Tất cả chúng ta đều sinh ra với khả năng cảm thụ âm nhạc tự nhiên, và khả năng này tự phát triển cũng như trau dồi thêm khi chúng ta nghe nhạc. Ví dụ, chúng ta có thể nhận ra giai điệu của một bài hát ngay cả khi nó không được hát đúng với cao độ hoặc nhịp điệu ban đầu. Thậm chí, trẻ sơ sinh cũng nhạy cảm với giai điệu, nhịp điệu, và cường độ của tiếng ồn trong môi trường xung quanh. Nói cách khác, bản năng sinh học của con người có thể tiếp nhận âm nhạc ngay từ lúc chào đời, cả về khả năng cảm nhận lẫn việc thưởng thức âm nhạc.
Nhưng thiên hướng âm nhạc của con người có phải là duy nhất trong thế giới tự nhiên, giống như khả năng ngôn ngữ? Liệu âm nhạc có phải là một thứ có lịch sử tiến hóa lâu dài mà chúng ta chia sẻ với các loài động vật khác?
Nhà khoa học nổi tiếng người Anh Charles Darwin từng cho rằng tất cả các loài động vật đều có thể nhận biết và cảm nhận giai điệu, nhịp điệu vì chúng có hệ thần kinh tương tự như con người. Do đó, ông hoàn toàn tin tưởng khả năng cảm thụ âm nhạc của con người có nền tảng sinh học và đã trải qua một quá trình tiến hóa dài – một ý tưởng đã truyền cảm hứng cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới gọi là “sinh học âm nhạc” (biomusicology).
Nhưng niềm tin của Darwin có hoàn toàn đúng hay không?
Để trả lời câu hỏi này, giáo sư âm nhạc Henkjan Honing tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) và nhà thần kinh học Hugo Merchanttại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico đã tiến hành một thí nghiệm đối với khỉ Rhesus. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí
Frontiers in Neuroscience vào tháng 7/2018, các nhà khoa học muốn tìm hiểu xem khỉ Rhesus có phản ứng với nhịp điệu của âm nhạc hay không. Khỉ Rhesus và tổ tiên của loài người từng có chung một nguồn gốc xa xưa, nhưng khoảng 23 triệu năm trước, hai nhánh này đã tách ra trong quá trình tiến hóa.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng điện cực gắn trên hộp sọ của khỉ Rhesus để đo Điện não đồ (EEG) trong lúc chúng nghe nhạc. Sau hơn một năm tiến hành thí nghiệm, họ kết luận khỉ Rhesus không có khả năng cảm nhận nhịp điệu. Phát hiện này trái ngược với giả thuyết của Darwin.
Nguồn gốc khả năng cảm nhận nhịp điệu âm nhạc ở con người có thể bắt đầu từ tổ tiên chung của con người và tinh tinh, cách đây khoảng từ 5 đến 10 triệu năm.
Yuko Hattori
|
Trước đó, các nhà khoa học tin rằng nhịp tim là nguồn gốc giúp con người cảm nhận nhịp điệu, bởi vì tất cả các loài động vật có vú, bao gồm khỉ rhesus và con người, đều nghe thấy nhịp tim của mẹ khi nằm trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm trên khỉ Rhesus cho thấy giả thuyết này ít có khả năng xảy ra. Dường như động vật cần có các mạng lưới thần kinh đặc biệt để cảm nhận nhịp điệu. Ở khỉ Rhesus, những mạng lưới này hoạt động khá yếu ớt hoặc thậm chí là không tồn tại. Vì vậy, yếu tố quyết định khả năng cảm nhận nhịp điệu nằm ở não bộ, thay vì các yếu tố sinh lý học của cơ thể như nhịp tim.
Nghiên cứu của Honing và Merchant cùng một vài nghiên cứu khác đã dẫn đến sự ra đời của giả thuyết tiến hóa âm thanh–vận động từng bước (GAE). Giả thuyết này cho rằng mạng lưới thần kinh cho phép con người cảm nhận nhịp điệu trong âm nhạc là kết quả của những kết nối hai chiều mạnh mẽ giữa vùng vỏ não thính giác (phần não xử lý âm thanh) và vỏ não vận động (phần não điều khiển chuyển động). Ở các động vật linh trưởng không phải người, những kết nối này chỉ tồn tại với mức độ rất hạn chế.
Giả thuyết GAE cũng phỏng đoán tinh tinh có khả năng cảm nhận nhịp điệu ở mức độ sơ khai, do các kết nối trong não liên quan đến việc cảm nhận âm thanh và điều khiển chuyển động đã phát triển một cách chậm rãi khi các động vật linh trưởng không phải người tiến hóa. Tinh tinh thừa hưởng một phần từ quá trình phát triển này, dù chưa hoàn thiện như con người.
Giả thuyết GAE đã thúc đẩy giáo sư âm nhạc Honing đến thăm Viện Nghiên cứu Linh trưởng ở Inuyama, Nhật Bản – nơi nhà linh trưởng học Yuko Hattori đang nghiên cứu khả năng âm nhạc của tinh tinh. Hattori và các cộng sự tiến hành một thí nghiệm thú vị bằng cách cho bảy con tinh tinh (ba con đực và bốn con cái) lắng nghe các đoạn clip dài 2 phút, bao gồm những giai điệu piano lặp đi lặp lại, cách đều nhau. Khi lắng nghe âm thanh, những con tinh tinh bắt đầu nhún nhảy, lắc lư qua lại và đôi khi gõ ngón tay hoặc chân theo nhịp. Điều thú vị là các con đực dành nhiều thời gian di chuyển theo âm nhạc hơn con cái.
“Nguồn gốc khả năng cảm nhận nhịp điệu ở con người có thể bắt đầu từ tổ tiên chung của con người và tinh tinh, cách đây khoảng từ 5 đến 10 triệu năm”, Hattori nhận định. Kết quả nghiên cứu chi tiết của Hattori được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào tháng 12/2019.
Các nhà khoa học cũng quan sát thấy nhiều loài động vật khác, chẳng hạn như vẹt mào Snowball, có thể nhảy hoặc lắc lư đầu theo nhịp điệu của âm nhạc. “Điều làm cho tinh tinh trở nên khác biệt là chúng nhún nhảy theo nhạc một cách tự nhiên, không cần phần thưởng, và người ta cũng quan sát thấy chúng nhảy múa trong môi trường tự nhiên”, Hattori cho biết.
Nhà nghiên cứu Masaki Tomonaga tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho rằng, sự kết hợp giữa âm thanh và chuyển động là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển các “điệu nhảy”. Tại một thời điểm nào đó trong lịch sử tiến hóa, hai yếu tố này đã liên kết với nhau.
Tuy nhiên, câu hỏi mới đặt ra là tại sao con người, tinh tinh, vẹt mào Snowball phát triển khả năng cảm nhận nhịp điệu âm nhạc, trong khi điều này không xảy ra ở khỉ Rhesus?
Nhà thần kinh học Ani Patel tại Đại học Tufts (Mỹ) đề xuất một giả thuyết: khả năng cảm nhận nhịp điệu trong âm nhạc có thể dựa trên việc học phát âm – tức là khả năng học và bắt chước âm thanh mới. Giả thuyết “học phát âm là điều kiện tiên quyết để cảm nhận nhịp điệu” (VL) cho rằng, thay vì có chung khả năng cảm nhận nhịp điệu với các loài động vật có vú khác như ngựa, chó, hay khỉ Rhesus, con người chỉ có thể chia sẻ khả năng này với một số loài chim, chẳng hạn như vẹt mào (bao gồm cả chú vẹt nổi tiếng Snowball), vẹt yến phụng và chim sẻ vằn.
Nhưng vào năm 2013, một nghiên cứu quy mô lớn của nhà sinh học hành vi Colleen Reichmuth tại Đại học California, Santa Cruz (Mỹ) đã làm dấy lên cuộc tranh luận về giả thuyết VL. Nghiên cứu này chỉ ra rằng Ronan – một con sư tử biển California – có khả năng cảm nhận nhịp điệu, lắc lư đầu theo nhạc, mặc dù loài này được cho là không có khả năng học cách phát âm. Đây là một ví dụ phản bác lại giả thuyết VL.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng âm nhạc đã phát triển ở thế giới động vật trong suốt một thời gian dài thông qua quá trình tiến hóa. Sau một thập kỷ với những phát hiện mới thú vị, có vẻ như nhận định trước đây của Darwin đã đúng ở một mức độ nào đó.
Theo: MIT Press Reader, Science