Trong cuốn sách “Beethoven: Âm nhạc và Cuộc đời” (Beethoven: The Music and the Life - Norton, 2002), Lewis Lockwood chú trọng bức tranh tổng thể gắn những cột mốc tiểu sử với hoạt động âm nhạc của Beethoven, mà không sa đà vào những mẩu chuyện nằm ngoài sự nghiệp.

Beethoven: Âm nhạc & Cuộc đời (Lewis Lockwood) dày hơn 700 trang là ấn phẩm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven. Bản tiếng Việt do Lê Ngọc Anh, Mai Đức Hạnh dịch; Trang Trịnh hiệu đính.
Beethoven: Âm nhạc & Cuộc đời (Lewis Lockwood) dày hơn 700 trang là ấn phẩm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven. Bản tiếng Việt do Lê Ngọc Anh, Mai Đức Hạnh dịch; Trang Trịnh hiệu đính.

Những mặt đối lập trong con người nhạc sĩ đặc biệt được tác giả dụng công làm cho nổi bật.

Ludwig van Beethoven (1770 – 1827) là nhạc sỹ người Đức thuộc trường phái cổ điển Wien thế kỷ XVIII. Âm nhạc của Beethoven nêu bật sức mạnh của quần chúng, chủ nghĩa anh hùng, tính bi tráng trong cuộc đấu tranh và khát vọng vươn tới sự cao thượng. Beethoven đã hoàn thiện nghệ thuật cổ điển Wien và tạo tiền đề cho trường phái Lãng mạn. Bởi ảnh hưởng tư tưởng của triết học “Ánh sáng”, âm nhạc của Beethoven rõ ràng, kết cấu hợp lý, hình thức đồ sộ mà cân đối; giai điệu thể hiện tính kịch, tính tương phản rõ nét.

Giống như nhiều nhà viết tiểu sử Beethoven khác, nhà âm nhạc học người Mỹ chuyên nghiên cứu về âm nhạc Phục hưng Ý và Beethoven chia cuộc đời thiên tài thành bốn phần: Những năm đầu đời: 1770 - 1792, khi Beethoven chập chững học nhạc từ người thầy đầu tiên, làm quen với âm nhạc của J.S.Bach và bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi phong trào Khai sáng; Thời kỳ trưởng thành thứ nhất: 1792 - 1802, Beethoven chính thức rời quê hương Bonn để lên Wien xây dựng sự nghiệp: biểu diễn, sáng tác, xuất bản; Thời kỳ trưởng thành thứ hai: 1802 - 1812 là giai đoạn Beethoven khơi mở ý tưởng giao hưởng mới, đặc biệt là lý tưởng Anh hùng ca; Thời kỳ trưởng thành cuối cùng: 1813 - 1827 là những tháng năm cuối đời, ghi dấu sự đổi thay về bút pháp sáng tác và tạo nên cầu nối với trường phái Lãng mạn.

Tuy nhiên, trong cuốn sách từng được đề cử giải Pulitzer của mình, Lockwood ít chú trọng những vấn đề nằm ngoài hoạt động âm nhạc của Beethoven. Ta có thể so sánh: cuốn Beethoven: Biography of a genius của George R. Marek có chương “Những người phụ nữ trong cuộc đời của Beethoven” (“The Women in Beethoven’s life”) chiếm gần 100 trang; nhưng trong Beethoven: Âm nhạc và Cuộc đời, Lockwood chỉ dành tầm 5 trang để thâu tóm chuyện tình cảm đời tư. Về mối quan tâm của Beethoven đối với cháu trai Karl cũng được viết ngắn gọn: kể cả giai đoạn Karl tìm cách tự tử, Lockwood vẫn nêu bật tinh thần làm việc của Beethoven để vượt qua như u sầu cuộc đời.

Lewis Lockwood (giữa) sinh năm 1930, từng giảng dạy ở Đại học Princeton và Đại học Harvard cho đến năm 2002. Sau khi nghỉ hưu, ông được bổ nhiệm làm giảng viên danh dự tại Đại học Boston và hiện là đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Beethoven thuộc trường này.
Lewis Lockwood (giữa) sinh năm 1930, từng giảng dạy ở Đại học Princeton và Đại học Harvard cho đến năm 2002. Sau khi nghỉ hưu, ông được bổ nhiệm làm giảng viên danh dự tại Đại học Boston và hiện là đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Beethoven thuộc trường này.

Một điểm khác biệt nữa, trong khi những người hâm mộ Beethoven nói chung và các tác giả sách thảo luận về ông nói riêng đều có thiên hướng chú ý đến các giao hưởng số lẻ của ông, Lockwood lại dành nhiều quan tâm đến các bản giao hưởng số chẵn, đặc biệt là số 2 và số 8, là những bản thường bị xem nhẹ.

Ở chương 18 - “Mang quá khứ tới hiện tại”, Lockwood dành riêng một mục viết về “Kiến ​​thức của Beethoven về Bach và Handel” để làm rõ luận điểm cho rằng Beethoven vừa coi Bach, Handel, Mozart và Haydn là hình mẫu học tập, lại vừa là đối thủ cạnh tranh. Trong chương này, bên cạnh việc diễn giải cách Beethoven học tập từ các nhạc sỹ tiền bối, Lockwood còn đưa ra một khía cạnh thú vị khác ở Beethoven, đó là cách nhà soạn nhạc vận dụng hiểu biết của mình về Handel để mở rộng mối quan hệ với vị khách Anh quốc, một động thái mà Lockwood mô tả như bước đệm để Beethoven hướng tới xứ sở sương mù.

Ở nhiều phân đoạn, Lockwood cũng khắc họa từng chi tiết nhỏ để thể hiện một Beethoven tinh quái, khéo léo trong xã hội nhằm tạo dựng uy tín nghề nghiệp và biết tính toán thu chi sao cho kinh tế gia đình được đảm bảo. Như vậy, qua cuốn sách của Lockwood, độc giả có thể tiếp cận nhiều mặt đối lập trong con người nhạc sĩ.

Sự đối lập, mâu thuẫn giữa các khía cạnh tính cách, suy nghĩ, ứng xử chính là đặc điểm quan trọng nhất ở con người Beethoven, vì thế tác giả viết tiểu sử cần có bút pháp đặc tả để làm rõ từng cặp nghịch đảo ấy. Một Beethoven mang nặng tình yêu tha thiết với đông đảo quần chúng, với lý tưởng về tình huynh đệ thể hiện trong Giao hưởng 9, đối lập với một Beethoven tôn sùng chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Một Beethoven phải sống bằng trợ cấp của các nhà quý tộc tốt bụng, đồng thời cũng lại là người sải bước, không thèm cúi chào khi xe ngựa hoàng gia đi qua. Một Beethoven yêu thương cậu cháu trai như con mà cũng là một ông bác khắc nghiệt. Ống kính của Lockwood soi chiếu từ căn phòng làm việc của nhạc sỹ với đồ đạc để lộn xộn, bô tiểu ngay dưới chân đàn… đến những trang bản thảo và quyển phác thảo nháp vô cùng cẩn trọng, ngay ngắn.

Nhìn rộng hơn, người đọc như được tác giả dẫn đi qua các quang cảnh cuộc đời Beethoven trên lớp nền tiểu sử đầy nỗi đau tinh thần lẫn thể chất, rồi nhìn vào giá trị lao động: Beethoven được tạo thành bởi không chỉ 1% thiên tài, mà còn bởi 99% công sức học tập, rèn giũa qua hàng chục năm. Các tập phác thảo của ông chính là những dữ kiện lưu lại từng ý tưởng sáng tạo: từ khi chợt nghĩ ra một nét nhạc nào đó, đến lúc trăn trở bôi xóa, tẩy bỏ, viết lại, rồi triển khai thành câu, đoạn, phần, chương nhạc và thành cả tác phẩm lớn. Lockwood đã dày công nghiên cứu từng trang phác thảo ấy, đo đếm xem vòng hòa thanh nào từng dùng ở tác phẩm thời kỳ trước rồi lại được vận dụng lại ở thời kỳ sau, xét từng khâu soạn đối đề, đáp đề trong những mẩu fuga…

Từ những tìm tòi chi li đó, Lockwood đã trình bày được kết cấu tác phẩm, ví dụ như Missa Solemnis, Giao hưởng 9, các tứ tấu… và vẽ được bức tranh tổng thể về sự tiến triển nghệ thuật của Beethoven. Ta có thể thấy tương tác qua lại giữa các biến động trong cuộc đời với thủ pháp sáng tác: những gì có ảnh hưởng và những gì ảnh hưởng sâu đậm.

Beethoven: Âm nhạc & Cuộc đời mang giá trị học thuật rất cao đối với những người nghiên cứu lý luận âm nhạc học, các nhạc sỹ đang mày mò tìm hiểu bút pháp sáng tác và những người theo nghiệp chỉ huy dàn nhạc, bởi cuốn sách chứa cái nhìn tổng thể, đa chiều, được Lewis Lockwood xây dựng từ những dẫn chứng nhỏ nhất nằm trong tổng phổ của từng bản nhạc.

Bản tiếng Việt được thực hiện bởi OmegaPlus có thêm giá trị thực tế bởi phần Index và danh sách bản nhạc, kèm ô quét mã QR để nghe nhạc theo danh sách.