Ngày 1/4/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến công chúng và giới quan sát Trung Quốc bất ngờ khi chỉ định quy hoạch ba huyện thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh gần 100 km về hướng Tây Nam và có diện tích khoảng 1.770 km2, thành Tân khu Hùng An – cái tên được ghép từ chữ Hùng (雄 mang nghĩa là mạnh mẽ, dũng mãnh) và An (安tức bình an) trong Hán ngữ. Chức năng chính của thành phố mới là để “giảm tải” cho thủ đô Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh của trục Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc. Hùng An được kỳ vọng sẽ mang diện mạo của một đô thị hiện đại, xanh, sạch, đẹp, thông minh và đáng sống, nơi con người tương tác hài hòa với thiên nhiên.
Kể từ khi lên nắm quyền (2013), ông Tập đã rất nhiều lần cổ vũ sứ mệnh “phục hưng những giá trị vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” và “xây dựng Trung Quốc thành một siêu cường mang bản sắc riêng” thay vì sao chép các mô hình phương Tây – thuyết Trung Quốc Mộng (中國夢). Nếu thành công, Hùng An sẽ sánh vai cùng đặc khu Thẩm Quyến (Quảng Đông) và Phố Đông (Thượng Hải), qua đó đưa di sản của ông Tập lên ngang hàng Đặng Tiểu Bình (cha đẻ của chính sách mở cửa kinh tế từ cuối thập niên 1970, đầu 1980). Ngoài ra, dự án còn là phép thử cho năng lực sáng tạo nội địa của Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, và Mỹ cùng hệ thống đồng minh tìm cách ngăn chặn không cho nước này tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất như chip bán dẫn,…
Theo báo cáo do Morgan Stanley tổng hợp, Trung Quốc dự kiến sẽ huy động khoảng 380 tỷ USD cho Hùng An – một con số khổng lồ, gấp 13 lần kinh phí xây dựng đập Tam Hiệp1. Tính đến hết năm 2022, Tân khu đã thu hút tổng cộng 74,2 tỷ USD vốn đầu tư vào 240 dự án lớn nhỏ (số liệu do ban quản lý dự án công bố). Chứng kiến thành tựu ấn tượng của Hùng An, lãnh đạo nhiều nước (cùng tới Trung Quốc dự WEF lần này) đã bày bỏ sự ngưỡng mộ và xem thành phố như một mô hình kiểu mẫu đáng để tham khảo. Tuy nhiên, giới quan sát bình luận phương Tây, bao gồm cả những học giả gốc Hoa như Lý Thành2 lại đặt dấu hỏi về tính khả thi cùng tác động kinh tế – xã hội – môi trường của siêu dự án:
Thứ nhất là về vấn đề dân số. Theo thiết kế, Hùng An sẽ thu hút khoảng 2 – 3 triệu cư dân. Nhưng trước sự hấp dẫn của các thông điệp quảng bá về một “thành phố trong mơ”, chính quyền Trung Quốc sẽ làm gì để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người (hàng chục triệu, thậm chí hơn) muốn chuyển tới đây sinh sống và làm việc? Tuyên bố “dự án không có chỗ cho hoạt động đầu cơ tài sản” của ban quản lý liệu có khả thi trước thực trạng nhu cầu quá lớn? Ngoài ra, mục tiêu “thúc đẩy những tiêu chuẩn cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công và tạo nên các ‘cư dân Hùng An mới’ mang phẩm chất cao quý lẫn tinh thần nghệ sĩ” liệu có làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng (vốn đang khá sâu sắc) tại Trung Quốc?
Thứ hai là vị trí không thật sự thuận lợi của Hùng An khi thành phố nằm ở một khu vực rất dễ chịu tổn thương bởi thiên tai và thời tiết khắc nghiệt. Đó là nguy cơ lũ lụt do nền đất thấp và Bạch Dương Điện (hồ nước ngọt lớn nhất phía Bắc Trung Quốc) ngay sát cạnh. Năm 1963, một đợt mưa lớn đã khiến nước hồ dâng cao, gây nên trận lụt lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại và giết chết 340.000 người chỉ riêng tại các huyện của Hà Bắc nay thuộc Hùng An; chi phí để ngăn ngừa lũ lụt vì thế sẽ bị đội lên rất nhiều. Sang thập niên 1980, tình trạng lại hoàn toàn trái ngược khi một đợt hạn hán kéo dài đã làm nước hồ gần như cạn kiệt. Năm 2015, Quốc vụ Viện (Chính phủ) Trung Quốc đã phê duyệt một dự án thủy lợi lớn kết nối Bạch Dương Điện với sông Hoàng Hà nhằm giải quyết vấn đề “thủy tai”, nhưng điều đó vẫn chưa thể đảm bảo Hùng An hoàn toàn vô hại trước tình trạng biến đổi khí hậu, bên cạnh một số quan ngại về tác động của công trình đến hệ sinh thái.
Thứ ba, Hùng An về bản chất vẫn là một dự án đặc trưng cho tư duy hoạch định và quản lý theo kiểu tập trung (central planing) – nhà nước can thiệp và áp đặt ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường, đi ngược lại hầu hết các nguyên tắc của bàn tay vô hình (invisible hand). Cách tiếp cận như vậy thường khiến rất nhiều động lực đổi mới bị triệt tiêu, mặc dù “sáng tạo công nghệ” ngay từ ban đầu đã được xác định là mục tiêu quan trọng nhất của Hùng An. Ngay cả đối với Trung Quốc – quốc gia sở hữu những nguồn lực khổng lồ – thì việc xây dựng một thành phố hoàn toàn mới vẫn sẽ cực kỳ tốn kém. Một số quan điểm phê phán đã so sánh kế hoạch này với “Đại nhảy vọt”3 thời Mao Trạch Đông.