Từ suy nghĩ “làm thế nào để việc cho trẻ con uống thuốc không trở thành ‘cuộc chiến’ giữa bố mẹ và trẻ con”, dược sĩ Nguyễn Trường Giang, Tổng Giám đốc công ty Dược khoa DK Pharma) cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công siro berberin không đắng giúp các em và những người sợ đắng dễ uống hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả của thuốc.

Dược sĩ Nguyễn Trường Giang, tác giả thứ nhất của sáng chế.
Dược sĩ Nguyễn Trường Giang, tác giả thứ nhất của sáng chế.

Trẻ con cũng uống được

Dược sĩ Nguyễn Trường Giang không phải là người đầu tiên nghĩ đến vấn đề giảm vị đắng cho thuốc berberin. Trước đây, một số doanh nghiệp dược phẩm trong nước và trên thế giới đã sản xuất berberin dưới dạng viên bao đường hoặc viên nang để có thể phần nào “giấu vị đắng”. Tuy nhiên, thuốc berberin ở các dạng này cần nhiều thời gian để hòa tan lớp vỏ bao và phân rã thuốc khiến thuốc chậm phát huy tác dụng hơn so với với dạng thông thường. Hơn nữa, thuốc berberin ở dạng viên vẫn khó nuốt với trẻ em nên một số gia đình có trẻ nhỏ thường nghiền thành bột cho dễ nuốt, dẫn đến mất tác dụng của viên bao đường.

Các nhà bào chế còn áp dụng cách khác để “che vị đắng” hiệu quả hơn là sử dụng các chất trung gian làm tá dược để liên kết với berberin, tạo thành hỗn hợp ‘khóa’ vị đắng lại, khi uống vào cơ thể thuốc vẫn có tác dụng bình thường”. Song việc tìm được chất trung gian phù hợp với đặc tính của berberin không dễ.

“Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu về chất trung gian ‘khóa đắng’ cho các loại thuốc nói chung, nhưng về riêng berberin thì gần như không có. Có thể do các loài cây chứa hoạt chất berberin chỉ phổ biến ở vài nước như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc,… nên ít nơi làm”, dược sĩ Nguyễn Trường Giang nói. Sau khi “mò mẫm” tìm kiếm trong nhiều tài liệu tham khảo, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào các chất trung gian dành cho những loại thuốc có cấu trúc gần giống phân tử berberin và khoanh vùng được hơn 30 chất trung gian. Để tìm ra chất phù hợp nhất với berberin trong số này, nhóm nghiên cứu đã phải thực hiện rất nhiều thử nghiệm. “Khó khăn lớn nhất là tìm được điều kiện bào chế tối ưu để chất trung gian kết hợp với berberin nhiều nhất có thể, tỉ lệ hai chất kết hợp với nhau càng cao thì vị đắng càng giảm”, dược sĩ Nguyễn Thị Minh Phương cho biết.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển thuốc dược liệu, sau một thời gian dài, nhóm nghiên cứu nhận thấy dẫn xuất của tanin (một hợp chất có trong nhiều loại thực vật như trà, quế, có vị chát) là chất “che đắng” phù hợp nhất với berberin khi phối hợp theo tỉ lệ từ 1:2 đến 5:1. Để tối ưu hiệu quả, nhóm nghiên cứu còn bổ sung một số chất khác vào công thức bào chế như chất tạo ngọt, gôm xathan (một loại tá dược trương nở dùng để tạo độ nhớt trong sản xuất thuốc dạng lỏng).

Sản phẩm thuốc berberin
Sản phẩm thuốc

Kết quả thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy berberin dạng lỏng giảm tới 94.5% vị đắng và berberin dạng viên nén giảm đến 99.2% vị đắng so với thông thường. Sau khi hoàn thành sản phẩm vào năm 2015, dược sĩ Nguyễn Trường Giang đã nộp đơn xin bảo hộ độc quyền sáng chế quy trình sản xuất chế phẩm berberin không đắng tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Sau quá trình thẩm định, ý tưởng chế tạo thuốc berberin không đắng của DK Pharma được đánh giá có tính sáng tạo cao nên đã được cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế vào năm 2019.

Niềm vui của các nhà bào chế được nhân lên gấp bội khi sản phẩm được người dùng ưa chuộng. “Thật ra mình cũng không truyền thông quảng cáo gì nhiều, cứ để kệ thôi, ai thấy hiệu quả thì dùng. Sản phẩm cứ đi chầm chậm, dần dần số lượng người dùng tăng lên”, dược sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết. Những phản hồi của khách hàng cũng giúp anh cải tiến sản phẩm siro berberin. “Nhiều khách hàng phản ánh là hiệu quả… nhanh quá, chưa dùng hết 1 lọ (60ml) đã khỏi rồi, họ thấy còn thừa lãng phí nên sắp tới chúng tôi sẽ phải thiết kế lọ nhỏ hơn”.

Xu hướng làm mới cái cũ

Thành công của sản phẩm berberin không đắng đã khuyến khích dược sĩ Nguyễn Trường Giang tiếp tục cải tiến thuốc berberin và những bài thuốc truyền thống có nguồn gốc tự nhiên khác. “Đây là định hướng mà DK Pharma vẫn luôn theo đuổi, bản chất là làm mới từ cái cũ. Nhiều bài thuốc truyền thống của Việt Nam rất tốt nhưng để sử dụng trong thời nay chưa phù hợp lắm, mình có thể áp dụng công nghệ vào để làm cho nó tốt hơn”, dược sĩ Nguyễn Trường Giang nhận xét. Tái nghiên cứu thuốc cũ cũng là xu hướng chung trên thế giới hiện nay. Một số quốc gia như Hoa Kỳ đã khuyến khích định hướng này thông qua việc gia hạn thời gian bảo hộ thêm 3 năm cho những loại thuốc đã được cấp phép nhưng sau đó được tái nghiên cứu và tạo ra các dạng bào chế mới hoặc chỉ định mới (đạo luật Hatch—Waxman, Hoa Kỳ).

Nhóm nghiên cứu của DK Pharma.
Nhóm nghiên cứu của DK Pharma.

Thách thức lớn nhất trên con đường tái nghiên cứu berberin là “nút thắt” khi đăng ký sản phẩm đầu ra. “Hiện nay các chế phẩm được cải tiến từ các loại thuốc cũ như siro berberin không được công nhận là thuốc, nhưng cũng không được đăng ký thực phẩm chức năng vì chứa hoạt chất có tác dụng dược lý”, dược sĩ Nguyễn Trường Giang giải thích tình trạng “chênh vênh” của sản phẩm này. “Mặc dù chúng tôi đã giải thích rằng chỉ thay đổi dạng bào chế, bản chất vẫn là berberin dạng uống, không thay đổi tính chất nhưng hội đồng xét duyệt đăng ký thuốc không đồng ý, vẫn yêu cầu phải thử nghiệm lâm sàng theo đúng quy trình cấp thuốc mới”.

Đây là điểm thách thức lớn nhất của các nhà bào chế như anh khi theo đuổi hướng nghiên cứu “làm mới thuốc cũ”. Nếu quy trình cấp phép thuốc vẫn rập khuôn, việc tái nghiên cứu thuốc cũ sẽ không còn nhiều giá trị. Trong khi đó ở các quốc gia như Hoa Kỳ, khi thông tin về dược lý và tính an toàn của thuốc cũ đã được khẳng định, doanh nghiệp có thể giản lược quy trình thử nghiệm lâm sàng những loại thuốc tái nghiên cứu từ thuốc cũ, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Việc thắt chặt đầu ra còn ảnh hưởng đến yếu tố “đầu vào” - thiếu vùng trồng nguyên liệu berberin ở Việt Nam. “Các loài cây chứa hoạt chất berberin đang cạn kiệt dần, như cây hoàng liên bây giờ gần như không còn tìm thấy ở Việt Nam. Các doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, nguồn thu hái tự nhiên rất hạn chế, làm ít thì vẫn được, nhưng muốn làm lớn thì không có”, dược sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết. “Các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho người dân trồng dược liệu, nhưng phải có đầu ra thì họ mới dám đầu tư, nếu không cấp phép cho họ bán thuốc thì phát triển vùng trồng làm gì”.

Vậy có nên hạ thấp các tiêu chuẩn đăng ký thuốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam? Theo dược sĩ Nguyễn Trường Giang: “Việc nâng cao tiêu chuẩn là tốt nhưng phải chia ra theo lộ trình, hoặc phân loại sản phẩm nào thì nên áp dụng kiểu gì”.

Với những khó khăn trên, có lẽ hướng tái nghiên cứu berberin vẫn là một con đường dài. Tuy nhiên, dược sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết, “trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng khôi phục, phát triển các vùng dược liệu berberin một cách bài bản. Dù khó nhưng mình vẫn phải làm, nếu không bảo tồn thì nguồn dược liệu truyền thống như berberin ở Việt Nam sẽ không còn gì cả”.