Thành phố Ise ở trung tâm huyện Mie1 có một chốn linh thiêng thường được xem như thánh địa của Thần đạo (Shinto)2 – Thần cung Ise. Điểm độc đáo là cứ sau 20 năm, tất cả những công trình bên trong Ise sẽ được tháo dỡ để xây dựng lại.
Nơi này trên thực tế là một quần thể rộng lớn, bao gồm 125 thần xã (đền thờ) nằm rải rác trong một khu rừng (diện tích hơn 5.000 ha) với những cây tuyết tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Hai ngôi đền quan trọng nhất: Nội cung (Naiku) được xây dựng từ thế kỷ thứ 3, thờ Amaterasu-Omikami (Thái Dương Thần nữ)3 và cũng là nơi cất giữ chiếc gương thần Yata no Kagami (Bát chỉ kính) – một trong Tam chủng thần khí4 biểu tượng cho ngôi báu của Thiên hoàng; Ngoại cung (Geku) được xây dựng về sau, nằm cách Nội cung gần 6km, thờ Toyouke-Ōmikami (nữ thần bảo hộ nông nghiệp, công thương nghiệp và chăm lo cho các nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của thần Amaterasu).
Nhiều ghi chép cổ tin rằng thần Amaterasu đã trao gương thần cho Thiên hoàng ngay tại khu vực Nội cung, vì thế mà nơi này thường nhận được nhiều sự tôn sùng hơn so với Ngoại cung. Do tính chất đặc biệt tôn nghiêm nên bất cứ ai viếng thăm Ise cũng đều không được phép chụp hình. Ngoài ra họ còn cần thể hiện thái độ thành tâm kính cẩn (bằng cách cúi đầu) mỗi khi bước qua cây cầu Uji bắc ngang Isuzu – con sông theo truyền thuyết là ranh giới giữa cuộc sống thế tục và cõi thần.
Một điểm độc đáo là cứ sau 20 năm, tất cả những công trình bên trong Ise, bao gồm Nội cung, Ngoại cung và cầu Uji sẽ được tháo dỡ để xây dựng lại bằng các kỹ thuật tinh xảo được lưu truyền qua nhiều thế hệ và thường mất ít nhất tám năm mới hoàn tất. Truyền thống này đã tồn tại suốt hơn 1300 năm qua, bắt nguồn từ niềm tin trong Thần đạo rằng tự nhiên có sinh diệt, luân hồi, cái mới thay thế cái cũ. Lần gần nhất Ise được xây dựng lại (lần thứ 62) là vào năm 2013, và lần kế tiếp dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2033. Đây hiển nhiên là một sự kiện trọng đại, được ghi dấu bằng một loạt lễ hội do người dân địa phương tổ chức, trong đó có Okihiki (lễ hội được tổ chức 10 năm trước khi xây dựng Ise và diễn ra trong hai mùa xuân liên tiếp). Nhân dịp này, người dân từ các thị trấn xung quanh Ise sẽ kéo những khúc gỗ lớn diễu hành trên đường phố.
Chúng được xẻ từ các cây tuyết tùng cổ thụ trong rừng và dùng để làm vật liệu xây dựng đền thờ mới; số lượng cây bị đốn như vậy có thể lên tới hơn 1 vạn. Theo đúng quy trình, người ta sẽ tháo dỡ một ngôi đền cũ (từ phần mái trước) rồi cất lên ngôi đền mới thay thế (giống đến từng chi tiết) ở ngay trên nền khu đất liền kề. 20 năm sau, công việc sẽ lại được thực hiện y chang như vậy nhưng luân phiên giữa hai địa điểm. Ngân sách cho mỗi lần xây dựng là rất lớn – lên tới gần 1 tỷ USD, được lấy từ tiền thuế, do hoàng gia và các mạnh thường quân đóng góp.
Mặc dù Thần cung Ise thực sự là một di tích lịch sử quan trọng nhưng hầu hết du khách đến đây đều không khỏi hụt hẫng khi biết quần thể tâm linh lớn nhất Nhật Bản này lại chỉ có tuổi đời không quá 20 năm. Cũng vì thế mà Ise sẽ không bao giờ hội đủ điều kiện để được UNESCO công nhận di sản.
Chú thích
1. Nhật Bản áp dụng hệ thống: đô (to) – đạo (do) – phủ (fu) – huyện (ken) trong việc chia đơn vị hành chính (du nhập từ Trung Quốc thời Nhà Đường). Trong đó “đô” được dùng cho Tokyo (Đông Kinh), “đạo” cho đảo Hokkaido (Bắc Hải Đạo), “phủ” cho Osaka (Đại Phản) và Kyoto (Kinh Đô), bên cạnh 43 huyện (tương đương cấp tỉnh ở Việt Nam).
2. Thần đạo (Shinto) là tín ngưỡng bản địa, thường được xem là quốc giáo của Nhật Bản. Shinto thờ “đa thần”, VD: thần đất, cây, đá, sông suối,... thậm chí còn có cả thần ban phước lành thi đỗ, hạnh phúc lứa đôi, may mắn làm ăn phát đạt, giao thông an toàn (muốn cầu xin gì thì sẽ có thần đó). Có những vị tướng lập chiến công hiển hách (bao gồm cả người từng dẫn quân xâm lược nước ngoài như Toyotomi Hideyoshi) cũng được phong “thần” (khá giống Đức Thánh Trần trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Việt Nam). Thậm chí một số tội phạm chiến tranh trong Thế chiến II như Thủ tướng Tojo Hideki (bị tòa án Quân đội Đồng minh treo cổ) cũng được thờ như một “á thần” trong Yasukuni Jinja (Tĩnh quốc Thần xã). Thần xã/thần cung (đình thần) là nơi thờ thần theo Shinto. Trên khắp nước Nhật, từ Bắc chí Nam, hiện đang có khoảng hơn 80.000 thần xã và gần 100 triệu người thực hành Shinto. Tuy nhiên, chỉ gần 4 triệu người Nhật thực sự coi Shinto là tôn giáo chính và sống vì Shinto (như các vu nữ).
3. Amaterasu-ōmikami (Thiên Chiếu Đại Ngự Thần) là vị thần quan trọng nhất trong Shinto, có tên gọi bắt nguồn từ amateru (tiếng Nhật), mang nghĩa là “vị thần vĩ đại uy nghi tỏa sáng trên thiên đường”. Sách Kojiki (Cổ Sự Ký) và Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) đều tin rằng các Thiên hoàng Nhật Bản chính là hậu duệ của Amaterasu.
4. Tam chủng thần khí bao gồm thanh gươm Kusanagi no Tsurugi (Thảo Thế kiếm), chiếc gương Yata no Kagami (Bát Chỉ kính) và viên ngọc Yasakani no Magatama (Bát Xích Quỳnh Khúc ngọc), lần lượt tượng trưng cho sự dũng cảm, khôn ngoan và nhân từ của Thiên Hoàng.