Theo một nghiên cứu mới, những họa sĩ bậc thầy như Leonardo da Vinci, Sandro Botticelli và Rembrandt có thể đã sử dụng lòng đỏ trứng trong các bức tranh sơn dầu của mình, vì việc bổ sung lòng đỏ trứng có thể ngăn lớp sơn bị nhăn và chống ẩm tốt hơn.
Từ lâu, các nhà khoa học đã phát hiện một lượng cặn protein trong các bức tranh sơn dầu cổ điển, nhưng họ cho rằng chúng chỉ là vết bẩn. Một nghiên cứu mới được công bố đầu tuần này trên tạp chí Nature Communications cho thấy lượng protein trong tranh có thể là chủ ý từ trước, và họ đã làm sáng tỏ kỹ thuật của các bậc thầy, những họa sĩ châu Âu lão luyện nhất của thế kỷ 16, 17 hoặc đầu thế kỷ 18, cũng như cách các bậc thầy chuẩn bị màu sơn.
“Có rất nhiều tài liệu đề cập đến vấn đề này. Hiện vẫn chưa có công trình khoa học nào điều tra sâu về chủ đề này", tác giả nghiên cứu, GS Ophélie Ranquet thuộc Viện Cơ học và Kỹ thuật Quy trình Cơ khí tại Viện Công nghệ Karlsruhe ở Đức, trả lời phỏng vấn với CNN qua điện thoại. “Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng ngay cả với một lượng rất nhỏ lòng đỏ trứng, tính chất của sơn dầu sẽ thay đổi rất nhiều, sự thay đổi này mang lại lợi ích cho các nghệ sĩ.”
Tác dụng của trứng
So với công thức màu keo (tempera) - hỗn hợp của lòng đỏ trứng với bột màu và nước - do người Ai Cập cổ đại sáng tạo ra, sơn dầu tạo ra màu sắc đậm hơn, chuyển màu rất mượt và lâu khô hơn nhiều, vì vậy màu sơn có thể sử dụng đến vài ngày. Tuy nhiên, sơn dầu - làm từ dầu hạt lanh hoặc dầu cây rum thay vì nước - cũng có những nhược điểm, chẳng hạn như dễ bị tối màu hơn và hư hỏng do tiếp xúc với ánh sáng.
Tạo ra màu sơn là một quá trình thử nghiệm thủ công, nên có thể các bậc thầy đã thêm lòng đỏ trứng, một thành phần quen thuộc. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tái tạo quy trình tạo sơn bằng cách sử dụng bốn thành phần - lòng đỏ trứng, nước cất, dầu hạt lanh và bột màu - để trộn nên hai màu phổ biến và có ý nghĩa lịch sử, trắng chì và xanh lam.
“Việc bổ sung lòng đỏ trứng giúp điều chỉnh các đặc tính của những loại sơn này,” Ranquet nói, “Chẳng hạn, trong lòng đỏ có chứa chất oxi hóa giúp màu sơn lâu oxi hóa hơn.”
Các phản ứng hóa học giữa dầu, sắc tố và protein trong lòng đỏ ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu và độ lỏng của sơn. “Ví dụ, sắc tố trắng của chì dễ hấp thụ độ ẩm, nhưng nếu bạn phủ lên nó một lớp protein, nó sẽ có khả năng chống lại độ ẩm cao hơn rất nhiều, khiến sơn trở nên dễ sử dụng,” Ranquet phân tích.
“Mặt khác, nếu bạn muốn màu có kết cấu đặc hơn mà không cần phải thêm nhiều bột màu, thì với một chút lòng đỏ trứng, bạn có thể tạo ra một lớp sơn impasto chất lượng (impasto là thuật ngữ chỉ cách vẽ sơn dầu ở dạng đặc quánh, gây hiệu ứng ánh sáng đặc biệt),” bà cho biết.
Theo GS Ranquet, từ nhiều thế kỷ trước, các họa sĩ mong muốn sử dụng ít màu nhưng vẫn tạo ra hiệu quả tương tự, bởi một số sắc tố - chẳng hạn như màu xanh lam từ đá lapis lazuli - còn đắt hơn vàng.
Có thể quan sát bằng chứng trực tiếp về ảnh hưởng khi không có lòng đỏ trứng trong sơn dầu, thông qua bức “Madonna of the Carnation” (Đức Mẹ và hoa cẩm chướng) của Leonardo da Vinci, tác phẩm cho thấy nếp nhăn rõ ràng trên khuôn mặt của hai nhân vật trong tranh.
Một lý do khiến màng sơn bị nhăn có thể là do lượng bột màu trong sơn không đủ, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể tránh hiệu ứng này khi thêm lòng đỏ trứng: “Điều này thật thú vị. Với cùng một lượng bột màu trong sơn, nhưng việc thêm lòng đỏ trứng vào sơn có thể thay đổi mọi thứ”. Đây là một trong những bức tranh đầu tiên của Leonardo, được tạo ra vào thời điểm mà ông có thể vẫn đang cố gắng làm chủ chất liệu sơn dầu - lúc bấy giờ đang bắt đầu phổ biến.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng chú ý đến một tác phẩm khác là “The Lamentation Over the Dead Christ” (Sự than khóc bên xác Chúa) của Botticelli. Tác phẩm chủ yếu được vẽ bằng màu keo, nhưng họa sĩ đã dùng sơn dầu cho nền và một số phần phụ.
“Chúng tôi đã phát hiện ra dấu vết của protein,” GS Ranquet tiết lộ. “Bởi số lượng rất nhỏ và rất khó phát hiện, nên nhiều nhà khoa học đã xem đây là vết bẩn. Trong các xưởng vẽ, những người nghệ sĩ thường sử dụng nhiều họa cụ khác nhau và có thể thành phần trứng tìm thấy trong phần sơn dầu chỉ là từ màu keo.”
Các nhà khoa học cho rằng sự hiện diện của protein trong tác phẩm có thể là chủ ý từ đầu của họa sĩ.
Maria Perla Colombini, giáo sư về phân tích hóa học tại Đại học Pisa ở Ý, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định bài báo thú vị này cung cấp một diễn giải mới về các kỹ thuật vẽ tranh cũ. “Kiến thức mới này không chỉ đóng góp vào việc bảo tồn và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn mà còn giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử nghệ thuật.”
Nguồn: