Một nhóm các nhà khoa học đã đề xuất địa điểm đại diện cho sự khởi đầu của Kỷ Nhân sinh, hay Anthropocene, trên Trái đất là một hồ nước ở Canada.
Hồ này lưu giữ các trầm tích cho thấy tác động của con người lên hành tinh từ năm 1950 trở đi, gồm plutonium từ các vụ thử bom hydro và các hạt từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuyên bố chính thức về Kỷ Nhân sinh sẽ được đưa ra vào tháng 8/2024, nếu đề xuất được cộng đồng khoa học thế địa chất chấp nhận.
Các chuyên gia cho biết quyết định này có tầm quan trọng về xã hội, chính trị, khoa học, vì nó sẽ minh chứng cho “quy mô và mức độ nghiêm trọng của các quá trình biến đổi hành tinh do công nghiệp hóa gây ra”. Khủng hoảng khí hậu là tác động nổi bật nhất của Kỷ Nhân sinh, bên cạnh sự suy giảm động vật hoang dã, sự lây lan của các loài xâm lấn và tình trạng ô nhiễm lan rộng.
Hồ Crawford. Nguồn ảnh: PA
Nhóm công tác Kỷ Nhân sinh (AWG), được thành lập vào năm 2009, từng công bố vào năm 2016 rằng những thay đổi do con người gây ra đối với Trái đất lớn đến mức tạo thành một thế địa chất mới. Kể từ đó, AWG đã đánh giá chi tiết hàng chục địa điểm trên khắp thế giới để chọn ra “điểm vàng”, nơi có các tầng địa chất có thể đánh dấu sự khởi đầu của thời đại mới một cách rõ ràng nhất.
Các địa điểm "ứng viên" bao gồm các rạn san hô nhiệt đới ở Mỹ và Úc, một đầm lầy ở Ba Lan, dải băng Nam Cực và rác của con người tích tụ bên dưới thành phố Vienna. Tuy nhiên, sau nhiều vòng bỏ phiếu của AWG, Hồ Crawford gần Toronto (Canada) đã được chọn.
Giáo sư Francine McCarthy - nhà địa chất học tại Đại học Brock, Canada, thành viên AWG, cho biết: “Hồ Crawford rất đặc biệt vì nó cho phép chúng ta quan sát những thay đổi trong lịch sử Trái đất đến từng năm". Nguyên nhân là hồ này được hình thành trong một hố sụt đá vôi, sâu 24 mét nhưng chỉ có diện tích 2,4 ha. Hình dạng hố sâu khiến cho nước dưới đáy và nước trên bề mặt không trộn lẫn với nhau, không làm lẫn lộn các lớp trầm tích.
AWG đã chọn các đồng vị plutonium từ các vụ thử bom hydro làm chất đánh dấu chính cho Kỷ Nhân sinh, vì chất này đã lan rộng trên toàn cầu từ năm 1952 nhưng giảm mạnh sau Hiệp ước cấm thử hạt nhân vào giữa những năm 1960. Trong thời gian này, đồng vị plutonium tích tụ nhanh chóng và tạo ra một lớp trầm tích ở khắp nơi trên thế giới.
Giáo sư Andrew Cundy - nhà hóa học phóng xạ môi trường tại Đại học Southampton, thành viên AWG, cho biết: “Sự hiện diện của plutonium cho chúng ta một dấu hiệu rõ ràng về thời điểm loài người trở thành lực lượng thống trị đến mức có thể để lại 'dấu vân tay' toàn cầu".
Có những dấu hiệu quan trọng khác trong trầm tích hồ, bao gồm các hạt carbon hình cầu được tạo ra do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy điện và nitrat từ việc sử dụng phân bón hóa học.
Giáo sư Jürgen Renn - giám đốc Viện Lịch sử Khoa học Max Planck, Berlin, Đức, cho biết: "Khái niệm Kỷ Nhân sinh hiện đã có một định nghĩa tương đối chính xác làm điểm tham chiếu cho các cuộc thảo luận khoa học."
Theo Renn, khái niệm này tạo ra cầu nối giữa khoa học tự nhiên và nhân văn, bởi vì nó nói về con người. Để Kỷ Nhân sinh cũng như Hồ Crawford trở thành thế địa chất và điểm đánh dấu, tương ứng, cần có sự đồng thuận của các cơ quan địa chất bao gồm Quaternary Stratigraphy, Ủy ban Quốc tế về địa tầng và cuối cùng là Liên minh Khoa học địa chất quốc tế.
Quyết định này có thể là một quyết định khó khăn đối với các nhà địa chất, những người đã quen với việc xử lý các khoảng thời gian kéo dài hàng triệu năm và sử dụng đá có hóa thạch làm dấu hiệu. AWG sẽ trình bày một hồ sơ bằng chứng nhằm thuyết phục các cơ quan nói trên chấp nhận Kỷ Nhân sinh thực sự là một thế địa chất cho dù thời gian chưa dài.
Nguồn: