Các tác giả - là ba nhà tư tưởng hàng đầu (Henry Kissinger, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ; Eric Schmidt, cựu CEO và chủ tịch của Google; và Daniel Huttenlocher, người sáng lập đồng thời là hiệu trưởng Trường ĐH Máy tính Schwarzman của MIT) - đã lập luận rằng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính cách mạng và độc đáo hơn so với bất kỳ tiến bộ công nghệ nào khác đã xuất hiện trong quá khứ bởi vì nó làm thay đổi các quan niệm không chỉ về những gì con người có thể thực hiện mà còn cả về cái cách mà họ tồn tại. Các thành tựu mới nhất của trí tuệ nhân tạo đã báo hiệu một sự phát triển hướng tới việc khám phá bản chất của vạn vật - điều mà các nhà triết học, thần học và khoa học đã nỗ lực tìm kiếm trong nhiều thiên niên kỷ nhưng chỉ mới thành công một phần, bằng một cách tiếp cận thực tại hoàn toàn khác với cách của con người. Theo các tác giả, “
Mặc dù sự phát triển của AI có thể là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng đích đến tối hậu của nó thì không. Do đó sự ra đời của AI có ý nghĩa to lớn cả về mặt lịch sử và triết học. Những ai nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển nó sẽ khiến họ phải lại nhường tương lai cho bộ phận nhân loại đủ can đảm để đối mặt với những hệ lụy từ óc sáng tạo của chính mình”* (tr. 14)
Các tác giả cho rằng, tác động sâu sắc nhất của AI nằm ở những phương cách bí ẩn mà máy móc tiếp cận các khía cạnh của thực tế, những bí ẩn mà con người không thể hiểu được. Những bí ẩn này sẽ thay đổi căn bản hiểu biết vốn đã xuất hiện từ thời kỳ Khai sáng về lý trí, tri thức và sự lựa chọn của con người,. Các tác giả nhấn mạnh, “
Sự ra đời của AI buộc chúng ta phải đối mặt với việc có một dạng logic mà con người chưa đạt được hoặc không thể đạt được, khám phá các khía cạnh của thực tại mà chúng ta chưa từng biết và có thể không bao giờ […] Khi một chương trình phần mềm do con người thiết kế có thể tự học hỏi và áp dụng một mô hình mà không một con người nào nhận ra và có thể hiểu được thì chúng ta có đang tiến tới tri thức hay không? Hay là tri thức đang dần lùi xa chúng ta?” (tr. 16). Trong một thế giới nơi mà máy móc thông minh hơn con người, vậy con người thực sự có ý nghĩa gì? Cuốn sách này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đưa ra những câu trả lời. Nhưng đó lại chính là mục tiêu của nó: khơi dậy một cuộc tranh luận rộng rãi về cách xã hội có thể biến AI thành một đối tác - chứ không phải là một chướng ngại vật - trong nỗ lực tạo dựng hạnh phúc của con người.
Các tác giả đã đưa ra những tiên đoán đầy sinh động về những hứa hẹn cũng như những mối nguy hiểm mà AI sẽ đem tới cho loài người. Học máy đã bắt đầu thay đổi xã hội loài người theo cả chiều hướng tốt hơn và tồi tệ hơn. Các máy tính với khả năng thực hiện các nhiệm vụ nhờ vào trí thông minh ở cấp độ con người đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống - y học, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải và quốc phòng. Nhấn mạnh đặc biệt tới lĩnh vực quốc phòng, các tác giả cảnh báo AI sẽ có tác động sâu rộng đối với quân đội, làm thay đổi học thuyết và chiến thuật chiến đấu, đồng thời ảnh hưởng đến cán cân quyền lực toàn cầu. Theo các tác giả thì: “
Kỷ nguyên AI có khả năng làm phức tạp thêm các bí ẩn của chiến lược hiện đại nằm ngoài ý định của con người. […] vũ khí AI sẽ được huấn luyện và ủy quyền lựa chọn mục tiêu riêng của chúng mà không cần phải có sự cho phép của con người- AI hoàn toàn có khả năng tăng cường các năng lực thông thường, hạt nhân và không gian mạng theo những cách làm cho quan hệ an ninh giữa các quốc gia đối thủ trở nên khó dự đoán và các xung đột trở nên khó kiềm chế hơn” (tr. 121).
Một khía cạnh thú vị khác trong cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2021 này là việc sử dụng quá khứ như một lăng kính để nhìn ra một tương lai khó đoán trước. Trong chương 2 (
Công nghệ và tư duy con người), bằng việc phân tích tỷ mỉ các ví dụ về sự trỗi dậy của các tôn giáo độc thần trong nền văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại và cái cách lý trí và đức tin từng được sử dụng trong quá khứ để giải thích thực tại, các tác giả đi đến lập luận rằng trong tương lai, AI có thể xác định lại nhận thức về thực tế. Nói cách khác, AI sẽ thay thế khung cấu trúc tri thức để giúp con người hiểu được môi trường của mình.
Trong chương 4 (
Các nền tảng mạng toàn cầu), các tác giả nhấn mạnh điểm trọng tâm: con người đã tích hợp trí thông minh phi nhân loại vào những hoạt động thiết yếu của mình, vì thế cần phải đưa ra những cân nhắc về chuẩn mực xã hội, các thể chế có thẩm quyền và tầm quan trọng của quản trị. Chương này cũng phác họa cho người đọc bức tranh về quy mô toàn cầu của AI và tầm quan trọng của việc hiểu biết toàn diện về công nghệ này, một yêu cầu giờ đây đã trở thành thiết yếu cho từng cá nhân, từng quốc gia hay toàn thế giới. AI đang tác động đến toàn thế giới với tốc độ nhanh hơn bất kỳ công nghệ nào khác trong lịch sử. “
Tuy nhiên, con người đã đạt đến một điểm bùng phát: chúng ta không thể coi những đổi mới sáng tạo này là phần mở rộng của những gì ta đã biết nữa. Bằng cách rút ngắn thời gian mà công nghệ cần để thay đổi trải nghiệm sống, cuộc cách mạng số và sự tiến bộ của AI đã tạo ra những hiện tượng hoàn toàn mới […]. Rất ít người hiểu chính xác chuyện gì đang xẩy ra ở cuộc cách mạng kỹ thuật số này.Tốc độ là một phần nguyên nhân cũng như sự tràn ngập thông tin. […] Khi thông tin được bối cảnh hóa, nó sẽ trở thành tri thức, khi tri thức thúc đẩy niềm tin, nó trở thành trí tuệ” (tr. 46 và 47)
Với mức độ phát triển như hiện nay, giờ đây tại nhiều nơi trên thế giới, ngay từ thuở thơ ấu, nguồn tương tác và cung cấp kiến thức chính không phải là cha mẹ, thành viên gia đình, bạn bè hay giáo viên mà là những “người bạn đồng hành” kỹ thuật số. Các thuật toán AI sẽ san bằng những chênh lệch về khả năng tiếp cận tri thức, gỡ bỏ các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng chính những công nghệ này (chẳng hạn công nghệ nhận dạng mặt) lại tạo ra những khả năng chưa từng có, cho phép các chính phủ giám sát đồng thời hành vi và sự di chuyển của hàng trăm triệu người trong thời gian thực cũng như việc ngăn chặn sự lan truyền các thông tin bất lợi cho họ. Cân bằng rủi ro giữa việc nảy sinh các hành vi sai trái với các giới hạn đối với quyền tự do cá nhân - thậm chí là chính quá trình xác định điều gì là sai trái và điều gì không - theo các tác giả, cũng sẽ là một thách thức quan trọng của kỷ nguyên AI.
Trong chương 5 (
An ninh và Trật tự thế giới) các tác giả đưa ra những hàm ý liên quan cho các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chiến lược, trong đó bao gồm những cân nhắc về an ninh quốc gia, tính mờ ám của vũ khí mạng, sự kiềm chế lẫn nhau và những giả định về tình hình thế giới.