Trạng thái buồn chán cực độ là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo. Thế nhưng, theo một nghiên cứu mới, việc chúng ta tìm đến mạng xã hội để giải khuây đang vô tình khiến chúng ta không đi tới đỉnh điểm buồn chán nữa, đồng nghĩa với việc giảm sút sáng tạo.
Trong một nghiên cứu về đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu ở Đại học Bath, Dublin, chỉ ra rằng đại dịch, làm việc tại nhà, và tình trạng cô độc do hoàn cảnh bắt buộc mang đến cơ hội để trải nghiệm hai cấp độ buồn chán - "hời hợt" và "sâu sắc" - khái niệm mà triết gia người Đức Martin Heidegger đặt ra đầu tiên.
Buồn chán hời hợt – trạng thái buồn chán phổ biến nhất – được định nghĩa là cảm giác bồn chồn không yên, chẳng hạn khi chờ tàu, chúng ta tìm cách phân tán chú ý, và đây là lúc mạng xã hội và thiết bị điện tử trở nên quan trọng.
Buồn chán sâu sắc bắt nguồn từ tình trạng cô đơn trong một thời gian dài liên tục, điều này có thể dẫn tới thái độ thờ ơ, hững hờ, và mọi người đặt ra câu hỏi về ý thức bản thân cùng sự tồn tại của mình - đây là trạng thái mà Heidegger cho rằng sẽ dẫn con người ta tới cách tư duy và hoạt động sáng tạo hơn.
Nghiên cứu xem xét những trải nghiệm buồn chán trong đại dịch của những người phải nghỉ phép không lương hay làm việc tại nhà.
“Vấn đề chúng tôi quan sát thấy là mạng xã hội có thể giải khuây cho mọi người, nhưng trò tiêu khiển này gây tốn thời gian và năng lượng, đồng thời ngăn con người ta tiến tới một trạng thái buồn chán sâu sắc, tại đây họ có thể khám phá ra những đam mê mới”, Tiến sĩ Timothy Hill, đồng tác giả của nghiên cứu.
“Nghiên cứu này hé lộ cho chúng ta thấy rằng văn hóa online 24/7 và các thiết bị hứa hẹn nhiều thông tin cùng các trò tiêu khiển có thể khắc phục nỗi buồn chán hời hợt của chúng ta, nhưng thực ra lại ngăn chúng ta tìm thấy những thứ có ý nghĩa hơn”, ông nói. “Cơn buồn chán sâu sắc có thể nghe như một khái niệm quá ư tiêu cực, nhưng trên thực tế, nó có thể cực kỳ tích cực nếu mọi người có cơ hội suy nghĩ và phát triển mà không bị xao nhãng. Chúng ta phải nhận thấy rằng đại dịch là một trải nghiệm bi thảm, hủy hoại và gây hao tổn cho hàng ngàn người kém may mắn, nhưng chúng ta cũng quen thuộc với các câu chuyện về những con người trong thời điểm cách ly đã tìm thấy sở thích, nghề nghiệp hay hướng đi mới trong cuộc sống.”
TS Hill cho biết các nhà nghiên cứu lấy làm ngạc nhiên khi kết quả khảo sát của nghiên cứu dường như minh chứng cho tư tưởng của Heidegger, ông đã mô tả hai loại buồn chán này trong các bài giảng của mình vào những năm 1929-1930, và nhấn mạnh chính những nỗi buồn chán sâu sắc mang lại cho ta sức sống.
TS Hill cùng các cộng sự đã xem xét cuộc sống của 15 người, trong đó có người được cho nghỉ làm và có người làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19. Tất cả đều là người Anh hay Ireland với tuổi tác, nghề nghiệp và nền tảng học vấn khác biệt. Ông cho biết khảo sát tương đối hạn chế nhưng cũng có giá trị, chẳng hạn như xem xét các điều kiện vật chất và tầng lớp xã hội đóng vai trò như nào trong trải nghiệm buồn chán của con người.
Ông nói: “Chúng tôi cho rằng những phát hiện ban đầu này sẽ cộng hưởng với trải nghiệm của rất nhiều người trong đại dịch và việc họ sử dụng mạng xã hội để giảm bớt cảm giác buồn chán. Chúng tôi mong nghiên cứu này tiếp tục được tiến hành.”
Bài báo được đăng trên tạp chí Marketing Theory.
Nguồn: