Jérôme Bruner là một trong những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng về tâm lý học nhận thức. Theo ông, vì muốn đạt tới tính chính xác toán học, tâm lý học đã rơi vào một trạng thái máy móc quá mức. Để chống lại khuynh hướng này, Bruner đề xuất một lý thuyết mới về tâm lý học nhận thức dựa chủ yếu vào các yếu tố văn hóa.

Với Bruner không có hoạt động nào của não bộ lại có thể độc lập với bối cảnh xã hội, nơi mà hoạt động đó đang diễn ra. Vì vậy chúng ta không thể hiểu những gì diễn ra trong tâm trí nếu không xem xét đến bối cảnh văn hóa. Thông qua những kết quả phân tích về tác động của tâm lý học văn hóa (Cultural Psychology) đối với giáo dục, Bruner đã kiến nghị những thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục.

Cuốn sách của Jerome Bruner vừa được dịch sang tiếng Việt. Nguồn: KN
Cuốn sách của Jerome Bruner vừa được dịch sang tiếng Việt. Nguồn: KN

Mở đầu cuốn “Actual minds, possible worlds” (tựa đề tiếng Việt: “Những thế giới trong tâm trí”), nhà nghiên cứu xã hội, chuyên gia tâm lý và giáo dục học nổi tiếng đã trình bày cho thấy sức mạnh của văn học như một con đường dẫn tới khả năng quan trọng: trí tưởng tượng, yếu tố thiết yếu để kiến tạo các khả thể, các khả năng mới. Bruner yêu cầu chúng ta công nhận rằng các nghệ sĩ (họa sĩ, văn sĩ …) đã “kiến tạo ra những thế giới khả thể” để tâm trí của chúng ta có thể trú ngụ trong đó. Theo ông, mục đích của các ngành khoa học xã hội và nhân văn là nuôi dưỡng những giả định về thế giới của chúng ta, giúp chúng ta tìm ra những ý tưởng mới như: một lý thuyết khoa học mới, một ngành kinh doanh mới, thậm chí là một hệ thống chính trị mới (giống như nước Mỹ khi mới thành lập).

Một trong những lý do khiến việc đọc tiểu thuyết và tương tác với nghệ thuật là tối quan trọng bởi vì nó giúp cho chúng ta “cảm nhận được sự thay thế của các khả năng của chúng ta”. Bruner nhấn mạnh rằng “những hành động của chính chúng ta, những sự kiện thuộc về con người xẩy ra xung quanh chúng ta luôn được đưa ra dưới dạng tường thuật/kể chuyện: những vở kịch, những câu chuyện lịch sử”. Những câu chuyện được kể lại này gắn bó với cuộc sống chúng ta đến mức chúng là yếu tố quyết định, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và cái thế giới chúng ta đang sống. Việc đào luyện để trở thành một người đọc “chất lượng cao”, chính vì thế trở thành yếu tố cần thiết giúp chúng ta khai mở những tưởng tượng có ý nghĩa về bản thân mình trong thế giới.

Jérôme Bruner (1915-2016). Nguồn: INT

Những nhận xét này là cơ sở để Bruner phát triển “lý thuyết tự sự”, lý thuyết về cách mà mỗi người suy nghĩ và cảm nhận khi họ tạo dựng ra cái thế giới cá nhân mà họ đang sống. Đối với Bruner, một phần thiết yếu của quá trình này là khả năng tường thuật khi tạo dựng câu chuyện. Có thể nói đây là một trong những đóng góp lớn nhất của Bruner cho ngành tâm lý học. Ông là người đi tiên phong trong việc thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của việc kể chuyện trong tâm lý học văn hóa - môn nghiên cứu về cách các nền văn hóa phản ảnh và định hình các quá trình tâm lý của các thành viên trong đó. Thông thường người ta cho rằng việc kể chuyện đến một cách tự nhiên và không cần phải dạy và học. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta thấy điều đó không đúng. Trên thực tế, giáo dục làm thay đổi đáng kể phẩm chất và khả năng tường thuật của con người.

Từ quan điểm này, Bruner đề cao vai trò của các bộ môn nghệ thuật trong nhà trường trong việc nâng cao khả năng nhận thức thế giới của học sinh. Ông cho rằng thay vì quá nghiêng về việc phát triển tư duy logic thông qua các lập luận tuần túy “lí trí”, hãy để học sinh làm quen nhiều hơn nữa với phương thức tư duy “tự sự/trần thuật hay mô tả” thông qua những câu chuyện được kể lại sinh động hay các đoạn văn thơ. Khi giảng dạy các tác phẩm nghệ thuật, thay vì áp đặt chính kiến của giáo viên, bắt học sinh thuộc lòng văn mẫu, cần phải tuân theo nguyên tắc gợi mở để học sinh tự diễn giải “ý nghĩa” của tác phẩm, phù hợp với các trải niệm và khả năng tưởng tượng phong phú của riêng họ. Đó sẽ là hành trình giúp học sinh đi từ một “văn bản gốc” đến việc sáng tạo ra “một văn bản khác” của riêng mình.

Ở phần cuối cuốn sách, Bruner đề cập một vấn đề gắn bó chặt chẽ với môi trường giáo dục, đó là ngôn ngữ giáo dục. Theo ông: “ngôn ngữ của giáo dục phải là ngôn ngữ của sáng tạo văn hóa chứ không phải là ngôn ngữ của sự tiêu thụ hay đắc thụ kiến thức”, điều này có nghĩa là nếu như ngôn ngữ là cách sắp xếp tư tưởng thì suy ngẫm là cách tổ chức nhận thức và hành động, tất cả đều là những công cụ trong một nền văn hóa được xây dựng từng bước để hỗ trợ cho các hoạt động trên.

Là người quan tâm đến các tác động sư phạm của nghiên cứu tâm lý, Bruner coi khái niệm về “vùng phát triển lân cận” của mình là một trong những đóng góp đặc biệt cho vấn đề này. Đây là khái niệm nhằm mô tả “khoảng cách giữa mức độ phát triển thực tế được xác định bằng khả năng giải quyết vấn đề độc lập và mức độ phát triển tiềm năng được xác định thông qua việc giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của người lớn hoặc phối hợp với các bạn cùng lứa tuổi có năng lực hơn”. Sự tương tác giữa những người ít kinh nghiệm và những người có nhiều kinh nghiệm hơn trong văn hóa được Bruner nhìn nhận như một quá trình thương lượng và văn hóa như một diễn đàn để đàm phán/thương thảo: “[…] giáo dục luôn là một trong những diễn đàn chủ yếu để thực hiện chức năng ấy, những người tham gia sẽ có được vai trò kiến thiết và tái tạo lại văn hóa, vai trò chủ động của những người tham gia hơn là những khán giả thực hiện theo những quy tắc có sẵn…”

Như dịch giả Hoàng Hưng nhận xét trong lời giới thiệu của cuốn sách về luận điểm này của Bruner: “Đó chính là tinh thần chủ đạo của một nền giáo dục khai phóng, dân chủ, tôn trọng người học nhằm tạo ra những con người chủ động và sáng tạo cho xã hội tương lai”.