Trước hết, để trả lời câu hỏi “nghệ thuật là gì”, cuốn sách xem xét nhiều định nghĩa mà các thời đại và vùng đất khác nhau từng gán cho nghệ thuật. Chẳng hạn, nghệ thuật chỉ bao gồm các tranh, tượng có chữ ký của nghệ sĩ và được trưng bày trong một triển lãm hiện đại kiểu phương Tây; hay bao gồm cả các tượng thờ hoặc đồ gia dụng có giá trị thẩm mỹ cao mà những thợ thủ công vô danh thuộc nhiều nền văn minh đã và đang để lại? Ai xứng đáng làm nghệ sĩ – một người có đủ kỹ thuật chuyên môn để làm hài lòng các học viện và salon thế kỷ 19, hay những người vẽ theo phong cách của riêng mình, bất chấp cái nhìn của các giám tuyển và gu thẩm mỹ của số đông? Bằng những ví dụ như vậy, cuốn sách chỉ ra một thực tế, rằng nghệ thuật không có bản chất cố định, mà liên tục được tái định nghĩa bởi các thiết chế chuyên môn hoặc thiết chế chính trị đương thời. Vì vậy, hiểu biết về tác phẩm và về thiết chế phải được nhìn trong mối quan hệ qua lại với nhau: nếu không hiểu bối cảnh tôn giáo, chính trị và các xưởng nghệ thuật thời Phục hưng, ta sẽ không biết các yếu tố nào trong tác phẩm của Leonardo đến từ đơn đặt hàng của nhà bảo trợ hoặc bài giảng của người thầy, và những yếu tố nào là sáng tạo cá nhân của nghệ sĩ.
Để xác định các yếu tố mang đến thành công hoặc hạn chế của một tác phẩm nghệ thuật, Paul Klee (1879-1940) thường chia nhỏ nó thành những thành phần cơ bản nhất – như đường nét, hình dạng, màu sắc, bố cục, kết cấu chất liệu, phân bổ sáng tối, phối cảnh không gian… Cuốn sách giúp người đọc tiếp cận lối phân tích hình thức này, đồng thời xem xét thêm các phong cách đặc trưng cho thời đại, cá nhân nghệ sĩ hoặc giai đoạn sáng tác. Đây là một phần thú vị của cuốn sách, khi vừa đúc kết những kiến thức cơ bản của mọi giáo trình mỹ thuật chỉ trong vài chục trang, vừa cung cấp nhiều ví dụ đa dạng để phá vỡ những định kiến thẩm mỹ mà các loại chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa kinh viện có thể tạo ra. Chẳng hạn, khi xem xét yếu tố ánh sáng trong nghệ thuật, cuốn sách đã trình bày cả kỹ thuật tương phản sáng tối của Rembrandt (1606-1669) thời Baroque, kỹ thuật mô tả màu sắc tự nhiên bất chấp các quy ước về độ tương phản của Monet (1840-1926) trong trào lưu Ấn tượng, lẫn các tác phẩm “điêu khắc ánh sáng” mà nghệ sĩ tiền phong Dan Flavin (1933-1996) tạo ra bằng cách sắp đặt những chiếc đèn neon. Bằng cách này, thay vì ấn định một chuẩn mực về ánh sáng đẹp, cuốn sách đã giới thiệu nhiều phương pháp sử dụng ánh sáng có phần mâu thuẫn nhau, mỗi cái mang lại một cảm thức riêng khi ngắm nhìn, qua đó giúp người đọc mở rộng gu thẩm mỹ.
Tác giả nhấn mạnh rằng để đánh giá chính xác một tác phẩm nghệ thuật, người xem cần lưu ý những giới hạn mà chất liệu áp đặt lên bàn tay nghệ sĩ. Chẳng hạn, vì các nghệ sĩ thời Trung cổ chỉ được tiếp cận màu tempera từ lòng đỏ trứng, vốn khô rất nhanh và tạo một bề mặt phẳng đồng đều, họ không thể tạo ra những ảo giác về bề mặt mà các họa sĩ thời sau tạo được bằng sơn dầu, một chất liệu khô chậm và có độ nhớt đa dạng.
Khía cạnh này sẽ được xem xét sâu hơn trong phần phân tích các chất liệu và kỹ thuật tạo hình đã xuất hiện trong lịch sử của nhiều bộ môn nghệ thuật thị giác như tranh vẽ, tranh in, tranh ghép kính màu, nhiếp ảnh, điêu khắc… Qua những mô tả sinh động và chi tiết của tác giả, người đọc nhìn rõ hơn chân dung của các nghệ sĩ trong quá khứ – từ cảnh một người thợ vô danh thời Trung cổ điều chỉnh nhiệt độ của lò nung để tạo ra các mảnh thủy tinh màu cho cửa sổ của Nhà thờ Chính tòa Chartres, đến cảnh Michelangelo vẽ lên bức tường của nhà nguyện Sistine bằng những nét bút dứt khoát cho kịp tiến độ công việc của một ngày, trước khi lớp thạch cao kịp khô. Nhờ những hình dung này, tác phẩm nghệ thuật giờ hiện rõ như kết quả của một cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ, chất liệu, kỹ thuật và thế giới xung quanh, trong đó chất liệu luôn góp phần định hình các phong cách và tiêu chuẩn thẩm mỹ.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để giải nghĩa một tác phẩm nghệ thuật, cuốn sách đề nghị soi chiếu các tác phẩm qua ba lăng kính song song: các đề tài, các quy ước tường thuật, và các biểu tượng có trong tác phẩm. Khi hiểu rõ vị trí của nhân vật David trong đề tài tôn giáo - thần thoại, chúng ta sẽ có nhiều manh mối để cắt nghĩa ánh mắt và tư thế nơi bức tượng David của Michelangelo. Trong khi đó, các quy ước tường thuật lại cho phép đọc tác phẩm nghệ thuật thị giác như một văn bản. Chẳng hạn, trong các bức tranh thờ trải từ thời Ai Cập cổ đại đến thời Trung cổ, các nhân vật quan trọng nhất thường được vẽ với kích thước lớn và ở vị trí trung tâm. Một quy ước khác – mô tả các sự kiện nối tiếp nhau theo trình tự thời gian – cho phép nghệ sĩ dùng bức tranh khắc hình xoắn ốc bao quanh Cột Trajan để kể lại diễn biến của một chiến dịch quân sự.
Tác giả lưu ý rằng bên cạnh nghệ sĩ, mỗi người xem cũng góp phần tạo nghĩa cho tác phẩm thông qua hành động diễn giải. Dù vậy, để không đánh lừa bản thân và những người tiếp nhận khác, ta vẫn cần phân định rõ các bằng chứng lịch sử với các cảm nhận và suy đoán thiếu căn cứ của cá nhân. Để giải nghĩa một tác phẩm, tiểu sử và phát ngôn của nghệ sĩ là những tư liệu cần tham khảo đầu tiên. Cuốn sách dành nguyên một chương nhìn lại tiểu sử của sáu nghệ sĩ đặc biệt, gồm Leonardo da Vinci (1452-1519), Rembrandt (1606-1669), Vincent van Gogh (1853-1890), Frida Kahlo (1907-1954), Pablo Picasso (1881-1973), và Andy Warhol (1928-1987), giúp người xem hình dung mối tương quan giữa cuộc đời của một nghệ sĩ với các tác phẩm mà người đó để lại.
Bằng sáu ví dụ được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo tính đa dạng, chương sách cho độc giả thấy các khả thể khác nhau của một cuộc đời làm nghệ thuật. Nếu Leonardo liên tục thử nghiệm các phương thức tốt hơn để mô tả chính xác thiên nhiên bằng cách phối hợp khoa học với nghệ thuật, thì Picasso liên tục sáng tạo các phong cách mới như lập thể, cắt dán và tổng hợp, trong đó ông biểu đạt cảm thức của mình bằng những hình vẽ ngày càng khác với hình ảnh của sự vật trong tự nhiên. Ngược lại với cả hai, những nghệ sĩ như Rembrandt, van Gogh hay Kahlo lại duy trì và phát triển chỉ một phong cách cá nhân trong suốt sự nghiệp, và thường xuyên dùng chân dung tự họa như một dạng nhật ký cho cuộc đời nhiều biến động của mình.
Chương sách này cũng đưa ra vô số ví dụ cho thấy sự song hành giữa đời sống của nghệ sĩ và tác phẩm của họ: những nét cọ ngắn cuộn sóng với màu sắc rực rỡ của van Gogh liên quan mật thiết đến trạng thái bất an và đau đớn thường trực của ông, trong khi bức tranh “Hai Frida” cho thấy những rạn nứt và hàn gắn mà Frida Kahlo phải trải qua khi mang trong mình cả dòng máu châu Âu lẫn châu Mỹ. Những ví dụ này nêu bật một trong những công năng quen thuộc nhất của nghệ thuật hiện đại, là biểu lộ bản thân người nghệ sĩ, qua đó khuyến khích người đọc xem tác phẩm của người khác và của mình như một phương tiện hữu dụng để tự trò chuyện hoặc giao tiếp với những người xung quanh. Bằng cách đó, “Để hiểu nghệ thuật” không chỉ cung cấp hiểu biết về nghệ thuật, mà còn mời gọi người đọc tham gia các thực hành nghệ thuật thị giác.