Nhiều nơi trên thế giới chào mừng ngày đầu năm vào mùng 1 tháng một. Song, với người dân ở nhiều quốc gia, năm mới không khởi đầu vào ngày đó.

Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên đán.

Theo ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước, một số nước ở Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia sẽ đón năm mới theo âm lịch (nông lịch). Tính theo Dương lịch, người dân ở những nước ngày thường bắt đầu nghỉ lễ vào cuối tháng Một hay đầu tháng Hai. Mỗi năm sẽ gắn với một loài động vật trong mười hai con giáp.

Để chào đón năm mới và tiễn biệt năm cũ, mọi người thường dành thời gian dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, sắm sửa quần áo mới và thực phẩm, mang cây cỏ về trưng như một cách rước lộc vào nhà. Các hoạt động kỷ niệm bao gồm bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa, cúng lễ tổ tiên, múa lân trong dịp lễ, mọi người đi viếng chùa chiền để cầu cho một năm mới tốt đẹp, đi thăm họ hàng và mừng tuổi người già, trẻ nhỏ bằng các phong bao lì xì đỏ.

Lễ Nowrūz của Ba Tư

Nowrūz (hay Norooz) có nghĩa là Ngày mới. Lễ hội mùa xuân này kéo dài mười ba ngày, diễn ra ở Iran và một số vùng thuộc Trung Đông và châu Á. Dịp lễ này được tổ chức vào tiết Xuân phân trong tháng ba, và được cho là bắt nguồn từ Hỏa giáo. Lễ hội này đã được tổ chức ở nhiều cộng đồng khác biệt về sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ trong hơn 3,000 năm.

Cái tên Nowrūz xuất hiện trong các ghi chép cổ của Iran vào thế kỷ 2 SCN. Song, nhiều sử gia cho rằng nó đã được tổ chức dưới triều đại Achaemenid (năm 555-330 TCN). Không như nhiều lễ hội Ba Tư cổ đại khác, Nowrūz vẫn là một lễ hội quan trọng sau khi Iran bị Alexander Đại đế chinh phục vào năm 333 TCN và sự trỗi dậy của Hồi giáo vào thế kỷ 7 SCN.

Trong mười ba ngày lễ, mọi người sẽ tổ chức ăn uống, tặng quà cho các thành viên trong gia đình cùng hàng xóm, đốt lửa trại, nhuộm trứng và té nước – phong tục tượng trưng cho sự tái sinh. Ngày kết thúc kì nghỉ lễ là Sizdah Bedar hay còn gọi là Ngày Tự nhiên. Đây là dịp để mọi người ra ngoài hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng vẻ đẹp của thế giới hồi sinh.

Lễ Wepet Renpet của người Ai Cập cổ

Dịp năm mới của người Ai Cập cổ đại bắt đầu khi sao Thiên Lang – ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm – lần đầu tiên sau 70 ngày vắng bóng, thường rơi vào giữa tháng bảy, báo trước trận lũ hằng năm sẽ tràn về trên sông Nile.

Sau mỗi mùa lũ, những lớp phù sa phủ dày trên sa mạc khô cằn là dấu hiệu của sự tái sinh và mùa màng tươi tốt. Để chào mừng điều này, người Ai Cập sẽ tổ chức lễ mừng Wepet Renpet, có nghĩa là “mở cửa năm mới”.

Trong tháng đầu tiên của năm, người Ai Cập sẽ tổ chức “Lễ hội say rượu”. Bữa tiệc này gắn với một câu chuyện thần thoại nữ thần chiến tranh Sekhmet định giết hết loài người trong cơn say máu. Và con người thoát khỏi tai kiếp này là nhờ thần Mặt trời Ra chuốc rượu Sekhmet và khiến bà bất tỉnh. Để tôn vinh ơn cứu mạng này, người Ai Cập sẽ ăn mừng với âm nhạc, tình dục, các cuộc vui chơi và rất nhiều bia.

Đắp núi cát để tích công đức.

Lễ Enkutatash của Ethiopia

Enkutatash, có nghĩa là “món quà châu báu” trong tiếng Amharic, diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng Maskarem, theo lịch cổ của riêng người Ethiopia là Ge’ez (một năm kéo dài 13 tháng, chậm hơn lịch phương Tây hơn bảy năm). Theo Dương lịch, dịp lễ này rơi vào ngày 11 hay 12 tháng chín. Ngày bắt đầu lễ mừng đánh dấu thời điểm kết thúc ba tháng mùa mưa. Hoa cúc vàng nở rộ và bao phủ khắp các triền núi và cánh đồng.

Ngày lễ này bắt nguồn từ một câu chuyện diễn ra 3,000 năm trước, khi Nữ vương xứ Sheba (Ethiopia và Yemen ngày nay) tới thăm Vua Solomon của Israel và tặng ông 4,5 tấn vàng cùng rất nhiều gia vị cùng món trang sức độc đáo. Sau chuyến thăm, bà được các thần dân dâng tặng các món châu báu để chào mừng bà trở về.

Các lễ ăn mừng kéo dài khoảng một tuần. Vào đêm Giao thừa, mỗi gia đình sẽ đốt một đống lửa trước nhà gồm lá khô và gỗ thu nhặt trước đó, đây là biểu tượng cho mặt trời quay trở lại sau mùa mưa cùng những niềm vui. Trẻ em ở vùng quê thường tặng cho cha mẹ một bó hoa cúc (biểu tượng cho mùa xuân tới và sự sinh sôi nảy nở) và nhận về những món quà nhỏ. Ngoài ra, các cô bé sẽ đi tới từng nhà để hát rồi nhận được tiền thay lời cảm ơn. Còn các cậu trai sẽ bán những bức tranh vẽ các vị thánh. Còn ở các thành phố lớn, các gia đình sẽ tặng thiệp mừng cho nhau.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ giết mổ con vật mua về từ tối hôm trước và chuẩn bị các món ăn truyền thống, café là một đồ uống thiết yếu vì cây cà phê khởi nguồn từ đây.

Lễ Hogmanay của Scotland

Trong tiếng Scot, Hogmanay để ngày cuối cùng trong năm. Dù không rõ nguồn gốc của nó, có nhiều luận điểm cho rằng nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp hay tiếng Bắc Âu cổ, khi người Viking tới xâm lược nơi đây vào thế kỷ 8 và 9. Các sử gia tin rằng nhiều phong tục và truyền thống của ngày lễ bắt nguồn từ các lễ hội ngoại giáo như Lễ Đông chí Bắc Âu, Yule của người Viking và Samhain của người Gael.

Lễ mừng bắt đầu từ thời Trung Cổ khi cuộc cải cách tôn giáo khiến Giáng sinh không còn là ngày lễ chính thức ở đây. Thay vào đó, người dân sẽ ăn mừng vào ngày 31/12 cho tới ngày 2/1. Vào đúng nửa đêm ngày 31, nhà thờ khắp nơi sẽ rung chuông để báo hiệu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong đêm Giao thừa, các nhóm trẻ em hay thanh niên sẽ đeo mặt nạ tới gõ cửa các ngôi nhà để xin kẹo, bánh và hát bài truyền thống Auld Lang Syne, được phổ nhạc từ bài thơ viết năm 1788 của nhà thơ người Scotland Robert Burns.

Người Scotland cũng có tục lệ xông đất. Theo truyền thống, vị khách đầu tiên của năm mới phải là một người đàn ông cao, tóc đen mang theo quà là cục than, chút muối, bánh trái cây nhân màu đen, bánh bơ giòn và rượu whisky. Những món quà này sẽ mang may mắn tới cho ngôi nhà, tượng trưng cho hơi ấm, đồ ăn ngon, lòng hiếu khách và niềm vui cho năm tới. Vậy vì sao vị khách này phải có tóc đen? Theo các sử gia, điều này có lẽ bắt nguồn từ nỗi sợ người Viking tới xâm chiếm, do đó đàn ông tóc vàng không phải là điềm lành.

Lửa có vai trò quan trọng trong phong tục của lễ Hogmanay, tượng trưng cho sự thanh tẩy, xua đuổi tà ma và mang tới vận may. Theo truyền thống, sau khi lò sưởi được lau dọn vào ngày 31/12, người ta sẽ đốt một ngọn lửa mới lên, lửa cháy mạnh vào nửa đêm được coi là điềm lành. Người dân đốt lửa trại và diễu hành với những ngọn đuốc trong tay. Trong dịp lễ này, mọi người sẽ xem pháo hoa cùng đoàn diễu hành múa các quả cầu lửa xoay quanh người rồi ném xuống biển.

Các dịp mừng năm mới theo Phật lịch

Một số quốc gia Phật giáo ở Đông Nam Á sẽ ăn mừng năm mới vào ngày đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13 hay 14/4 Dương lịch), thời điểm kết thúc mùa gặt và bắt đầu mùa mưa.

Lễ hội té nước ở Thái Lan.

Lễ mừng năm mới Sinhala – Tamil ở Sri Lanka

Lễ hội này gọi là Aluth Avurudu theo người Sinhala và Puththandu theo người Tamil. Đây là dịp lễ của hai dân tộc có dân số đông nhất Sri Lanka: người Sinhala (74% dân số) và người Tamil (18%). Ngày lễ diễn ra vào tháng Bak, khi Mặt trời di chuyển từ Meena Rashiya (Nhà của Song Ngư) đến Mesha Rashiya (Nhà của Bạch Dương. “Bak” bắt nguồn từ “bhagya” trong tiếng Phạn, có nghĩa là “may mắn”.

Khoảng thời gian từ cuối Năm Cũ đến đầu Năm Mới được gọi là Nonagathe, Nonagathaya hay Punya Kalaya (Thời gian tốt lành). Người dân sẽ dừng các hoạt động thường nhật, mặc đồ trắng và đi tới đền chùa, xin các nhà sư hay thầy tu ban phước. Khi mặt trời lặn, mọi người sẽ đi tắm gội lần cuối trong năm, dùng các loại thảo dược vào dầu như gừng và mù tạt để thanh tẩy cơ thể, và ngắm trăng.

Khi bình minh tới, tiếng pháo nổ và nhịp điệu vỗ trống rabana (loại trống một mặt truyền thống) sẽ đánh thức những người còn ngủ để báo hiệu sự khởi đầu mới đang tới. Người phụ nữ sẽ đốt lò sưởi và đun sữa trong nồi đất mới tới trào ra ngoài, biểu tượng cho sự sung túc. Sau đó, họ sẽ làm món bánh gạo truyền thống Kiribath cùng các món ngọt khác để mời khách tới chơi và tặng cho hàng xóm.

Với hy vọng mọi việc suôn sẻ cho năm mới, mọi người sẽ bắt đầu làm việc tượng trưng, chẳng hạn như học sinh sẽ làm bài, còn người nông dân sẽ ra ruộng cày vài đường. Sau đó, trẻ em sẽ tặng lá trầu tươi cho người già để chúc sống lâu. Các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau và thường là quần áo. Người dân nước này cũng có phong tục tặng tiền.

Tới đền chùa để được xức dầu là một phần quan trọng trong dịp Năm mới. Người dân nơi đây cho rằng việc xức dầu từ đầu xuống chân sẽ tẩy uế cho tâm trí và cơ thể. Trong nghi lễ này, chủ đền sẽ đứng trên lá cây, rễ và hoa, vừa xức dầu vừa tụng kinh.

Cuối cùng, mọi người sẽ chuẩn bị một bàn lớn bày bánh gạo Kiribath, chuối, các món ngọt rồi ngồi quây quần bên nhau cùng thưởng thức.

Chol Chnam Thmey của Campuchia

Chol Chnam Thmey có nghĩa là “Bước vào năm mới”. Không chỉ người Campuchia ăn mừng vào dịp lễ này, mà một bộ phận người Khmer ở Việt Nam cũng hòa chung bầu không khí. Người dân sẽ dừng làm việc trong ba ngày.

Cho tới thế kỷ 13, dịp năm mới được tổ chức vào cuối tháng mười một hay đầu tháng mười hai. Một vị vua Khmer (Suriyavaraman II hoặc Jayavaraman VII) đã quyết định dời dịp lễ này trùng với cuối mùa gặt.

Trong những ngày này, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa và bày biện ban thờ để dâng đồ cúng cho các vị thần. Viếng thăm chùa chiền và đắp núi cát trong sân nhằm tích công đức là một phong tục quan trọng với người dân nơi đây.

Ở các đền thờ, người ta sẽ trải lối vào bằng lá dừa và bông hoa. Người tới chùa sẽ mang đồ cúng gồm thực phẩm, bánh trái và các món đồ khác để dâng cho tổ tiên. Sân chùa cũng thành nơi vui chơi các trò dân gian cho người dân.


Lễ hội té nước.

Campuchia cũng có lễ hội té nước có tên là Bom Chaul Chnam (Lễ gặt lúa). Người dân sẽ mang theo đồ đựng nước như xô, chậu, súng nước, vòi phun và ra đường té nước vào người xung quanh với hy vọng một mùa vụ mới bội thu.

Các nước Myanmar, Thái Lan và Lào cũng ăn mừng tương tự như Campuchia, với các lễ hội té nước lần lượt là Thingyan, Songkran, Bunpimay.

Nguồn: ancient-origins, worktheworld, ethioembassy, scottish-at-heart, sonasia-holiday