Đến lúc này, hầu như ai cũng biết hoặc nghe nói: TSMC là nhà sản xuất bán dẫn số 1 thế giới. Câu hỏi đặt ra là nhờ đâu mà họ giành được vị thế đó, vượt qua và bỏ xa những tên tuổi như Samsung, Intel?

Đã có nhiều phân tích và sự lý giải về hành trình “cất cánh” của TSMC, như cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology (Tạm dịch: Cuộc chiến tranh giành công nghệ quan trọng nhất thế giới – Chip) của giáo sư chính trị Chris Miller từ trường Fletcher School, Đại học Tufts (tiểu bang Massachusetts, Mỹ),… Bài viết này muốn đi sâu hơn vào một số nguyên tắc cơ bản. TSMC có năng lực gì khiến họ vượt trội hơn các đối thủ.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng lợi thế lớn nhất của TSMC nằm ở những tài sản vô hình, bởi vì các tay chơi khác trong ngành bán dẫn cũng có thể mua cùng những trang bị, máy móc như họ. Nhân sự giỏi cũng đóng vai trò quan trọng nhưng chưa đủ. SMIC do Trung Quốc hậu thuẫn đã tìm cách thu hút hàng trăm kỹ sư giàu kinh nghiệm và tài năng từ TSMC song kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tài chính thì sao? Việc xây dựng một fab tiên tiến là cực kỳ tốn kém, nhưng nhiều quốc gia đã ném các khoản tiền khổng lồ vào những nỗ lực vô ích(1).

TSMC có thể làm ra những con chip tốt nhất với năng suất và chất lượng tối ưu, vượt trội so với các đối thủ như Samsung.

TSMC đã dành hàng chục năm để học hỏi, nắm bắt, phát triển và hoàn thiện quy trình. Bên cạnh khả năng dự báo, đánh giá, lựa chọn thiết kế, chuẩn bị và xây dựng năng lực [để sản xuất những con chip tốt nhất], họ còn biết cách phát hiện và sửa được các lỗi không thể tránh. Những điều này được thực hiện liên tục (lặp đi lặp lại) trên quy mô lớn.

Công bằng mà nói thì TSMC đã nhận được sự hậu thuẫn không nhỏ từ chính quyền Đài Loan. Đó là các hợp đồng (VD: với quân đội,...) và khoản trợ cấp trực tiếp giúp công ty mua được những máy móc tốt nhất ngay từ buổi đầu khởi nghiệp(2). Điều này có ý nghĩa rất lớn, ngay cả về sau, giúp TSMC trụ vững, lớn mạnh và phát triển trường tồn.

Một yếu tố khác là nỗ lực kiểm soát giá nội tệ của Đài Loan. Tính từ thập niên 1990 đến nay, giá trị đồng NTD (Tân Đài tệ) đã giảm khoảng 30% so với USD. Ít ai để ý nhưng chính quyền Mỹ trên thực tế chưa bao giờ lên án hay có bất cứ động thái trừng phạt nào đối với hành vi thao túng tiền tệ này. Phải chăng đó là một sự ưu ái ngầm nhằm hỗ trợ đồng minh? Một số người có thể sẽ lập luận điều đó không quá quan trọng bởi TSMC định giá tất cả các giao dịch [bán hàng] bằng USD, và phần chi phí lớn nhất của họ – mua sắm máy móc, thiết bị – cũng được tính bằng USD. Nhưng nói vậy là chưa tính đến yếu tố vốn con người (human capital). Phần lớn nhân lực của TSMC làm việc tại Đài Loan và được trả lương bằng NTD, cho nên chắc chắn TSMC đã được hưởng lợi không nhỏ từ đồng NTD yếu (so với USD) trong suốt một thời gian dài.

Sau cùng và có lẽ cũng là quan trọng nhất, TSMC có thể sản xuất nhiều tấm bán dẫn (wafer) hơn tất cả các đối thủ và đạt lợi nhuận biên (margin) đáng kể. Thực hành dẫn đến cải tiến và TSMC thì được thực hành nhiều hơn bất cứ ai khác. Điều này nghe có vẻ hơi phản trực giác nhưng chế tạo bán dẫn vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Những tay chơi khác trong ngành cũng có thể tiếp cận các công nghệ tương tự như TSMC, nhưng khi quy trình sản xuất cần phải dựa trên tiền đề là “liên tục thúc đẩy giới hạn của những gì có thể” thì không phải ai cũng ngay lập tức biết cần làm gì và làm như thế nào. Khối lượng công việc khổng lồ của TSMC trong nhiều thập kỷ đã mang lại cho họ khả năng xây dựng tất cả các quy trình và cơ sở tri thức (know-how) cần thiết để tăng trưởng liên tục và nhanh hơn bất cứ ai. Họ hoàn thành những node (nhà máy) bán dẫn tiên tiến trước các đối thủ, nhờ đó thu được lợi nhuận tốt hơn, nhanh hơn cùng khả năng đổi mới liên tục. Điều này nghe có vẻ trừu tượng nhưng chúng ta nên biết rằng hầu hết mọi thiết kế chip mới đều khó tránh khỏi mắc lỗi trong quá trình sản xuất lần đầu. Những kỹ sư của TSMC có thể nhìn ra các lỗi đó và khắc phục chúng nhanh chóng.

Tất cả những yếu tố kể trên đã mang lại cho TSMC lợi thế quan trọng không chỉ về năng lực mà còn là hiệu quả kinh tế. Thế giới cũng có một số nơi khác đủ khả năng nghiên cứu và phát triển các tấm wafer hoàn hảo lẫn chế tạo chip trên những quy trình tiên tiến nhất, song TSMC lại làm được điều đó nhanh hơn và với số lượng lớn nhất có thể.

Vì vậy, khó đối thủ nào có thể bắt kịp TSMC chỉ trong một sớm một chiều. Họ đã mất hàng thập kỷ cùng một nỗ lực phi thường để tạo ra lợi thế độc đáo cho riêng mình. Và điều này giúp giải thích một phần lý do tại sao TSMC hiện đã sẵn sàng xây dựng các nhà máy tiên tiến ở bên ngoài Đài Loan. Cho dù được đặt ở Arizona, Nhật Bản, Đức(3) hay bất cứ nơi nào khác thì những cơ sở sản xuất này vẫn sẽ phụ thuộc rất sâu vào chuyên môn của công ty mẹ tại Đài Loan. Nước Mỹ có thể sẽ sở hữu một vài fab bán dẫn tiên tiến, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ có thể thực sự làm như TSMC.

Theo Techspot

(*) Quan điểm của nhà phân tích Jonathan Goldberg, người sáng lập hãng tư vấn D2D Advisory trong lĩnh vực công nghệ, tác giả cuốn A Practical Guide to IPO’s: How to Take Your Company Public? (Một hướng dẫn thực tế cho các doanh nghiệp đang muốn IPO).

Chú thích:
1. Trung Quốc đã và đang rót hàng trăm tỷ USD để hậu thuẫn ngành chip nội địa nhằm đạt được vị thế tự chủ và cạnh tranh với Mỹ cùng hệ thống đồng minh (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, …) Nhưng kế hoạch này chưa mang lại nhiều kết quả, thậm chí còn có nguy cơ phá sản trước các biện pháp trừng phạt, cấm vận do chính quyền Trump và nay là Biden phát động.
2. Fab bán dẫn đầu tiên của Đài Loan, được đặt trong khuôn viên Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) chính thức đi vào hoạt động từ năm 1978, có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu là nhờ một số hợp đồng nhỏ với quân đội và khoản trợ cấp khiêm tốn từ chính quyền, trước khi được khách hàng (nước ngoài) tìm đến. TSMC (ra đời năm 1987) cũng trải qua giai đoạn phát triển tương tự. Một số tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam như VNPT, Viettel hay FPT cũng nhận được sự hậu thuẫn không nhỏ ngay từ những ngày đầu, nhưng thành tựu quốc tế hãy còn rất khiêm tốn. Sự khác biệt là do đâu?
3. Từ vị thế của kẻ làm thuê, TSMC hiện đang được cả Mỹ, Nhật Bản và châu Âu mời gọi đầu tư nhà máy sản xuất bản dẫn để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng bằng đủ thứ hứa hẹn và cam kết ưu đãi.