Cuốn sách tiểu sử Picasso của Miles J. Unger kể về cuộc đời của một trong những họa sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 và bức tranh Lập thể làm khuynh đảo toàn bộ giới nghệ thuật thời bấy giờ, bằng chính bút pháp đồng hiện được sử dụng trong bức tranh đó.
Không chỉ nổi danh với những thành tựu nghệ thuật, tên tuổi Picasso còn gắn liền với cuộc đời bí ẩn của ông. Giống như nhiều vĩ nhân, xung quanh ông xuất hiện vô số các giai thoại và tin đồn: mức giá phi lý, đời sống tình ái phức tạp, quan điểm chính trị ngược chiều,…, khiến hình tượng “thiên tài” của ông thêm phi thường và đặc biệt gây tranh cãi.
Mâu thuẫn, bất ổn, đòi hỏi, ngang ngược, và u ám… càng lắm tài nhiều tật, càng có thêm nhiều sự quan tâm cũng như nhiều nỗ lực tường giải về con người, cuộc đời và nghệ ông. Trong đó, cuốn tiểu sử về Picasso và bức tranh Những cô nàng ở Avignon(1907) của Miles J. Unger cho chúng ta (thêm) cơ hội để quan sát hành trình cuộc đời đầy thăng trầm của danh họa bằng chính bút pháp sử dụng trong bức tranh từng làm khuynh đảo thế giới này.
Sinh ra Picasso đã mang sẵn khí chất và tài năng đặc biệt: hết thảy đều biệt đãi ông như một thiên tài, và đón đợi một ngày ông thành tựu để hoan hô, tưởng thưởng; ai cũng biết ngày đó sẽ tới, bởi Picasso là kẻ được định sẵn phải thay đổi thế giới (dù rằng, họ không thể tưởng tượng nổi viễn cảnh đó sẽ ra sao) - vấn đề duy nhất chỉ là thời gian. Nhưng tất cả những điều đó dường như không khiến Picasso quá bận tâm, hoặc nếu có, ông cũng chỉ bộc lộ thái độ coi thường, khinh bỉ - với ông, những điều đó hiển nhiên như bản chất “thiên tài,” hay như các biệt đãi, sự chú ý và cung phụng mà thế giới phải dành cho ông vậy.
Tuy vậy, trong sự coi thường, khinh bỉ và thờ ơ - mâu thuẫn thay - lại bộc lộ rằng ông cũng không hoàn toàn hờ hững với bất cứ điều gì. Lỡ bị gán mác “thiên tài”, Picasso phải loay hoay gần như suốt tuổi trẻ với tâm lý thỏa hiệp cùng cảm giác “cao không tới thấp không thông.” Sẵn trí thông minh, sự nhạy cảm đặc biệt và dễ dàng nắm bắt mọi thứ, đặc biệt trong việc đón đầu cảm xúc của người khác, Picasso dễ dàng thỏa hiệp và làm vui lòng đối tượng ông nhắm tới - miễn là nó giúp ông yên ổn, không bị động chạm. Tâm lý này, thậm chí còn lây sang cả hội họa - ông từng thỏa hiệp vô số lần trong suốt cuộc đời (và thường mang lại kết quả chua chát): chấp nhận để cha dẫn dắt mình trong hội họa (và dần vỡ mộng trước hiện thực), chiều lòng ông cậu Salvador cùng các cô dì chú bác trong gia đình (rồi nổi loạn), chọn vẽ mấy bức phấn màu rẻ tiền để đổi lấy miếng cơm manh áo (nhưng thất bại), nghe theo lời tán dương của hội bạn bè chí cốt vây quanh ông, hay sau này, chấp nhận thử bước vào đời sống thượng lưu theo đòi hỏi của Olga (và sớm rời bỏ khi ông sớm chán ngán), cũng như những lần thỏa hiệp với công chúng, nhà sưu tập…
Quá trình này, có lẽ, khởi đầu trong chính gia đình khi nuôi dạy một “thiên tài”: quá nhiều chăm nom, giáo dục, định hướng - và còn cả công nhận, tự hào - mà những tưởng, sẽ giúp ông sớm vững bước trên con đường hội họa. Nhưng không, hơn ai hết, chính Picasso ý thức và cảm nhận rất rõ rằng mình mơ hồ, bất định và thiếu tự tin tới nhường nào. Điều đó phần nào lý giải tại sao càng ngày Picasso lại càng “nổi loạn,” càng phải tỏ ra tự tin, hoặc phải khước từ, bỉ bôi và thậm chí bất cần trước những gì mà người khác trao cho ông. Ông phải phủ nhận, phải đương đầu, phải kháng chiến, phải cố vượt thoát khỏi những gì mà số phận gán cho ông từ quá sớm, sớm tới mức trở thành gánh nặng cản trở sự sáng tạo, cản trở ông được trưởng thành một cách tự nhiên, cản trở ông được là chính mình. Picasso càng tài năng và nổi tiếng bao nhiêu, cuộc chiến đó càng cam go và thử thách bấy nhiêu.
Có lẽ, điều đó cũng lý giải tại sao, khi vùng lên giành lại cuộc sống, sự sáng tạo, tiếng nói nghệ thuật của mình, Picasso lại trở nên “kiêu ngạo, khó ưa, một kẻ quá tự mãn về tài năng kiệt xuất của mình và không bao giờ khoan nhượng trước những kẻ mà ông cho là đang cản trở ông thực hiện định mệnh của mình.”
Và có ngạc nhiên không khi ông luôn tìm lại được sức mạnh, tinh thần và trí tuệ mỗi khi sống biệt lập với mọi người, hoặc khi theo đuổi tiếng gọi nội tại, khi thôi vẽ theo mong muốn của kẻ khác, cũng như ngừng kiểm soát những bản năng xấu xí mà để mặc chúng thỏa sức tung hoành. Những khoảnh khắc đó cũng là những lúc ông tiến bước, và sáng tạo nên một thứ nghệ thuật phi thường. Không phải tình cờ khi ông nói tiếng nói của thời đại mà ông sống - giống như nhiều họa sĩ tiền bối hoặc cùng thời mà ông ngưỡng mộ, ông cũng vẽ nên thứ nghệ thuật tuyệt đối cá nhân, tuyệt đối tự sự, và tuyệt đối thiên tài. Nhưng thật trớ trêu, khi ông làm được điều mà mọi người kỳ vọng bấy lâu: một cuộc cách mạng không tưởng cùng bức tranh Những cô nàng ở Avignon sẽ biến đổi toàn bộ thế giới nghệ thuật thời bấy giờ và đưa ông vào hàng ngũ những họa sĩ quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ hai mươi, thì cũng là lúc những người xung quanh đều rời xa ông.
Thông qua lối kể chuyện đồng hiện, tỉ mỉ của Miles J. Unger, không gian lập thể Picasso hiện ra từ hàng ngàn mảnh ghép: hình bóng của cha; các nhóm bạn ruột cùng những buổi đàm luận thâu đêm trong các quán cà phê nghệ sĩ; các vùng đất Málaga, A Coruña, Barcelona, Horta d’Ebre hay Paris; các “nàng thơ”; những khi lục thùng rác kiếm ăn, những lúc đơn độc ở Bateau Lavoir và giai đoạn thai nghén cả một cuộc cách mạng nghệ thuật;… Tất cả hội tụ về thập kỷ mà Picasso kiến tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong nghệ thuật với Những cô nàng ở Avignon cùng chủ nghĩa Lập thể - cũng là quãng đời gian khó mà chính Picasso nâng niu gọi đó là những tháng ngày “thật sự hạnh phúc.”
Qua hơn ba trăm trang sách, 91 năm trần thế của Picasso hiện ra như một bức tranh ký ức khổng lồ: nó cho phép độc giả quan sát một cách đồng thời, bao quát và khách quan về cuộc đời cũng như diễn biến nội tâm phức tạp của danh họa trong một thời kỳ biến động hỗn loạn cả về chính trị lẫn nghệ thuật. Không tán tụng cũng không thần thánh hóa, Miles J. Unger chỉ khắc họa một Picasso bất toàn cô độc. Sau khi đọc xong cuốn sách, người đọc có thể thêm yêu quý ông hoặc không - nhưng chắc chắn họ sẽ hiểu thêm về “bóng tối” mà Picasso đã chiến đấu suốt đời, cũng như những gì mà Picasso dùng cả cuộc đời mình để chứng minh và để “có quyền” khinh miệt chúng.
Các phân tích, bình giải chi tiết, hàm lượng kiến thức nghệ thuật đậm đặc của cuốn sách không chỉ giúp thỏa mãn những bạn đọc quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu sâu về nghệ thuật, về Picasso và chủ nghĩa Lập thể, về nghệ thuật Hiện đại, hay tâm lý sáng tác của nghệ sĩ,… nó còn khắc họa một đời sống hiện đại diễn ra cách đây khoảng nửa thế kỷ của những con người chất chứa lo âu, bất an, cô độc, ám ảnh sống giữa một thời kỳ hỗn loạn. Suốt hành trình theo chân Picasso, có lẽ người đọc sẽ gặp chính những lát cắt của đời sống ngày nay, các nhân vật đâu đó trong đời, hay thậm chí là chính mình trong những đứa trẻ cô đơn, thèm tình cảm; những người cha bất đắc chí quá kỳ vọng vào con cái; những người trẻ tuổi hoang mang tìm kiếm bản thân; hay những kẻ mãi hoài niệm quá khứ vàng son… Và giờ đây, khi cả thế giới đang cùng trải qua cơn đại dịch và hàng loạt biến động, có lẽ chúng ta càng có thể hiểu và chia sẻ hơn cảm giác bi quan, thất vọng và sầu muộn - nguồn năng lượng u ám đặc trưng phản ảnh tinh thần thời đại mà ông sống - của ông, cũng như của tất cả những ai từng trải qua những giai đoạn hỗn loạn như thế.