Vào ngày 23/8/1769, nhà tự nhiên học và động vật học người Pháp Georges-Léopold-Chrétien-Frédéric-Dagobert, Baron Cuvier, hay còn gọi là Georges Cuvier, chào đời. Ông là một nhân vật lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên vào đầu thế kỷ 19, có công lập ra lĩnh vực giải phẫu so sánh và cổ sinh vật học.

Quá trình trưởng thành

Georges Cuvier xuất thân từ một gia đình theo đạo Luther tại Montbéliard, vào thời điểm đó nơi đây không thuộc về nước Pháp mà nằm dưới sự cai trị của Công tước Württemberg. Cha ông là cựu trung úy Jean Georges Cuvier thuộc một trung đoàn của Thụy Sĩ, còn mẹ là bà Anne-Clémence Catherine Châtel, một người phụ nữ thông minh đã dạy con trai vẽ và đọc sách tiếng Pháp ở tuổi lên bốn. Khi Curvier tới tuổi đi học, bà còn hướng dẫn, dạy dỗ ông về lịch sử và hội họa.

Georges Cuvier (1769-1832). Nguồn: scihi.org

Ngay khi còn nhỏ, ông đã đọc toàn bộ pho sách Histoire Naturelle (Lịch sử tự nhiên) của Georges-Louis Leclerc de Buffon, một tác phẩm đồ sộ gồm 36 tập, chứa nhiều minh họa tuyệt vời về hình ảnh động vật có vú và các loài chim. Chịu ảnh hưởng từ cuốn sách này, tới tuổi mười hai ông đã bắt tay vào xây dựng bộ sưu tập lịch sử tự nhiên đầu tiên của mình.

Năm 1784, ông nhận được học bổng để theo học tại Học viện quân sự Caroline ở Stuttgart, ngôi trường do Công tước xứ Württemberg thành lập. Tại đây, Cuvier được tiếp xúc với triết học của Immanuel Kant qua tác phẩm Critique of Pure Reason (Phê phán lý tính thuần túy). Triết học phê phán của Kant, phương pháp dựa trên ý tưởng về sự thỏa hiệp giữa khoa học và tôn giáo, đã gây tác động lớn đến sự phát triển tư tưởng của Curvier.

Ở Học viện, ông chọn khoa hành chính và học các môn khoa học tự nhiên như vật lý, lịch sử tự nhiên với ngành động vật học và thực vật học, khoáng vật học và khai thác mỏ. Chương trình giáo dục cũng bao gồm toán học ứng dụng, công nghệ, luật tài chính và kế toán, những kiến thức này đã trở nên hữu ích trong các hoạt động hành chính và nhà nước sau này của Curvier.

Năm 1787, Georges Cuvier được trao giải thưởng cao quý nhất của Học viện Caroline là cây thánh giá hiệp sĩ bằng vàng tráng men với danh hiệu “Hiệp sĩ”. Tốt nghiệp năm 18 tuổi, ông bỗng phải trở thành trụ cột gia đình vì người cha mất trợ cấp do khủng hoảng tài chính ở Pháp. Cuvier quyết định gác lại cơ hội tới Đế quốc Nga để tìm kiếm tương lai sáng lạn. Thời ấy, học sinh xuất sắc từ Học viện có thể dễ dàng tìm được công việc tốt tại nước này.

Ông nhận lời làm gia sư cho Bá tước d’Héricy giàu có ở Normandy trong tám năm. Những khi rảnh rỗi, ông tiếp tục nghiên cứu lịch sử tự nhiên, tìm hiểu các loài thực vật, chim biển, động vật biển. Tới năm 1790, ông gần như viết xong tiến trình phát triển của động vật nhuyễn thể, đồng thời nghiên cứu sinh lý học động vật.

Năm 1794, nhà thực vật học nổi tiếng Étienne Geoffroy Saint-Hilaire đã tiến cử Cuvier tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia tại Paris, làm Trợ thủ cho giáo sư giải phẫu so sánh. Từ đây, sự nghiệp nghiên cứu của ông có những bước tiến dài.

Sự nghiệp của Cuvier dưới thời Napoleon

Trong thời gian GS. Geoffroy vắng mặt do chiến dịch ở Ai Cập, Cuvier đã tạo được ảnh hưởng trong giới động vật học. Năm 1799, ông trở thành giáo sư tại Đại học Pháp, ngôi trường lâu đời nhất nước này.

Dựa trên các nghiên cứu giải phẫu chuyên nghiệp, Cuvier đã khẳng định voi ma mút là một loài khác hẳn những con voi hiện đang sống. Ông kết luận rằng những con vật khổng lồ đó đã tuyệt chủng vì những thay đổi quy mô lớn ở Trái đất trong các kỷ nguyên địa chất trước. Ông tiếp tục xuất bản những cuốn sách về giải phẫu so sánh, đây là tiền đề mở ra một kỷ nguyên trong lịch sử ngành này.

Năm 1800, Cuvier được bổ nhiệm làm thư ký, và trong hai năm là Thư ký thường trực của Viện Pháp (bao gồm cả Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) thuộc Khoa khoa học vật chất và toán học. Ông giữ chức vụ quan trọng này cho đến cuối đời.

Cuvier đã gây ấn tượng mạnh với Đệ nhất Tổng tài Napoleon Bonaparte qua bài tưởng niệm nhà tự nhiên học Louis-Jean-Marie Daubenton. Ông trở thành cận thần thân tín của vị Hoàng đế tương lai, trổ hết tài năng cùng kỹ năng tổ chức bẩm sinh trong công việc hành chính nhà nước. Năm 1802, ông được bổ nhiệm làm một trong sáu “tổng thanh tra”, lãnh nhiệm vụ thành lập trường trung học tại 30 thành phố và thị trấn của Pháp. Quãng thời gian ở các thành phố ven biển đã cho ông cơ hội nghiên cứu kĩ càng động vật biển.

Mối quan hệ cộng sự kiêm bạn bè giữa Cuvier và Napoleon kéo dài suốt nhiều năm. Sau này, khi Napoleon xưng đế vào năm 1804, Ngài thường xuyên giao cho bạn mình những nhiệm vụ cả riêng tư lẫn chính thức. Chẳng hạn, năm 1813, Cuvier nhận lệnh chọn ra những cuốn sách phù hợp và quản lý việc học của hoàng tử. Cùng năm đó, Napoleon cử ông với tư cách là “Đặc phái viên Hoàng gia” tới tả ngạn sông Rhine để tổ chức phòng thủ cho nước Pháp.

Năm 1801, ông được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Göttingen. Vào năm 1806, Hiệp hội Hoàng gia đã chấp nhận ông là thành viên. Năm 1808, ông được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Bavarian. Thay mặt Napoléon, ông tổ chức lại các Viện Hàn lâm ở Ý, Hà Lan, miền Nam nước Đức và được trao tặng Huân chương Chevalier de la Légion d’Honneur cho cống hiến của mình vào năm 1811. Ba năm sau, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng nhà nước Pháp. Năm 1822, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Không lâu trước khi qua đời, ông được phong chức Nguyên lão Pháp quốc.

Những đóng góp quan trọng về học thuật

Trong cuốn Tableau élémentaire de l’histoire naturelle des animaux (Khảo sát cơ bản về lịch sử tự nhiên của động vật), Cuvier đã mô tả nền tảng cho sự phân loại tự nhiên của vương quốc động vật. Tiếp theo, ông trình bày rất rõ ràng hệ thống của động vật không xương sống. Đây là những nghiên cứu chính thức nối tiếp hệ thống của Linnaeus, song có sự cải tiến là phân chia hợp lý lớp Vermes hỗn loạn thành các nhóm có trật tự.

Tái tạo từ hóa thạch khung xương của Megatherium, một chi lười đất với kích cỡ như voi sống cách đây 2 triệu đến 8.000 năm về trước. Nguồn: Recherches sur les ossemens fossils

Hình ảnh xương hàm của voi Ấn Độ và ma mút trong một bài báo của Cuvier. Nguồn: scihi.org

Đầu những năm 1800, ông mới bắt đầu nghiên cứu về loài cá và đã xuất bản mô tả về hơn 5000 loài. Đây là một tác phẩm quan trọng về lĩnh vực này trong nhiều thập kỷ tới.

Georges Cuvier được coi là người sáng lập ra ngành Cổ sinh vật học và biến giải phẫu so sánh thành một ngành nghiên cứu. Ông nghiên cứu giải phẫu của các sinh vật khác nhau và so sánh một cách có hệ thống mọi điểm tương đồng và khác biệt. Nhờ thế, ông xác định được hình dạng của những xương khác cùng cơ bắp của chúng từ sự tồn tại của một số xương. Cuối cùng, ông thành công tái tạo toàn bộ cơ thể động vật chỉ từ một vài bộ phận. Pho sách Le Règne Animal (Thế giới động vật) mà ông dành cả đời để biên soạn là một tác phẩm kinh điển, trình bày những nghiên cứu của ông về các loài động vật có vú đã tuyệt chủng, cũng như các mẫu hóa thạch của hà mã, loài voi đã tuyệt chủng…

Ông cũng ủng hộ thuyết thảm họa, một giả thuyết cho rằng những thảm họa lớn liên tục đẩy phần lớn sinh vật sống trong lịch sử Trái đất vào cảnh tuyệt chủng, và sự sống mới phát triển từ những loài còn sót lại trong các giai đoạn tiếp theo. Năm 1808, cùng với nhà khoa học tự nhiên người Pháp Alexandre Brongniart, ông xây dựng sự phân tầng địa chất ở Lòng chảo Paris (Đại Tân sinh hoặc Đại Đệ tam). Họ đã kiểm tra các hóa thạch xuất hiện trong từng địa tầng của Trái đất và phát hiện một chuỗi gồm bảy hệ động vật hóa thạch, trong đó từng hệ trong mỗi tầng lại được thay thế bởi hệ động vật khác và cứ thế biến mất. Giữa những hệ động vật hóa thạch trên cạn nối tiếp nhau là các lớp động vật nhuyễn thể biển, như vậy các trầm tích nước ngọt và nước biển xen kẽ nhau.

Trong một thời gian dài, Cuvier bị cho là lạc hậu. Và do ông bác bỏ thuyết tiệm tiến nên nhận nhiều lời chỉ trích từ Charles Lyell, nhà địa chất tin rằng chọn lọc tự nhiên là động lực chính cho tiến hóa (Lyell là bạn thân của Charles Darwin). Vào thời đó, thuyết tiến hóa vẫn gây rất nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Ngày nay, không thể chối cãi rằng ngoài sự thay đổi dần dần, những sự kiện thảm họa cũng mang tính quyết định đối với lịch sử sự sống – chẳng hạn như thảm họa kéo dài trên Trái đất khoảng 66 triệu năm trước tại ranh giới kỷ Phấn Trắng - Cổ Cận, được cho là dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt vào cuối đại Trung sinh.

Nguồn: 240th anniversary of the birth of Georges Cuvier (1769–1832) của Yu. Ya. Soloviev, scihi.org