Phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm phát hiện gen và xét nghiệm tìm kháng thể sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2
Trong đại dịch COVID-19, nhiều phòng thí nghiệm và các quốc gia đã nhanh chóng phát triển nhiều bộ xét nghiệm (test) nhằm giúp khoanh vùng nhanh chóng người bệnh nhiễm corona virus và biện pháp cách ly, điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ sự khác nhau của các phương pháp xét nghiệm sẽ giúp ích cho các hoạt động chung ta chống dịch của cả nước.
Hiện trên thế giới có 4 phương pháp chính để xét nghiệm phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó phương pháp (2) và (4) đang được dùng phổ biến ở Việt Nam, gồm:
(1) Phương pháp phản ứng chuỗi polymerase khuếch tán gen (PCR)
(2) Phương pháp phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR)
(3) Xét nghiệm nhanh phát hiện gen virus
(4) Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể chống virus
Việt Nam chủ yếu sử dụng Kit xét nghiệm RT-PCR tự sản xuất bằng nguyên liệu (mồi và hóa chất) nhập khẩu từ nước ngoài. Đây cũng là sản phẩm mà Học viện Quân y đã công bố
nghiên cứu thành công hồi tháng 3/2020 và được chuyển giao công nghệ cho công ty Việt Á sản xuất.
Người nghi nhiễm sẽ được lấy mẫu bằng cách phết vòm họng, phết dịch mũi hoặc chất nhầy, đàm. Tiếp đó, mẫu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm và vật chất di truyền ARN của virus được tách chiết, sau đóxử lý bằng phản ứng chuyển mã ngược (reverse transcription, hay RT) để chuyển ARN thành ADN.Sau đó, phản ứng chuỗi PCR sẽ nhân ADN lên hàng tỷ bản sao và đo đạc sự xuất hiện của virus.
Ưu điểm của phương pháp này là có độ chính xác cao vì nó xét nghiệm phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người. Đây là lí do để WHO và nhiều nước chọn RT-PCR làm tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, nhược điểm của RT-PCR là đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao nên cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ). Sử dụng phương pháp này vẫn có thể có dương tính giả do nhiễm tạp chất khi làm kĩ thuật, do vậy thường phải làm xét nghiệm RT-PCR ít nhất 2 lần, thậm chí có trường hợp 3-4 lần.
Bên cạnh đó, quá trình xét nghiệm RT-PCR cũng có thể xảy ra âm tính giả nếu khi lấy mẫu bệnh phẩm bằng tăm bông quét họng không tốt, hoặc virus cư trú quá ít ở hầu họng và chủ yếu tập trung sâu dưới phổi mà bệnh nhân không ho bật ra được virus để lấy mẫu.
Mới đây, Hàn Quốc đã viện trợ cho Việt Nam hàng trăm ngàn que thử, bản chất là xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể IgM và IgG chống lại virus đang tồn tại trong
mẫu máu bệnh nhân. Nếu trong máu có kháng thể, nghĩa là người xét nghiệm bị nhiễm virus ít nhất 1 lần. Nhiều phòng thí nghiệm, công ty ở các nước Trung Quốc, Mỹ... cũng đang phát triển loại xét nghiệm nhanh này dựa vào cơ chế
tìm kháng thể đặc hiệu do hệ miễn dịch sinh ra để chống virus.
Người nghi nhiễm sẽ được lấy mẫu máu. Mẫu này được hòa trộn với kháng nguyên nhân tạo (được sản xuất từ nguồn gốc ARN của virus) mà bộ kit có sẵn. Nếu trong máu có kháng thể mà hệ miễn dịch sinh ra khớp với kháng nguyên virus, điều này có nghĩa người nghi nhiễm đã từng có virus trong người.
Ưu điểm của phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là thời gian ngắn (vài phút), vận hành đơn giản và độ nhạy cao. Cách này thuận tiện đến mức, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, chỉ cần điều dưỡng lấy máu tĩnh mạch, rồi cắm que thử theo đúng hướng dẫn ghi ngoài bao bì. Xét nghiệm nhanh không cần thiết bị đặc biệt kèm theo.
Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh cũng có thể có kết quả âm tính giả nếu cơ thể nhiễm virus chưa đủ thời gian tạo kháng thể hoặc hệ miễn dịch quá yếu không tạo đủ kháng thể. Nó cũng có thể cho kết quả dương tính giả khi người nhiễm đã khỏi nhưng trong máu còn kháng thể, hoặc trong trường hợp phản ứng chéo kháng nguyên-kháng thể của virus khác gây nhầm lẫn. Chẳng hạn, trên tạp chí Lancet, Singapore vừa thông báo
2 ca bệnh chẩn đoán nhầm giữa bệnh nhân mắc virus corona và virus sốt xuất huyết Dengue vì cơ thể sinh ra kháng nguyên tương tự.
Như vậy, trong khi xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thể giúp sàng lọc người bệnh nhanh hơn, nhưng để chẩn đoán chính xác liệu có mắc bệnh COVID-19 hay không chúng ta vẫn cần kết quả chẩn đoán của xét nghiệm chuyên môn RT-PCR có độ chính xác cao hơn.
Hai biện pháp này có thể phối hợp với nhau để tăng độ chính xác, chẳng hạn khi làm xét nghiệm nhanh trước ra kết quả dương tính, nhân viên y tế sẽ làm thêm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định liệu người xét nghiệm có thực sự bị bệnh.
Nếu có cơ hội dùng phương pháp RT-PCR để kiểm tra trước tiên và ra kết quả âm tính, trong trường hợp người xét nghiệm có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ có thể làm thêm xét nghiệm nhanh để tham khảo. Ngược lại, khi kiểm tra RT-PCR ra kết quả dương tính, sẽ cần lặp lại xét nghiệm 1-2 lần RT-PCR để tránh dương tính giả nhưng sẽ không cần dùng đến test nhanh.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc là phối hợp cả hai phương pháp một cách khôn ngoan để kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2.
Tài liệu tham khảo: