Tôi có theo dõi kỹ hai trường hợp nhà văn Pháp gốc Việt: Linda Lê và Thuận. Nếu như Linda Lê luôn viết bằng tiếng Pháp, Thuận luôn viết bằng tiếng Việt thì chị lại viết bằng cả hai ngôn ngữ. Vậy có xảy ra cái mà người ta thường hay nhắc đến: xung đột văn hoá trong con người nhà văn Hồng Vân không?
Linda Lê là một nhà văn. Một nhà văn lớn. Cả cuộc đời chị dành cho viết. Chị viết để sống. Đôi khi, chị cho cảm giác chị viết (và nói) ra không kịp những ý tưởng diễn ra trong đầu. Với chị, nghịch lý bản thân là chính sự giằng xé nội tâm, muốn “vứt bỏ” danh tính gốc… để “yên thân” với danh tính hiện trạng… Chị sống và viết với sự đau đớn đó.
Tôi cũng không phải là nhà văn chuyên nghiệp như Thuận. Tuy vẫn viết từ khi còn vị thành niên, nhưng tôi luôn tự nhủ là “chỉ viết cho mình”…
Cả hai cuốn, đã được ra mắt độc giả Việt Nam, đều bắt đầu từ nơi giường bệnh, nơi sống và chết luôn cận kề, sóng vai. Khi tình yêu – với nghĩa rộng nhất và cao quý nhất – ngự trị trong tất cả ven mạch của mình, trong mỗi giọt máu của cơ thể mình, không còn một chỗ nào cho hận thù hay hờn giận… khi mình không còn gì để “mất” hay để “được”, khi đó, giá trị cuộc sống nổi lên đặc biệt lắm, như thể mình luôn phí phạm và chưa hề bao giờ biết đến.
Nếu cuốn đầu, tôi viết bằng tiếng Pháp, nhưng kể về Việt Nam thì cuốn thứ hai, ngược lại, tôi viết bằng tiếng Việt, về quê hương thứ hai của tôi, nước Pháp. Nghịch lý chăng? Hay chỉ đơn thuần mong muốn tự bày tỏ cho nửa kia những thầm kín của nửa này…? Hay vô hình trung, tôi chập chững tìm đường nối nhập? Hay đã đến lúc tôi khát khao chung sống hòa bình, cho hai nửa cùng về với nhau?
Tôi rất thích câu này của chị trong “120 ngày Mây thì thầm với gió”: “chủ đề là một động cơ, ngôn ngữ là một thách thức cá nhân”. Vậy khi đặt bút viết hai cuốn này, đâu là động cơ thôi thúc chị và đâu là những thách thức cá nhân lớn nhất mà chị phải đương đầu?
Cảm ơn anh đã nhạy cảm. Có một biến đổi sắc thái nho nhỏ từ cuốn thứ nhất sang cuốn thứ hai
Với Ba áng mây trôi dạt xứ bèo, “chủ đề là một động cơ, ngôn ngữ là một thách thức cá nhân”.
Với 120 ngày Mây thì thầm với gió, “chủ đề là một thôi thúc, ngôn ngữ là một thử thách riêng tư”.
Cuốn đầu, khởi sự là một bức thư tình yêu… tuôn trôi thành nhiều bức thư tình yêu. Không chỉ cho bố mẹ và ông ngoại tôi, mà cho những người nông dân tốt bụng đã dang tay đón tiếp, che chở chúng tôi những năm tháng chiến tranh. Điều đó là một động cơ mãnh liệt, nhất là khi, trên giường bệnh, mình luôn lo lắng không đủ thời gian để kịp bày tỏ hết… Ngôn ngữ… một thách thức, chắc anh cũng đoán ra... Tôi đến với tiếng Pháp khi đã trưởng thành. Viết bằng ngôn ngữ không phải mẹ đẻ là một thách thức. Nhưng thực ra, khi đặt bút, tôi không đặt câu hỏi, tiếng Pháp tự nhiên xuống mực….
Cuốn sau, thật ra, tôi đã viết phần lớn bản thảo bằng tiếng Pháp. Nhưng tự mình thấy điều gì không ổn… Tôi mất nhiều thời gian thử tự dịch ra tiếng Việt. Rồi đi đến kết luận của một đương nhiên: tự dịch sang tiếng mẹ đẻ là một phi lý, thậm chí lố bịch… Nhưng hoang mang và lo âu nguyên vẹn: làm sao tôi có thể viết được bằng thứ tiếng mà tôi không còn sử dụng từ bốn chục năm qua. Chưa kể ngôn ngữ là sống động, là biến chuyển, là thay đổi. Nhất là những phần ngoài “thời sự”, tâm tư sâu thẳm tràn lên, thành một sự thôi thúc, như áp lực nước dâng chèn vách đê… Tuy nhiều khó khăn, nhưng rồi tôi cũng đào bới và tìm lại được kho báu tiếng Mẹ mà mình vẫn có, chưa hề mất bao giờ. Và đương nhiên, có sự giúp đỡ của người biên tập.
Trong một buổi sáng, tôi đã mải mê đọc một mạch cả cuốn “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”. Ký ức của một thời “đi sơ tán” với bao nhiêu nỗi khổ cực đói khát lại ùa trở về. Nhưng tại sao sau gần 40 năm chị đã cất giữ những ký ức ấy rất sâu trong tâm khảm để mải miết đi theo dòng chảy của cuộc sống mới trên đất Pháp, giờ đây bỗng nhiên chị đánh thức chúng quay trở về và chen chúc nhau để xuất hiện trên 300 trang sách?
Khi lấy can đảm để tự nhìn nhận quãng đường mình đi, nhất là những khúc đường mà mình tưởng đã quên… tôi nhận ra mình không quên gì. Vô thức đẩy xa vào một góc của trí nhớ, vì mình không muốn động tới…
Can đảm là đã quyết tâm lục tung, tận sâu trong “tủ”, “ngăn kéo”, ngóc ngách tận cùng của trí nhớ… để dọn dẹp, vứt bỏ, thu xếp…
Hai tác phẩm của Nuage Rose – Hồng Vân: "Ba áng mây trôi dạt xứ bèo" và "120 ngày Mây thì thầm với gió", do NXB Trẻ lần lượt ấn hành vào năm 2017 và 2021. Nguồn : TGCC
Cái nhìn của nhân vật “tôi” trong “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” là cái nhìn của một cô bé mới năm hay sáu tuổi về thế giới gần gũi, thân thuộc. Còn trong “120 ngày Mây thì thầm với gió” thì nhân vật “tôi” là một phụ nữ từng trải, lý trí và tầm quan sát của cô lúc này là cả hai thế giới phương Tây và phương Đông đang chao đảo dữ dội trong đại dịch. Vậy đâu là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hai tác phẩm này, thưa chị?
Phông nền cho Ba áng mây trôi dạt xứ bèo là một cuộc chiến tranh. Bom đạn, đổ máu, đói nghèo… nhưng hy sinh, đoàn kết.
Hàng mấy chục năm sau, 120 ngày Mây thì thầm với gió, chúng ta lại rơi vào một cuốc chiến tranh khác. Không ồn ào vì bom đạn, không đổ máu đẫm loang, không nghèo nàn thiếu thốn… Cuộc chiến này đặt chúng ta trước một… tấm gương. Để tự nhìn mình! Chúng ta dường như chập chững tập lại những động tác xưa kia, mà đã quên, hay không còn ở trạng thái cần thiết hàng ngày: tập hy sinh, tập đoàn kết, tập lấy thời gian cho mình, cho người thân, cho người khác… Cuộc sống mảnh moi như một vuông giấy… vệ sinh mà thế giới hoảng loạn sợ không còn?! Nghịch lý hay phi lý?!
Cuộc sống là cuộc chiến triền miên, không phải lúc nào cũng lộ mặt, ồn ào nhắc nhở…
Riêng trong trái tim tôi, thêm một cuộc chiến khác. Lặng lẽ, âm ỉ, giằng co… Không lộ mặt nhưng không nguôi đâu đó trong người… Cuộc chiến danh tính bản thân! Làm sao để có thể hòa nhập vào cuộc sống mới, biến “đất khách quê người” thành “quê ta”, mà không mất đi mảnh đất kia, nơi nhau chôn rốn cắt?
Năm hai mươi tuổi, tôi rời Việt Nam sang Pháp. Ngày ra đi, tôi cảm nhận nỗi đau đầu tiên khi nhìn bố mẹ khóa cửa nhà, trước khi lên xe đi tiễn tôi. Tấm cửa tôi đóng mở từ thuở ấu thơ, từ nay, sẽ vĩnh viễn đóng lại. Nỗi đau của kẻ ra đi không biết có ngày về. Kể cả nếu có ngày về, không gì sẽ như trước nữa…
Một gương mặt luôn xuất hiện trên các trang viết của chị, và có lẽ cũng là người ảnh hưởng nhất đến chị đó là bố chị - bác sĩ, chuyên gia sản khoa nổi tiếng Bùi Trọng Hoàn. Chị có thể kể cho các độc giả một kỷ niệm nào đáng nhớ của chị về ông không?
Trên đường ra sân bay hôm đó, bố bình thản nhìn tôi và nói, không như một lời dặn dò, mà như nói ra một lẽ đương nhiên: “Đúng là con sẽ phải tự xây dựng cuộc sống của con. Nhưng con không phải bắt đầu từ zero… Bố mẹ gieo trồng con trong vườn đất mầu mỡ, tốt lành. Con đánh nguyên cả cây và rễ. Sang đất mới, con nhanh chóng chọn đất và cắm rễ, tưới chăm… Rễ càng ăn sâu, càng lấy được đất mầu, và càng vững vàng khó đổ…”
Tại thời điểm đó, trước lúc ra đi, quá bồn chồn, quá hoang mang…, tôi không hiểu dụng ý của ông. Chỉ khi viết 120 ngày Mây thì thầm với gió, tôi mới nhận thức được trọn vẹn ý của ông. Và danh tính của mình. Rễ đó, vẫn là rễ của tôi. Cuộc chiến, để ăn sâu vào đất lành, dù bất cứ mình ở đâu… giúp rễ mình hòa nhập…
Cảm ơn chị đã nhận lời trả lời phỏng vấn. Rất mong tiếp tục được đọc các tác phẩm tiếp theo của chị.
Cảm ơn anh. Cảm ơn độc giả đã quan tâm.
Như đã bày tỏ qua những dịp ra mắt sách, giữa hai tác phẩm này, tôi còn ấp ủ một… tâm tư nữa: một cuốn sách đã viết ngay sau cuốn đầu, nhưng sẽ ra đời thứ ba. Cuốn “út” giúp tôi không còn trăn trở giữa đi và về nữa.
Ngoài ra, tôi cũng tiếp tục song song những câu chuyện khác, nhưng sang lĩnh vực hư cấu, đa dạng.