồn tại. Điều này sẽ cực kỳ khó khăn cho những loài chỉ ăn muỗi, ví dụ như cá đớp muỗi. Muỗi biến mất sẽ kéo theo tình trạng suy giảm số lượng các loài côn trùng và cá, vô hình trung gây ra hiệu ứng lan tỏa trong suốt chuỗi thức ăn.

Hầu hết loài muỗi không hút máu người. Chỉ 6% trong số đó hứng thú với con người, một nửa trong số này có khả năng truyền bệnh cho người. Số còn lại sẽ thích máu từ một loài động vật có vú cụ thể như chim, thậm chí cả bò sát. Những con muỗi đực hút mật có thể trở thành loài thụ phấn chính cho các loài thực vật như cây lương thực và hoa – trong đó có cả hoa lan, như Phong lan lá tù (Blunt-leaf orchid).

Một con muỗi mới nở (Culicidae) nằm trên mặt nước. Nguồn: Ingo Arndt
Một con muỗi mới nở (Culicidae) nằm trên mặt nước. Nguồn: Ingo Arndt


Vệ sĩ canh rừng

Các nhà khoa học đã dành quá nhiều thời gian tập trung vào tác hại của muỗi như lây lan bệnh tật, tới nỗi không có nhiều nghiên cứu về cách chúng có thể mang lại lợi ích cho hệ sinh thái.

Tiến sĩ Tanya Latty, nhà sinh thái học côn trùng tại Đại học Sydney (Úc), cho biết: “Ở những nơi có mật độ muỗi cao, sự hiện diện của chúng sẽ thay đổi nơi động vật tới tìm kiếm thức ăn. Động vật ăn cỏ lớn có thể tránh những khu vực có đàn muỗi lớn vào những thời điểm nhất định trong ngày. Và nhờ thế, thực vật giảm bớt được áp lực bị gặm liên tục.”

Còn cây bút khoa học David Quammen cho rằng muỗi bảo vệ các khu rừng mưa nhiệt đới nơi chúng sinh sống, giúp ngăn chặn con người và nạn phá rừng.

Ngoài ra, có nhiều lo ngại cho rằng nếu chúng ta tiêu diệt sạch muỗi, trong tự nhiên sẽ xuất hiện một thứ gì đó tệ hơn nữa, như là một loại côn trùng hút máu có thể gây ra nhiều bệnh hơn nữa, hoặc gây ra vết cắn đau đớn hơn cho nạn nhân.

Một số biện pháp kiểm soát quần thể muỗi

Hiện nay, để ngăn ngừa muỗi sinh sôi nảy nở, lây truyền các căn bệnh chết người, các cơ quan y tế trên toàn cầu đã áp dụng các biện pháp phổ biến như quản lý môi trường sống, diệt loăng quăng, bọ gậy hoặc phun thuốc diệt côn trùng, sử dụng màn tẩm thuốc diệt côn trùng. Ngoài ra, nhờ các tiến bộ trong kỹ thuật di truyền mà một vũ khí khác đã được đưa vào công cuộc kiểm soát muỗi: chỉnh sửa gene.

Các nhà khoa học cho biết có hai công nghệ khác nhau có thể chỉnh sửa được gene của muỗi. Phương pháp thứ nhất là paratransgenesis (sự chuyển gene cận thế), các nhà nghiên cứu sẽ cho muỗi nhiễm một loại vi khuẩn sẽ ngăn chúng truyền bệnh sốt rét. Cách này sẽ không gây hại cho loài muỗi.

Phương pháp thứ hai là chỉnh sửa gene của chính con muỗi. Cách này tập trung vào gene drive (lái gene): các hệ thống di truyền đảm bảo các gene mong muốn sẽ được truyền lại cho mọi thế hệ sau này. Có hai loại gene drive. Một loại nhắm tới thu nhỏ quy mô quần thể vectơ, hay còn được gọi là kìm hãm quần thể. Một loại khác thì hướng tới việc ngăn chặn muỗi truyền bệnh sốt rét, nó còn được gọi là chỉnh sửa quần thể.

Mới đây, các nhà khoa học đã khám phá ra một vi khuẩn xuất hiện tự nhiên trong ruột của muỗi và dường như ngăn chặn được ký sinh trùng sốt rét phát triển bên trong con muỗi.

Với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ lẫn nỗ lực của các nhà khoa học trên toàn thế giới, chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai muỗi không còn là vật trung gian truyền bệnh.

Nguồn:

theconversation, CNN, nationalgraphic, howstuffworks