Nước Nga nổi tiếng vì có nhiều tòa cung điện tráng lệ và độc đáo bậc nhất thế giới.

Bức tranh về đám cưới của chú hề trong cung điện băng do họa sĩ Valery Jacobi vẽ năm 1878.
Bức tranh về đám cưới của chú hề trong cung điện băng do họa sĩ Valery Jacobi vẽ năm 1878.

Bên cạnh những biểu tượng trường tồn, chứng nhân của lịch sử như Kremli, cung điện Mùa Đông hay cung điện mùa hè Peterhof thì các đời lãnh đạo quân chủ nước này cũng từng đổ không biết bao nhiêu tiền của cho những công trình chỉ tồn tại ngắn ngủi và sớm bị lãng quên cùng thời gian.

Năm 1739 – 1740, châu Âu hứng chịu một mùa đông lạnh nhất trong lịch sử. Tại Nga, nhiệt độ trung bình có lúc xuống tới âm 40oC khiến sông Neva1 ở St. Petersburg đóng băng hoàn toàn. Thế nhưng, nữ hoàng Anna Ioannovna (1693 – 1740)2 – người cai trị đế quốc khi ấy – lại cho đào lên các khối băng để xây dựng một cung điện tuyệt đẹp ngay bên cạnh bờ sông. Công trình rộng 50m và cao 20m, được ghép từ những khối băng (dài 16m, rộng 5m) nặng 120kg xếp chồng lên nhau, sau đó xử lý bằng cách phun nước thật nhanh để chúng kết dính chặt lại. Tường cung điện dày khoảng hơn 1m, có cửa chính, cửa sổ, đại sảnh, cầu thang và lan can. Các gian phòng được trang bị đầy đủ nội thất, bao gồm giường, tủ, bàn trang điểm, sofa, ghế bành, tủ đựng rượu, đồ ăn,… và tất cả đều được chạm khắc từ băng. Ngoài ra, những người thợ điêu khắc còn tạc tượng thần Cupid3 và nhiều loài động vật để trang trí.

Cung điện băng ở St. Petersburg được đưa tin trên tạp chí của Đức năm 1740.
Cung điện băng ở St. Petersburg được đưa tin trên tạp chí của Đức năm 1740.

Cung điện băng là một trong số những dự án kỳ công được đích thân nữ hoàng Anna đốc thúc để kỷ niệm chiến thắng của Nga trước Đế quốc Ottoman4. Bên cạnh đó, thông qua việc xây dựng tòa nhà “lạnh lẽo” này, bà còn muốn làm nhục hoàng thân Mikhail Golitsyn – một quý tộc bị trừng phạt vì dám kết hôn với một phụ nữ Ý theo Công giáo La Mã khi còn ở nước ngoài. Là một tín đồ Chính thống giáo Đông phương5, nữ hoàng coi cuộc hôn nhân đó là một sự xúc phạm; ngay lập tức bà đã ra lệnh trục xuất vợ của hoàng thân, thu hồi mọi tước vị, đất đai, tài sản rồi buộc ông phải đóng vai tên hề bên trong cung điện mới. Hằng ngày, Golitsyn thường ngồi co rúm bên trong một chiếc ổ cạnh bàn của Anna để rót kvas – một thức uống được làm từ bánh mỳ lên men – cho chủ nhân. Đôi khi, lính canh sẽ bỏ đầy trứng (gà) vào bên trong ổ và ông sẽ phải vờ như đang cố rặn đẻ để làm trò tiêu khiển cho các vị khách mời. Chưa hết, vị nữ hoàng “độc ác” còn thu xếp cho Golitsyn cưới một cô gái xấu xí xuất thân từ tầng lớp thấp kém nhất – người hầu gái gốc Kalmyk (rất gần gũi với Mông Cổ) mang tên Avdotya. Sau nghi lễ tại nhà thờ, cô dâu và chú rể phải ăn vận trang phục sặc sỡ rồi bị nhốt vào bên trong một chiếc lồng lớn đặt trên lưng voi và đi diễu phố. Đoàn diễu hành bao gồm hơn 400 người thuộc nhiều sắc tộc, cưỡi lạc đà, xe kéo tuần lộc, lợn, chó, cừu và thậm chí cả mèo. Hành trình của họ kết thúc tại cung điện băng, nơi cặp vợ chồng “bất hạnh” bị ném vào một căn phòng lạnh lẽo và được ra lệnh phải thực hiện nghĩa vụ của “đêm tân hôn” trước khi chết vì đóng băng. Nữ hoàng ra lệnh khóa chặt cửa và cử lính canh gác ở bên ngoài để không ai có thể trốn thoát. May mắn là Avdotya đã trao đổi sợi dây chuyền ngọc trai của mình với một người lính để lấy một chiếc áo lông cừu; và cặp đôi may mắn đã sống sót qua đêm một cách thần kỳ.

Tranh vẽ nữ hoàng Anna Ioannovna.
Tranh vẽ nữ hoàng Anna Ioannovna.

“Thông qua những việc làm đó, nữ hoàng Anna đã thành công thể hiện bà là một nhà cai trị thông thái, cứng rắn và hoàn toàn không hề lép vế trước các vị quân chủ khác ở châu Âu”, nhà sử học nghệ thuật Julia Herzberg nhận định. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các kế hoạch phù phiếm khác, cung điện băng đã tan chảy khi những tia nắng ấm áp của mùa xuân chiếu đến. Bản thân nữ hoàng cũng qua đời không lâu sau đó và chẳng thể đón mùa đông kế tiếp. Còn người kế nhiệm bà, nhiếp chính vương Anna Leopoldovna (1718 – 1746) cũng đã có một quyết định nhân từ khi ra lệnh phóng thích vợ chồng Golitsyn khỏi cảnh nô lệ. Cặp đôi vẫn tiếp tục chung sống cùng nhau cho đến khi Avdotya qua đời năm 1742 vì khó sinh đứa con thứ hai.
---------
Chú thích
1. Sông Neva dài gần 74 km, chảy từ hồ Ladoga qua eo đất Karelia và thành phố St. Peterburg trước khi đổ ra Vịnh Phần Lan.
2. Anna Ioannovna (1693 – 1740) là nhiếp chính vương của Công quốc Courland từ năm 1711 đến 1730, sau đó trở thành người cai trị toàn nước Nga với danh xưng nữ hoàng trong giai đoạn 1730 – 1740. Bà được giới sử học đánh giá là người ưa tiêu xài hoang phí, nhất là xây dựng những cung điện xa hoa.
3. Cupid là vị thần của ham muốn, cảm xúc, tình yêu và tình dục trong thần thoại La Mã – con trai của nữ thần tình yêu Venus và thần chiến tranh Mars. Các câu chuyện huyền thoại thường miêu tả Cupid như là một bé trai không bao giờ lớn với đôi cánh trắng, luôn mang theo cung và hai mũi tên – một vàng, một đồng. Nếu ai bị mũi tên vàng bắn trúng thì kẻ đó sẽ yêu say đắm người đầu tiên mà họ nhìn thấy; ngược lại, mũi tên đồng sẽ khiến người bị bắn trúng ghét cay ghét đắng kẻ đó.
4. Trong lịch sử, nước Nga Sa hoàng (sau 1721 được gọi là Đế quốc Nga) và Đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh nhau tổng cộng 13 lần, kể từ năm 1568 đến 1918 (kết thúc Thế chiến I). Trong đó, Ottoman giành chiến thắng 3 lần, Nga 9 lần, và có hai lần hai nước cùng ký hòa ước.
5. Chính thống giáo phương Đông là một trong ba nhánh Kitô giáo lớn nhất thế giới, cùng với Giáo hội Công giáo La Mã và Tin Lành, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa lịch sử của khu vực Đông Âu, Hy Lạp, Nga, Kavkaz và Cận Đông. Trong thiên niên kỉ đầu của Kitô giáo, Chính thống giáo phương Đông và Công giáo Rôma vốn thuộc cùng chung một giáo hội mặc dù nuôi dưỡng một số khác biệt trong giáo lý và nghi thực thực hành giữa Đông và Tây. Đến cuối thế kỷ 11, các mâu thuẫn này đã dẫn đến sự kiện Ly giáo năm 1054, phân chia thành hai giáo hội riêng. Hiện nay, các tín hữu Chính thống giáo phương Đông vẫn xem mình là đại diện trung thành nhất đối với những giá trị thần học từ thời Hội thánh tiên khởi.