Bài viết trên Financial Times ngày 24/3 viết rằng Việt Nam đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình dập dịch ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng những nhà lãnh đạo có quyết tâm cao.
Hành khách được hướng dẫn khai báo y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài (ảnh chụp chiều 18-3) - Ảnh: Nam Trần/Tuổi trẻ
Khi hầu hết 96 triệu người dân Việt Nam còn đang ăn mừng Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp của Chính phủ để bàn về coronavirus.
Căn bệnh lúc bấy giờ đang hoành hành ở biên giới Trung Quốc và ông Phúc cảnh báo rằng nó sẽ sớm lây lan sang Việt Nam. “Chống dịch như chống giặc,” ông tuyên bố hồi cuối tháng Một.
Kể từ đó, Việt Nam đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình dập dịch ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng những nhà lãnh đạo có quyết tâm cao.
Thay vì xét nghiệm hàng loạt, vốn là cách mà Hàn Quốc – đất nước giàu có hơn – sử dụng để đối phó với dịch bệnh, Việt Nam tập trung vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và tìm kiếm F1, F2 – những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
GS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết: “Xét nghiệm hàng loạt là một phương án tốt, nhưng nó còn tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi quốc gia. Quan trọng là phải nắm được số lượng người đã tiếp xúc với bệnh nhân, những người quay về từ vùng dịch, sau đó tiến hành các xét nghiệm trên những người này.”
Ngoài kiểm tra lịch sử dịch tễ của những người bị nhiễm bệnh, Chính phủ còn thực hiện các biện pháp cách ly bắt buộc và huy động các sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu cùng tham gia chống dịch.
“Việt Nam là một xã hội huy động,” GS Carl Thayer của trường ĐH New South Wales Canberra, nhận xét. “Đất nước này có lực lượng an ninh hùng hậu […] Chính phủ chỉ đạo từ trên xuống, vốn là điều kiện thuận lợi trong việc ứng phó với thiên tai.”
Cuối tuần qua, Hà Nội đã áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày bắt buộc đối với tất cả những người nhập cảnh đến nước này và hủy tất cả các chuyến bay từ nước ngoài.
“Chúng ta phải huy động toàn thể xã hội, cố gắng hết sức để cùng nhau chống dịch, và điều quan trọng là phải sớm tìm ra các trường hợp mắc bệnh và tiến hành cách ly”, ông Trần Đắc Phu nói.
Nhân viên y tế đang khử trùng một chiếc xe cứu thương gần nhà một người bị nhiễm virus corona trên một con phố bị cách ly ở Hà Nội. Ảnh: Reuters
Cho tới nay, Việt Nam đã ghi nhận 123 trường hợp nhiễm coronavirus nhưng không có ca tử vong nào. Hầu hết các ca nhiễm gần đây bắt nguồn từ đợt lây nhiễm thứ hai do người từ nước ngoài về Việt Nam. Tính đến ngày 20/3, Việt Nam đã xét nghiệm 15.637 người – ít hơn nhiều so với con số 339.000 người được xét nghiệm ở Hàn Quốc.
Cũng như những quốc gia khác ở Đông Nam Á, với khả năng xét nghiệm còn hạn chế, số ca nhiễm thực sự có thể cao hơn nhiều so với báo cáo. Tuy vậy, phản ứng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng. Việt Nam đã cho dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vào ngày 1/2. Cùng với đó, các trường học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh thành khác đều thông báo đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Vào ngày 13/2, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc phong tỏa một khu dân cư lớn. Việt Nam đã áp dụng cách ly 21 ngày một phần tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có hơn 10.000 người dân sinh sống, sau khi phát hiện ra nhiều ca bệnh bắt nguồn từ công nhân trở về sau chuyến tập huấn tại Vũ Hán – tâm dịch của Trung Quốc.
Vào thời điểm các nước láng giềng như Thái Lan – đang bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trước dịch bệnh và Myanmar – nơi tuyên bố không xuất hiện ca nhiễm nào, nhưng vừa ghi nhận hai ca mắc đầu tiên vào thứ Hai vừa rồi, thì phản ứng của Việt Nam lại được giới chức y tế trên thế giới đánh giá cao. Ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội, đã khen ngợi "sự chủ động và nhất quán ứng phó xuyên suốt" quá trình ứng phó dịch bệnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, thành công của Việt Nam trong công tác kiểm soát Covid-19 một phần nhờ vào việc huy động nhân viên y tế và quân đội, và mạng lưới cung cấp thông tin trên khắp cả nước – điều mà các quốc gia như Mỹ và châu Âu khó mà có được.
Các phương tiện truyền thông đưa tin liên tục và tình hình bùng phát dịch bệnh cũng được báo cáo minh bạch. Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn văn bản về tin tức dịch bệnh và các khuyến cáo có lợi cho sức khỏe của người dân.
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam cho thấy phần lớn những người được khảo sát đều biết rõ về triệu chứng của bệnh. Các nỗ lực phòng chống COVID-19 của Chính phủ thu hút được sự ủng hộ của người dân, thể hiện qua các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cổ vũ các nhân viên y tế, hay các tranh vẽ mang thông điệp: “Ở nhà là yêu nước.”
Việt Nam cũng xử lý mạnh tay với hành vi đưa tin giả về dịch bệnh. Cảnh sát đã triệu tập và xử phạt hành chính khoảng 800 người với tội danh lan truyền tin giả.
Mạng lưới cung cấp thông tin trên khắp cả nước cũng hỗ trợ phát hiện ca nhiễm. “Hàng xóm sẽ biết nếu bạn trở về từ nước ngoài,” bác sĩ Trương Hữu Khánh, trưởng khoa nhiễm - nội thần kinh Bệnh viên Nhi đồng 1 TPHCM, chia sẻ với phóng viên Financial Times. “Nếu trong khu vực có ai nhiễm bệnh, họ sẽ ngay lập tức báo cáo với chính quyền.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết, Hà Nội “đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và có tính thực tiễn để phòng ngừa căn bệnh này. Cho đến nay, số ca nhiễm coronavirus ở Việt Nam vẫn ở mức thấp và không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào.”
Nguồn: