Hơn 5.000 con ốc sên thuộc nhóm tuyệt chủng trong tự nhiên, được nuôi tại các vườn thú bảo tồn trên khắp thế giới, vừa được thả về quê hương của chúng, sau gần 30 năm bị xóa sổ bởi loài xâm lấn do con người mang tới.
Hàng ngàn con ốc sên Partula được nuôi tại Sở thú London và Sở thú Whipsnade ở Anh, Hiệp hội Động vật học Hoàng gia Scotland, và Sở thú St Louis (Mỹ) đã được cho lên máy bay, vượt hơn 15.000 km, đến các đảo Moorea và Tahiti của Polynésie thuộc Pháp vào đầu tháng này. Đây là cuộc trở về thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử.
Trước khi thực hiện chuyến hành trình kéo dài hai ngày tới quần đảo, những con ốc sên có chiều dài 1-2cm này được đánh dấu bằng chấm sơn phản quang tia cực tím màu đỏ, như vậy chúng sẽ phát sáng dưới đèn chiếu tia cực tím, giúp các nhà bảo tồn theo dõi quần thể vào ban đêm khi chúng hoạt động tích cực nhất.
Ốc sên Partula, hay còn gọi là ốc sên cây Polynesia, ăn các mô thực vật phân hủy và nấm, vì thế chúng góp phần duy trình sức khỏe của rừng. Việc mang chúng quay trở về tự nhiên cho phép chúng ta bắt đầu hồi phục lại cân bằng sinh thái ở những hòn đảo này.
Ngoài ra, tuy nhỏ bé như vậy nhưng những con ốc sên Partula có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với khoa học. Hơn một thế kỷ nay, chúng đã được nghiên cứu, do môi trường sống cô lập của chúng mang lại điều kiện hoàn hảo để tìm hiểu sự tiến hóa.
Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, ốc sên Partula đứng trước nguy cơ suýt tuyệt chủng sau khi ốc sên sói tía (Euglandina rosea) ăn thịt xâm lấn được đưa tới đây để tiêu diệt một loài ngoại lai khác là ốc sên đất châu Phi khổng lồ (Lissachatina fulica) trên quần đảo Polynesia. Không may, ốc sên sói tía lại nhắm tới các loài ốc sên bản địa, và thế là trên khắp vùng, nhiều loài ốc sên đã biến mất hay gần như tuyệt chủng sau khi loài ốc sên ăn thịt xuất hiện không lâu.
Những cá thể ít ỏi còn sống sót của một số loài ốc sên Partula được Vườn thú London và Edinburgh giải cứu vào đầu những năm 1990, nhằm khởi động dự án nhân giống bảo tồn quốc tế, trong đó 15 vườn thú hợp tác với nhau chăm sóc cho 15 loài và phân loài, đa phần nằm trong Danh sách đỏ Đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Cùng với những loài khác vốn được nghiên cứu trong các trường đại học trên toàn thế giới, những cá thể được giải cứu đã hình thành nhóm nguồn để bắt đầu tái tạo quần thể ốc sên trên những hòn đảo này.
Từ 9 năm trước, dự án bắt đầu thả ốc sên về với tự nhiên. Tính đến nay, dự án đã đưa hơn 21.000 con ốc sên thuộc 11 loài và phân loài Tuyệt chủng trong tự nhiên về với các hòn đảo. Năm nay diễn ra cuộc trở về lớn nhất, gồm tám loài và phân loài - đều thuộc các nhóm Tuyệt chủng ngoài tự nhiên, Cực kỳ nguy cấp hay Dễ bị tổn thương.
Nguồn:
Phương Thảo