Qua bộ ba cuốn sách, tạm gọi chung là "Khoa học về hạnh phúc", giáo sư tâm lý học Martin Seligman cung cấp những hiểu biết khoa học quan trọng, được coi là cơ sở cho cách tạo ra và phát triển hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người.

Martin Seligman (1942) cho rằng, sau một thời gian dài hầu như chỉ tập trung vào một chủ đề duy nhất – các bệnh tâm thần, ngành tâm lý học giờ đây đã biết rõ về cách thức phát triển của những vấn đề này, cũng như nguyên nhân di truyền học, hóa sinh và tâm lý của chúng. Quan trọng hơn, ngành tâm lý học đã tìm ra cách làm thuyên giảm những chứng rối loạn này bằng thuốc và các hình thức trị liệu. Nhưng chính việc quá tập trung loại bỏ các trạng thái khiến cuộc sống trở nên tệ hại đã khiến việc xây dựng các trạng thái có thể làm cho cuộc sống trở nên an lạc hơn còn ít được ngành tâm lý học quan tâm.

Đó là lý do vì sao dù tự nhận mình là người dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu cách xoa dịu nỗi khổ đau và xóa bỏ những điều kiện bất lợi của cuộc sống, nhưng từ cuối những năm 1990, Seligman đã thay đổi suy nghĩ về mục tiêu của tâm lý học. Ông bắt đầu theo đuổi một mục tiêu mới mà ông cho rằng “không kém phần cao quý”: khám phá và xây dựng những điều kiện khiến cho cuộc sống trở nên đáng sống. “Mục đích hiểu được sự yên vui và xây dựng những điều kiện thuận lợi cho cuộc sống hoàn toàn không đồng nhất với mục đích hiểu được sự khổ đau và xóa bỏ những điều kiện bất lợi của cuộc sống,” ông viết trong Lời tựa cuốn Thăng hoa sau này.

Kể từ đó, ông đã nghiên cứu lý thuyết về sự lạc quan và mở ra một nhánh mới của tâm lý học, được gọi là tâm lý học tích cực.

Bộ ba
Bộ ba sách của GS Seligman mới được xuất bản ở Việt Nam. Nguồn: TIMES

Trong bộ ba cuốn sách của ông gồm: Thăng hoa (Flourish), Hạnh phúc đích thực (Authentic Happiness), Học cách lạc quan (Learned Optimism), đã được xuất bản ở Việt Nam mới đây, người đọc có thể tiếp cận những hiểu biết khoa học nền tảng của tâm lý học tích cực.

Trong đó, cuốn Thăng hoa trình bày khái niệm mới của Seligman về hạnh phúc đích thực. Như đã nói ở trên, mục tiêu lâu nay của tâm lý học là làm giảm bớt đau khổ cho con người, nhưng mục tiêu của phong trào Tâm lý học tích cực do Seligman dẫn dắt lại khác - đó là nâng cao tiêu chuẩn cho phận người.

Còn trong cuốn Học cách lạc quan, qua những nghiên cứu lâm sàng được tiến hành trong nhiều năm, Seligman chỉ ra sự lạc quan nâng cao chất lượng cuộc sống như thế nào và làm sao để mọi người học cách thực hành nó. Những kỹ năng ông nêu ra có thể giúp phá vỡ trầm cảm, tăng cường hệ thống miễn dịch, phát triển tiềm năng tốt hơn và khiến con người hạnh phúc hơn.

Ông cũng đề cập những nguồn tác động chính dẫn đến "đại dịch trầm cảm chưa từng có - đặc biệt là ở giới trẻ" Mỹ và hầu hết các nước phát triển. Theo đó, ông nhấn mạnh, trầm cảm trước hết là một chứng rối loạn của cái "tôi". "Trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn, con người ngày càng tin rằng mình là trung tâm của thế giới. Một hệ thống niểm tin như thế làm cho những thất bại của cá nhân trở nên khó nguôi ngoai," ông viết. Sự thất bại của cá nhân từng được “giảm đau” bởi những yếu tố mang ý nghĩa tinh thẩn như tôn giáo, mối quan hệ với gia đình và cộng đồng, nhưng các niềm tin và mối quan hệ này đều đang bị xói mòn.

Đặc biệt, Seligman còn trình bày năm nghiên cứu về các kỹ năng nhận thức và hành vi để chống lại trầm cảm cho trẻ em từ 10 đến 12 tuổi.

Cuối cùng, trong cuốn Hạnh phúc đích thực, Seligman cho thấy hạnh phúc không phải là kết quả của sự may mắn hay bẩm sinh. Hạnh phúc đích thực và lâu dài đến từ việc tập trung vào điểm mạnh cá nhân và vận dụng chúng để cải thiện mọi khía cạnh trong cuộc sống.

“Phong trào học tập và thực hành lối sống hạnh phúc ở Việt Nam đang đến thì nở rộ. Tuy vậy, dường như tiếng nói của khoa học vẫn bị chìm khuất so với kinh nghiệm và tâm linh. Bộ ba cuốn sách […] của nhà khoa học Martin E. P. Seligman được xuất bản bằng tiếng Việt thật đúng lúc…,” ông Dương Trọng Tấn, Giám đốc Viện Phát triển Giáo dục khai phóng Libero, bình luận. “Người tìm hiểu về tâm lý học tích cực nói riêng và khoa học về hạnh phúc nói chung không thể bỏ qua các công trình mang tính chất nền móng này của giáo sư Seligman. Chúng cung cấp hiểu biết sâu sắc về cách tạo ra và phát triển hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người.”