Salmonella là một loại vi khuẩn truyền qua thực phẩm phổ biến, có thể gây ra các bệnh như thương hàn, nhiễm trùng máu, ngộ độc thực phẩm. Hằng năm, trung bình cứ 10 người thì có 1-2 người có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn Salmonella từ thịt lợn.
Trong giai đoạn 2017-2023, các nhà nghiên cứu của dự án SafePORK đã phát hiện, tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella ở các chợ truyền thống của Việt Nam là 60,5%; các khu vực bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi…) là 50,9%; và khu vực dịch vụ thực phẩm (thức ăn đường phố, canteen) là 80,5%.
Điều may mắn là có những can thiệp về vệ sinh an toàn thực phẩm rất đơn giản và hiệu quả về mặt chi phí nhưng có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trên chuỗi giá trị thịt lợn.
Cụ thể, đó là những biện pháp đơn giản từ khâu sản xuất (dùng thức ăn chăn nuôi trộn probiotics để giám kháng kháng sinh; vệ sinh chuồng trại, nguồn nước...), giết mổ (sử dụng các tấm inox có khả năng thoát nước để ngăn thân thịt tiếp xúc với sàn; rửa tay và bề mặt thường xuyên; phân tách các khu vực sạch và bẩn để giảm ô nhiễm thân thịt....), đến bán lẻ (khuyến khích dùng dao thớt riêng; tách riêng chỗ đặt thịt sống và thịt chín; đeo tạp dề; dùng kẹp gắp thịt; khăn lau thịt; lau rửa thường xuyên dụng cụ, bền mặt, tay người bán...)
Các can thiệp này có thể giúp tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trên thịt lợn bán lẻ giảm từ 52% xuống 24%.
"Vì thịt lợn đến tay người tiêu dùng đã phải trải qua rất nhiều khâu, nên nếu chúng ta chỉ giảm ô nhiễm vi sinh ở một khâu trước đó mà không thực hành tốt các thói quen vệ sinh an toàn thực phẩm ở khâu sau thì khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm vẫn còn rất nguy hiểm", TS. Phạm Đức Phúc ở Đại học Y tế Công cộng, và là một thành viên của dự án SafePORK, cho biết.
Để khuyến khích các tác nhân trong chuỗi cung ứng thực hành thói quen giúp giảm nguy cơ ô nhiễm Salmonella trên thịt lợn, các nhà khoa học đã tính toán mức sẵn sàng chi trả của người dân đối với thịt lợn sạch. Kết quả cho thấy, người tiêu dùng ở chợ truyền thống sẵn sàng trả cao hơn 20% cho những sản phẩm được tăng cường vệ sinh theo các can thiệp trên.
Những kết quả trên vừa được báo cáo tại hội thảo tổng kết dự án SafePORK vào ngày 28/3.
TS. Fred Unger - trưởng đại diện khu vực của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Đông và Đông Nam Á, người phụ trách dự án SafePORK - bày tỏ hi vọng những bằng chứng khoa học hữu ích này sẽ hỗ trợ cho các nhà hoạch dịnh chính sách và công chúng trong việc đưa ra những quyết định giúp quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Dự án SafePORK (2017 - 2023) được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR). Các đơn vị triển khai bao gồm: Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Viện Chăn nuôi (NIAS), và Đại học Sydney, Australia.
Các nghiên cứu trong dự án được thực hiện tại 5 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Nguyên, và Hòa Bình.
Theo kết quả từ dự án SafePORK, người tiêu dùng đang có nhầm tưởng lớn về thịt lợn an toàn. Hầu hết mọi người (90%) tự tin cho rằng có thể nhận biết thịt lợn không an toàn thông qua quan sát hình thức bên ngoài. Không ít người cho rằng mối nguy lớn nhất của thịt lợn đến từ tồn dư hóa chất gây ung thư, thịt không rõ nguồn gốc, thịt từ lợn bệnh, chết.
Chỉ 2% người dân đề cập đến các mối nguy về vi sinh vật (như Salmonella) - điều mà các giới khoa học khẳng định là nguy cơ lớn nhất đối với vệ sinh an toàn thực phẩm và không thể nhận biết bằng mắt thường.
|