Từ cuối thập niên 1950, quan hệ Liên Xô – Trung Quốc đã trở nên vô cùng căng thẳng (1), xung đột vũ trang luôn trực bùng nổ; hai bên thậm chí còn đe dọa hủy diệt nhau bằng vũ khí hạt nhân (2).
Năm 1969, trước nguy cơ bị Liên Xô tấn công phủ đầu, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (1893 – 1976) đã ra lệnh cho toàn thể người dân đào hầm tránh bom. Đến cuối năm 1970, chính quyền tại 75 thành phố lớn đã chuẩn bị đủ chỗ trú ẩn cho khoảng 60% dân số.
Tại Bắc Kinh, gần 300.000 người đã sử dụng những công cụ thô sơ (cuốc, xẻng) để đào 10.000 – 20.000 căn hầm cùng 30 km đường kết nối chúng lại với nhau. Vật liệu xây dựng được tận dụng từ những bức tường và tháp canh cũ trong thành Bắc Kinh. Không chỉ người lớn, cả trẻ em cũng tranh thủ tham gia công việc này sau giờ học. Hệ thống bong-ke và đường hầm sau khi được hoàn thành trải rộng trên một diện tích 85km², kéo dài đến tận chân dãy Tây Sơn ở ngoại vi thành phố, cho phép toàn bộ dân số Bắc Kinh khi ấy (khoảng 8 triệu người) có thể “sống sót” bên dưới lòng đất suốt bốn tháng để chờ không khí bên trên mặt đất sau một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học được “tẩy uế” .
Sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời (năm 1976), Đặng Tiểu Bình (1904 – 1997)3 đã cho áp dụng rất nhiều thay đổi chính sách, trong đó ưu tiên cải cách kinh tế. Mâu thuẫn Xô – Trung vì thế đã không còn là mối ưu tư lớn nhất. Để công sức xây dựng hệ thống hầm ngầm ở Bắc Kinh không bị lãng phí, Cục Phòng vệ Dân sự Trung ương đã có chủ trương cho phép người dân được thương mại hóa công trình. Một số căn hầm được cải tạo làm nhà cho thuê, số khác trở thành nhà hàng, siêu thị, rạp phim, nhà hát, phòng khám bệnh, trường học, nhà máy, nhà kho, trại trồng nấm hay sân trượt patin, …
Tuy vậy, chính quyền vẫn quy định hầm tránh bom là hạng mục không thể thiếu đối với thành phố. Luật Phòng vệ Dân sự được thông qua năm 1996, yêu cầu những tòa nhà xây mới phải được trang bị hầm trú ẩn, nhưng nhấn mạnh chúng cũng có thể được khai thác cho mục đích kinh tế trong thời bình. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ của các căn hộ cho thuê, được quản lý bởi một hệ thống tương đối phức tạp qua nhiều cấp trung gian – phần lớn chúng thuộc sở hữu của Cục Phòng vệ Dân sự và cho tư nhân thuê lại. Đã từng có gần 1 triệu người – chủ yếu là di dân từ nông thôn, tới Bắc Kinh để tìm kiếm cơ hội – sống trong những căn hộ ẩm thấp và chật chội như vậy vì giá thuê rẻ. Đôi khi họ bị người dân địa phương gọi bằng cái tên đầy khinh miệt – “Bộ tộc chuột”.
Sang thập niên 2010, chính quyền thành phố bắt đầu cấm sử dụng không gian ngầm này cho mục đích lưu trú vì lo ngại nguy cơ cháy nổ, ngập lụt,… Năm 2015, hàng ngàn người bị buộc phải rời đi; năm 2017, gần 400 người bị xử phạt vì sinh sống trái phép ở tầng hầm bên dưới một tòa chung cư cao cấp. Nhưng cùng lúc đó, một phần hệ thống này lại được mở cửa cho công chúng và du khách tới thăm quan.
Chú thích
1. Mâu thuẫn bắt nguồn từ sự bất đồng quan điểm giữa Mao Trạch Đông với các lãnh đạo Liên Xô tối cao, từ Stalin (1878 – 1953) cho đến Georgy Malenkov (1901 – 1988) và Nikita Khrushchev (1894 – 1971). Cụ thể:
- Ngay từ thập niên 1930, Mao đã bỏ ngoài tai các khuyến nghị của Stalin cũng như chỉ thị từ Đệ Tam Quốc tế (Comintern, 1919 – 1943) về đường lối cách mạng tại Trung Quốc. Nếu chủ nghĩa Lenin truyền thống chủ trương cách mạng phải lấy giai cấp lao động thành thị (vốn chỉ chiếm thiểu số ở Trung Quốc) làm nòng cốt thì Mao lại hướng tới huy động lực lượng nông dân.
- Trong Thế chiến II, Stalin hối thúc Mao thành lập liên minh và thỏa hiệp với Tưởng Giới Thạch (1887 – 1975) để chống Nhật; Mao ngoài mặt thì chấp thuận nhưng trên thực tế lại nỗ lực chuẩn bị và dồn sức đánh đuổi Tưởng khỏi Đại lục.
- Bắc Kinh thậm chí còn tìm cách hất cẳng Moscow khỏi vai trò lãnh đạo của phong trào cộng sản thế giới khi Mao và những người ủng hộ ông thường truyền bá ý tưởng rằng các phong trào cộng sản Á châu, cũng như phần còn lại của thế giới, nên học theo gương cách mạng Trung Quốc chứ không phải Liên Xô.
- Sau khi Stalin chết (1953), Mao vô cùng khó chịu khi không thể giành được uy tín hơn các lãnh đạo kế tiếp của Liên Xô là Malenkov và Khrushchev.
Chia rẽ Xô-Trung trở nên leo thang từ cuối thập niên 1950, dẫn đến sự kiện xung đột biên giới Xô – Trung vào tháng 4 – 5/1962 và mùa xuân năm 1969. Hai bên từ đó coi nhau như kẻ thù cho đến tận cuối thập niên 1980.
2. Trung Quốc thử nghiệm thành công bom nguyên tử vào năm 1964. Tuy nhiên, khác với Mỹ và Liên Xô (sở hữu nhiều máy bay ném bom chiến lược tầm xa và tên lửa liên lục địa), Trung Quốc khi ấy vẫn chưa có phương tiện mang đầu đạn hạt nhân nên chắc chắn sẽ gặp bất lợi trong một cuộc xung đột (có thể xảy ra) với Liên Xô. Những tài liệu đã được giải mật của Ngũ Giác Đài (Pentagon) cũng cho thấy Mỹ đã từng bí mật triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Đài Loan trong thập niên 1960 và 1970 để uy hiếp Trung Quốc.
3. Khác với Mao (xuất thân bần cố nông và chưa từng có kinh nghiệm tại nước ngoài), Đặng Tiểu Bình sinh ra trong một gia đình địa chủ có học thức, từng học tập và làm việc ở Pháp. Năm 1926, Đặng còn tới Liên Xô học tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Moscow và kết bạn với Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988) – con trai của Tưởng Giới Thạch, sau làm Tổng thống Đài Loan. Có lẽ chính điều này đã tạo nên sự khác biệt về đường lối phát triển kinh tế giữa hai người.
Nguồn: Amusing Planet