Sentinelese là bộ lạc sống biệt lập trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Không ai biết họ nói ngôn ngữ gì, họ sống như thế nào, hoặc họ tin điều gì. Chúng ta thậm chí còn không biết họ tự gọi mình là gì.

Sentinelese là bộ lạc duy nhất sống trên Đảo Bắc Sentinel. Ảnh: theujjwal.in
Sentinelese là bộ lạc duy nhất sống trên Đảo Bắc Sentinel. Ảnh: theujjwal.in

Có hơn 100 bộ lạc sống tách biệt với phần còn lại của thế giới, nhưng không thể phủ nhận Sentinelese là bộ lạc sống biệt lập nhất. Trước những tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân và toàn cầu hóa kinh tế, họ đã chống lại hầu hết mọi nỗ lực tiếp xúc từ thế giới bên ngoài trong hàng nghìn năm – đôi khi bằng bạo lực.

Bộ lạc Sentinelese đã gây chú ý trên toàn thế giới vào năm 2018 khi một nhà truyền giáo theo đạo Cơ đốc từ Mỹ xâm nhập bất hợp pháp vào hòn đảo của họ, nơi anh ta bị giết bằng cung tên. Tuy nhiên, sự kiện giật gân này chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện liên quan đến bộ lạc bí ẩn này.

Bộ lạc Sentinelese sống trên Đảo Bắc Sentinel ở Ấn Độ Dương, một khu vực nằm giữa Ấn Độ và Myanmar. Theo luật của Ấn Độ, việc đi vào phạm vi 9,26km quanh hòn đảo là bất hợp pháp, chủ yếu là để tôn trọng lối sống truyền thống của những cư dân trên đảo và bảo vệ họ tránh khỏi những căn bệnh mà họ không có khả năng miễn dịch từ thế giới bên ngoài xâm nhập vào.

Ở phía Đông nơi sinh sống của bộ lạc Sentinelese là Quần đảo Andaman. Nhưng ngay cả những cộng đồng lân cận cũng gần như không có bất kỳ mối liên hệ nào với người Sentinelese trong lịch sử được ghi chép lại.

“Điều này khiến Sentinelese trở thành bộ lạc biệt lập nhất thế giới bởi vì họ thậm chí không có hàng xóm. Hầu hết các bộ lạc không tiếp xúc với thế giới bên ngoài đều có những người hàng xóm mà họ có thể thực hiện một số hình thức giao thương hoặc tình cờ gặp trong rừng, nhưng người Sentinelese không gặp gỡ ai cả”, Sophie Grig, cán bộ nghiên cứu cấp cao của tổ chức Survival International, cho biết.

Do sự cô lập tột độ của người Sentinelese, thế giới rộng lớn bên ngoài gần như không biết gì về cách sống của họ.

Dữ liệu điều tra dân số Ấn Độ vào năm 2011 ước tính chỉ có 15 người sống trên Đảo Bắc Sentinel, mặc dù con số thực tế được cho là khoảng 100 người. Dựa trên báo cáo từ những người đã quan sát hòn đảo từ xa trên thuyền, người ta tin rằng 100 cá thể này sống thành ba nhóm riêng biệt. Khu định cư của họ bao gồm hai loại nhà khác nhau: những túp lều chung có kích thước lớn và các chòi trú ẩn tạm bợ, không có tường.

Nếu bạn muốn hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các bộ lạc sống biệt lập với thế giới bên ngoài, quy tắc quan trọng nhất là hãy tránh xa và tôn trọng đời sống riêng tư của họ.
Sophie Grig - Cán bộ nghiên cứu cấp cao của tổ chức Survival International

“Hầu hết những gì chúng ta biết về lối sống của họ đều được thu thập từ những gì có thể nhìn thấy từ xa trên những chiếc thuyền. Chúng ta thậm chí không biết họ tự gọi mình là gì”, Grig cho biết. Grig từng làm việc trong dự án “nghiên cứu bộ lạc Sentinelese” của Survival International, một tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các dân tộc bản địa, đảm bảo mong muốn sống tách biệt với thế giới bên ngoài của họ được tôn trọng.

Vào những năm 1970, Chính phủ Ấn Độ đã thiết lập một chính sách nhằm cố gắng tiếp xúc với người Sentinelese với mục tiêu cuối cùng là dạy họ làm nông nghiệp và khuyến khích họ hòa nhập với xã hội hiện đại. Chính phủ đã gửi thuyền và tặng quà cho bộ lạc mặc dù không hiểu rõ ngôn ngữ bản địa của họ. Tuy nhiên, người Sentinelese đã từ chối nỗ lực tiếp cận này. Họ giương cungtên vào những vị khách để cảnh báo người lạ không được chào đón.

“Trong thập niên 1990, có một khoảng thời gian ngắn người Sentinelese cho phép các vị khách tiếp cận họ gần hơn, đổ bộ lên bãi biển và lấy đi một số quả dừa. Sau đó, không ai thực sự biết lý do tại sao, nhưng họ đã ngừng cho phép điều này xảy ra và quay trở lại thái độ thù địch”, Grig cho biết.

Sau những cuộc biểu tình của các nhóm bảo vệ quyền lợi của người bản địa, Chính phủ Ấn Độ đã từ bỏ kế hoạch tiếp xúc với các cư dân trên đảo vào cuối những năm 1990 và người Sentinelese tiếp tục bày tỏ thái độ thù địch với thế giới bên ngoài. Ngoài cái chết của nhà truyền giáo Cơ đốc vào năm 2018, những năm qua đã xảy ra một số vụ việc người Sentinelese gây hấn với những người lạ.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ từng sử dụng một chiếc trực thăng bay qua Đảo Bắc Sentinel để xem xét bộ lạc Sentinelese có cần hỗ trợ sau trận sóng thần tàn khốc làm rung chuyển Ấn Độ Dương vào tháng 12/2014 hay không. Tuy nhiên, một thành viên của bộ lạc đã rình rập chiếc trực thăng và cố gắng tấn công nó bằng những mũi tên. Rõ ràng họ không cần bất kỳ sự trợ giúp nào.

Một sự cố khác xảy ra vào năm 2006 khi hai ngư dân Ấn Độ vô tình trôi dạt vào đảo sau một đêm uống rượu say và ngay lập tức bị người Sentinelese giết chết.

Nếu nhìn vào lịch sử của bộ lạc Sentinelese trong thời kỳ thuộc địa, chúng ta sẽ hiểu tại sao họ muốn giữ khoảng cách với người lạ.

Năm 1880, sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh Maurice Vidal Portman đã cử một nhóm người đến tiếp xúc với người dân trên Đảo Bắc Sentinel. Khi đến bờ biển, những người dân trên đảo sợ hãi, chạy trốn vào rừng. Người Anh đã không tìm thấy bất kỳ thứ gì ngoài những ngôi làng bị bỏ hoang. Cuối cùng, nhóm của Portman đã bắt giữ sáu người – một nam giới, một phụ nữ lớn tuổi, cùng với một số trẻ em – và đưa họ đến một căn cứ trên Quần đảo Andaman ở gần đó.

“Không may, tất cả đều mắc bệnh nặng. Hai người lớn tuổi nhất đã chết, và thực dân Anh quyết định đưa những đứa trẻ trở lại đảo và tặng chúng một số món quà. Tuy nhiên, rất có thể món quà lớn nhất mà chúng mang về đảo là bệnh tật”, Grig cho biết. “Tôi không dám chắc, nhưng lý do mà bộ lạc Sentinelese chống lại sự xâm nhập của người lạ có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm không tốt từ cuộc tiếp xúc đó”.

Bất chấp mọi khó khăn, bộ lạc Sentinelese vẫn tồn tại và phát triển mạnh. “Họ đã sống trên đảo hàng nghìn năm, thậm chí là hàng chục nghìn năm. Họ trông cực kỳ khỏe mạnh, đang phát triển mạnh mẽ, và rõ ràng là họ chọn cách sống biệt lập trên đảo”, Grig nói.

Dù vậy, bộ lạc Sentinelese hiện nay cũng đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, khai thác kinh tế, thuộc địa hóa và sự lan truyền của các loại bệnh tật.

“Nếu bạn muốn hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các bộ lạc sống biệt lập với thế giới bên ngoài, quy tắc quan trọng nhất là hãy tránh xa và tôn trọng đời sống riêng tư của họ”, Grig cho biết.