Tròn 100 năm kể từ khoa thi Nho học cuối cùng được tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đưa ra những chiều cạnh mới trong nghiên cứu lịch sử một giai đoạn trí thức quan trọng vốn vẫn chưa được đánh giá đầy đủ trong hội thảo “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075-1919) - 100 năm nhìn lại”
Hội thảo này do Viện Nghiên cứu và Viện Sử học Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN tổ chức mới đây.
Nhìn nhận mối liên hệ Việt Nam – Đông Á
Là hội thảo đầu tiên nhằm nhìn lại toàn bộ chiều dài lịch sử của nền khoa cử Nho học Việt Nam, hội thảo không chỉ bao gồm các nghiên cứu về thể chế khoa cử, mà đồng thời giới thiệu các chiều cạnh mới trong nghiên cứu. Từ nghiên cứu lịch sử tư tưởng, văn hóa, lịch sử địa phương, cùng những mối dây liên kết khu vực và quốc tế, các tham luận hội thảo cố gắng vượt qua tầm nhìn lịch sử quốc gia-dân tộc để xem xét các hướng đi mới cho nghiên cứu lịch sử Nho học Việt Nam.
Một trong những cách nhìn nhận mới tại hội thảo là xem xét Nho học Việt Nam trong mối liên hệ và so sánh với các nền Nho học ở các nước “đồng văn” khu vực Đông Á - đều có các nền khoa cử Nho học tương đồng Việt Nam.
Các nghiên cứu của GS. Kathlene Baldanza (ĐH Bang Pennsylvania) hay GS. Trần Ích Nguyên (ĐH Thành Công, Đài Loan) giúp đưa ra một số trường hợp xem xét Việt Nam trong vai trò một bộ phận của cộng đồng trí thức Nho học khu vực. Nghiên cứu về nhà sử học Phạm Thận Duật và công trình Hưng Hóa Địa chí (1856), GS. Baldanza cho rằng giới học giả Nho học Việt Nam không chỉ tiếp thu và nội địa hóa ảnh hưởng từ Trung Hoa mà đã tích cực phát triển các tri thức mới. “Thế giới tri thức [của Phạm Thận Duật] được định hình bởi các kinh điển Nho gia, kích thích bởi nhu cầu của triều đình Nguyễn, thúc đẩy bởi các tác gia người Việt đi trước và quyết định bởi thực tiễn không gian miền núi mà ông nghiên cứu,” GS. Baldanza nhận định. Điều này thể hiện ở việc Phạm Thận Duật tiếp thu trường phái “Khảo chứng” phát triển trong giới trí thức Nho học thời Thanh, cũng như các tác gia Việt Nam đương thời như của Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Trương Quốc Dụng v.v… Bằng việc chia sẻ các kinh điển tri thức và Hán văn, “các học giả Việt Nam đã tham gia và đóng góp vào một không gian văn hóa tri thức có tầm mức quốc tế”.
Bằng chứng về các tương tác khu vực với cộng đồng Nho học Việt Nam có thể được thấy ở câu chuyện của danh Nho Đài Loan thế kỷ XIX là Thái Đình Lan (Cai Tinglan) (1801-1859). Năm 1835, Nho sinh họ Thái sau khi thi Hương ở Phúc Kiến đi thuyền trở về quê ở đảo Bành Hồ, Đài Loan thì bị bão đánh dạt về tận tỉnh Quảng Ngãi. Ông được triều đình Nguyễn đối đãi tử tế và dẫn đi đường bộ từ Quảng Ngãi trở về nước. Những điều tai nghe mắt thấy trong 3 tháng ở Việt Nam được ông ghi chép lại thành một tập sách mang tên Hải Nam Tập trứ (Trần Ích Nguyên; Ngô Đức Thọ dịch. NXB Lao Động 2009).
Triều đình Nguyễn trước khi hỗ trợ Thái Đình Lan đã kiểm tra trình độ tú tài của ông bằng một loạt các bài thi. “Triều đình kiểm tra ông hai lần với Tứ thư, Kinh nghĩa, thi, phú, mỗi thể một bài,” GS. Trần Ích Nguyên mô tả, “Qua các bài kiểm tra này, có thể kiểm tra đích thực ông là Tú tài của Thiên triều.” Cùng với đó, ông được gặp gỡ một thầy giáo tên Trần Hưng Đạo và tìm hiểu về phương pháp dạy học tiểu học ở Việt Nam, cũng như tham gia việc đàm đạo và trao đổi thơ phú với các quan lại Việt Nam khi đó, trong đó có Phan Thanh Giản. Thái Đình Lan, tuy tiếp xúc với một xã hội Nho học giống Trung Quốc, sớm nhận ra đây không hề đồng nhất với những gì ông biết tại Trung Quốc. Nói cách khác “‘Cộng đồng Nho học’ mà Thái Đình Lan trải nghiệm […] không tương đồng, nhưng cũng không hề thua kém Trung Quốc,” theo GS. Baldanza.
Khai thác tư liệu về đời sống Khoa cử
Nghiên cứu Hán Nôm trong những năm qua đã đóng góp đáng kể cho hiểu biết chung về lịch sử Hán học hay cụ thể hơn là khoa cử Nho học nước ta. Tuy vậy, tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng nhìn nhận, hoạt động nghiên cứu lâu nay vẫn chưa đánh giá hết được sự chuyển biến và kết thúc của giáo dục Nho học. GS. Nguyễn Văn Khánh, Đại học KHXH&NV Hà Nội, cho rằng nghiên cứu về khoa cử Nho học mà nhìn nhận như một “mạch thẳng” (từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến 1919) thì vẫn “chưa thấy rõ được quá trình chuyển biến, thay đổi của giáo dục Nho học và khoa cử ở Việt Nam đã diễn ra như thế nào”. GS. Hồ Tài Huệ Tâm, ĐH Harvard cũng lưu ý, ngay cả sự kết thúc của nền Nho học Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng đã không diễn ra một cách đột ngột dưới những tác động bên ngoài của chủ nghĩa thực dân Pháp như cách các quan điểm trước đây vẫn mô tả.
Một phần nguyên nhân của vấn đề này, theo TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đến từ việc các nhà nghiên cứu vẫn chưa khai thác được đầy đủ các nguồn tư liệu dồi dào phục vụ nghiên cứu khoa cử Nho học. Trái ngược với quan điểm lâu nay về sự thiếu thốn trong tư liệu lịch sử, nghiên cứu khoa cử Việt Nam truyền thống có thể được hưởng lợi không chỉ từ các ghi chép trong chính sử, mà còn trong các tư liệu sách học (sách giáo khoa của sĩ tử) hay các văn bài (bài thi của sĩ tử) gồm hàng nghìn đầu tài liệu đều được lưu trữ ở các viện nghiên cứu trong nước. “Các nhà sử học ở Việt Nam thông thường sử dụng nhóm tài liệu thứ nhất – các ghi chép về sử ở trong các bộ sử về khoa cử, và sản phẩm của nó sẽ là các [thông tin] liên quan đến thể chế khoa cử, cho nên những nghiên cứu về khoa cử của chúng ta hiện nay chủ yếu nói về thể chế là chính. Còn đời sống khoa cử nằm ở trong nhóm tài liệu sách học và văn bài ... thì lại có rất ít người đọc,” TS Nguyễn Tuấn Cường nói.
Các sử gia nghiên cứu về lịch sử trung đại nếu muốn đào sâu thêm và có những cái mới hơn để nghiên cứu về lịch sử khoa cử thì cần làm những công trình như là GS. Wilcox đã làm – đó là đọc vào các bài thi, sách giáo khoa bằng chữ Hán và chữ Nôm thì nó sẽ ra các vấn đề mới, chứ không chỉ là thể chế khoa cử, theo TS. Nguyễn Tuấn Cường.
Sử dụng, phân tích tốt các nguồn sử liệu từ các kỳ thi khoa cử sẽ đem lại những phát hiện hết sức thú vị về “đời sống” của khoa cử, Nho học thời trước. Chẳng hạn, tại hội thảo, đáng chú ý có các tham luận của TS. Wynn Gadkar-Wilcox (ĐH Tây Connecticut) sử dụng nguồn tư liệu văn bài của các khoa thi các năm 1862, 1868, 1877 khi triều Nguyễn đặt đề thi yêu cầu các sĩ tử bàn luận về phương sách đối phó với người Pháp. Ở góc độ tư liệu học, GS. Kosukegawa Keiji và PGS.TS Hsu Yiling đưa ra các phân tích so sánh sách học của Nho sĩ Việt Nam thời Nguyễn với các trường hợp từ Nhật Bản và Triều Tiên.
“Học liệu rất phong phú, chứ không phải là ít,” theo TS. Nguyễn Tuấn Cường. “Hệ thống sách Ước giải, sách Đại toàn, sách Tiết yếu đều là các tài liệu giáo dục mà một số nhà nghiên cứu Hán Nôm đã nghiên cứu gần đây, cho thấy việc khắc in các sách này hết sức phong phú và phức tạp. Với thị trường như thế thì tôi nghĩ là trong tay sĩ tử, có thể không phải là những sĩ tử quá nghèo không có tiền để mua, thì lượng sách, lượng tài liệu của họ sẽ tương đối phong phú, chứ không phải là ít. Vì vậy tôi thấy cần phải nghiên cứu thêm về nhà in tư nhân, và vai trò của nhà in tư nhân trong việc sản xuất và buôn bán các tài liệu khoa cử.”
Tất cả các vấn đề này cho thấy, nghiên cứu về Nho học Việt Nam vẫn còn nhiều chủ đề cần phải được làm sáng tỏ.