Vừa là công cụ để tấn công, vừa là công cụ để cứu người, chiếc tẩu đất sét trở thành hiện vật kỳ lạ trong hành trình khai quật của các nhà khảo cổ

d
Hình dạng và kiểu dáng của tẩu thay đổi qua từng giai đoạn, nhưng thiết kế cơ bản vẫn giữ nguyên: thân tẩu để nhồi thuốc, và một cái cán để hút khói vào miệng. Nguồn: Ashmolean Museum

Thông qua quá trình tiếp xúc với các dân tộc bản địa ở châu Mỹ, thuốc lá và tẩu hút bắt đầu du nhập vào châu Âu từ thế kỷ 16. Lúc bấy giờ, các thương nhân đã điều chỉnh vật liệu làm tẩu thuốc sao cho phù hợp với thị hiếu của người châu Âu. Từ năm 1600 đến năm 1900, tại Anh, vật liệu phổ biến nhất để làm tẩu là đất sét. Tất nhiên, hình dạng và kiểu dáng của tẩu thay đổi qua từng giai đoạn, nhưng thiết kế cơ bản vẫn giữ nguyên: thân tẩu để nhồi thuốc, và một cái cán để hút khói vào miệng.

Nước Anh là nơi đầu tiên sản xuất hàng loạt tẩu thuốc dùng một lần. Một số lượng lớn loại tẩu rẻ tiền và dễ vỡ này đã được tìm thấy trên khắp các địa điểm khảo cổ thời hậu kỳ trung cổ ở Anh. Chúng giúp các nhà nghiên cứu xác định niên đại của một địa điểm cụ thể trong quá khứ (dựa trên kích thước cán hoặc thân tẩu) và thậm chí cả những người có thể đã sinh sống trong những không gian này (chẳng hạn vết cắn trên thân tẩu cho thấy đã có những công nhân ngậm tẩu trong khi làm việc). Tẩu cũng có thể là chỉ dấu cho các nhà nghiên cứu về mô hình tiêu thụ thuốc lá theo thời gian.

Tuy nhiên, nghiên cứu của TS. Angela Muir (gảng viên Lịch sử Văn hóa và Xã hội Anh, Đại học Leicester) cùng các cộng sự đã phát hiện bằng chứng mới hấp dẫn về một số cách sử dụng tẩu khác thường của người xưa: làm vũ khí và dụng cụ y tế, ít nhất từ thế kỷ 17, dù hầu hết các bằng chứng đều có niên đại từ thế kỷ 18.


Dùng tẩu như một loại vũ khí

Tẩu đất sét có thể cầm bằng tay và đập bể được. Điều này biến chúng trở thành công cụ lý tưởng để tấn công hoặc đâm một ai đó khi cơn nóng nảy bùng phát. Nhóm nghiên cứu đã xem xét 66 trường hợp tẩu gây thương tích hoặc tử vong từ năm 1615 đến năm 1904.

“Trong khoảng 3/4 trường hợp tấn công bằng tẩu mà chúng tôi xem xét thuộc tình huống một người tấn công người khác khi đang cầm tẩu trên tay. Một cú đập vào đầu, mặt hoặc cổ có thể gây thương tích nghiêm trọng như mù lòa hoặc thậm chí tử vong”, TS. Angela Muir cho biết.

Ví dụ, ở Caernarfonshire, xứ Wales năm 1788, một người đàn ông tên là Sylvanus Owen bị kết tội ngộ sát vì đấm một người đàn ông khác bằng tay phải. Cú đấm đã gây tử vong vì lúc đó Owen nắm trong tay hai mảnh vỡ từ tẩu đất sét, một trong số đó đã trúng vào mắt người đàn ông, gây nhiễm trùng nặng.

Năm 1858, ở phía Đông Luân Đôn, chủ tiệm tạp hóa Margaret Shea bị buộc tội dùng cán tẩu rạch mặt Ellen McCue, một người bán hàng rong. Sự việc bắt nguồn từ một cuộc cãi vã trên phố giữa hai người.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy tài liệu ghi lại các trường hợp tẩu thuốc được sử dụng để đốt người khác một cách có chủ ý, hoặc biến mảnh tẩu vỡ thành đạn trong súng lục. Có lẽ đáng chú ý nhất là vụ án vào năm 1842, John William Bean, 17 tuổi, âm mưu bắn Nữ hoàng Victoria bằng một khẩu súng lục chứa đầy thuốc súng và các mảnh tẩu khi bà đang ở trong xe ngựa, nhưng phát súng đã đi lệch hướng.

f
Sea Stores (1812) củaT. Rowlandson. Trong bức tranh, người phụ nữ bên trái đang ngậm một tẩu thuốc. Nguồn: Historical Research

Biến tẩu thành dụng cụ y tế

Tẩu có cán dài, hẹp và phần thân rộng - giúp chúng sở hữu nhiều công dụng tiềm năng ngoài việc dùng để hút thuốc.

Bằng chứng từ các ấn phẩm y tế như The Lancet và tài liệu hướng dẫn phẫu thuật cho thấy cán tẩu có thể được sử dụng làm ống thông để giải phóng lượng nước tiểu bị tắc ở cả nam và nữ. Năm 1859, một bác sĩ đã viết thư cho The Lancet để thảo luận về một "sự thay thế mới lạ cho ống thông tiểu nữ". Vị bác sĩ kể về một lần mình quên túi đồ khi đi khám cho bệnh nhân, ông đã lấy chiếc tẩu thuốc bằng đất sét, "dài 6 inch" (tất nhiên là chưa từng được sử dụng) để thay thế dụng cụ thông tiểu.

Cán tẩu cũng được khuyên dùng trong các trường hợp mở khí quản khẩn cấp, làm ống hút cho những người không thể tự ăn uống và làm dụng cụ hỗ trợ tiết sữa cho các bà mẹ đang cho con bú. Năm 1796, Erasmus Darwin (ông của Charles Darwin) thậm chí còn đề xuất sử dụng cán tẩu để loại bỏ giun guinea khỏi bệnh nhân bị nhiễmloài ký sinh trùng này.

Vừa là vũ khí vừa là dụng cụ y tế, chính sự kết hợp giữa các đặc điểm và tính sẵn có của tẩu thuốc bằng đất sét đã khiến chúng trở thành công cụ lý tưởng đầy ngẫu hứng. “Có một mâu thuẫn thú vị, đó là tẩu thuốc vừa có thể gây hại cho sức khỏe (của người hút thuốc), vừa có thể chấm dứt sự sống của người khác, nhưng cũng có thể là công cụ y tế giúp cứu sống trong những tình huống ngặt nghèo", TS. Muir kết luận.

Nguồn: