Macau (Áo Môn) là một thương cảng nhộn nhịp ở miền Đông Nam Trung Quốc, phía Tây Hongkong. Nhiều nhà sử học thường gọi nơi này là “thuộc địa hay tô giới đầu tiên, và cũng là cuối cùng, của người châu Âu tại Trung Quốc”.

Macau nổi tiếng là kinh đô cờ bạc của thế giới, bên ngoài Las Vegas. Ảnh: Peter Stuckings/Lonely Planet Images.
Macau nổi tiếng là kinh đô cờ bạc của thế giới, bên ngoài Las Vegas. Ảnh: Peter Stuckings/Lonely Planet Images.

Thực dân Bồ Đào Nha trên thực tế đã kiểm soát Macau từ năm 1557 đến tận 20/12/1999. Làm thế nào mà một quốc gia xa xôi, nhỏ bé tại Tây Nam châu Âu lại có thể chiếm giữ một phần lãnh thổ Trung Quốc, xuyên suốt triều đại nhà Thanh cho đến tận bình minh của thế kỷ XXI?

Bồ Đào Nha đã từng là một cường quốc đại dương [đầu tiên] vào thế kỷ XV, có những đoàn thám hiểm thực hiện thành công chuyến hành trình đi qua mũi Hảo Vọng và đến được lưu vực Ấn Độ Dương. Năm 1513, Jorge Alvares – một thuyền trưởng người Bồ – đã đặt chân tới Trung Quốc. Nhưng phải mất thêm 2 thập kỷ nữa, các thuyền buôn Bồ Đào Nha mới được hoàng đế nhà Minh cho phép neo đậu tại khu vực bến cảng xung quanh Áo Môn (tiếng Bồ gọi là Macau). Tuy nhiên hàng đêm, toàn bộ thương gia và thủy thủ vẫn phải trở lại tàu, và không được phép xây dựng bất cứ thứ gì trên đất Trung Quốc. Mãi đến 1552, triều đình mới nới lỏng, cho phép người Bồ xây dựng kho sấy và lưu trữ hàng bằng đá thô sơ tại khu vực nay là đảo Nam Loan, và sau đó là thành lập khu định cư mậu dịch Macau (năm 1557).

Như vậy, sau 45 năm kiên nhẫn đàm phán từng chút một, cuối cùng người Bồ cũng đã có chỗ đứng thực sự tại miền Nam Trung Quốc, mặc dù vị thế này không hề miễn phí khi hằng năm họ phải trả một khoản 500 lượng bạc (19 kg, ngày nay trị giá khoảng 9.645 USD) cho triều đình Bắc Kinh. Tuy nhiên, cách hiểu của hai bên cũng hoàn toàn trái ngược. Trong khi người Bồ Đào Nha xem đó chỉ là một thỏa thuận thuê mướn với tư cách ngang hàng giữa hai bên, thì vua quan nhà Minh lại nghĩ đấy chính là hành động cống nạp. Và cũng vì thế mà người Hán vẫn thường nhìn người Bồ bằng ánh mắt khinh miệt.

Tháng 6/1622, thực dân Hà Lan tổ chức một cuộc tấn công hòng chiếm Macau từ tay người Bồ. Trước đó, Bồ Đào Nha cũng đã bị Hà Lan hất cẳng khỏi hầu hết lãnh thổ Indonesia, ngoại trừ một phần nhỏ Đông Timor ngày nay. Khi ấy, Macau đang có khoảng 2.000 người Bồ định cư, 20.000 người Trung Quốc, và khoảng 5.000 người da đen được mang tới từ các thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Angola và Mozambique (châu Phi). Chính những nô lệ này đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, giữ cho Macau an toàn trước sự nhòm ngó của Hà Lan và các cường quốc châu Âu khác.

Sau khi nhà Minh sụp đổ năm 1644, triều đại Mãn Châu lên nắm quyền, song sự chuyển giao này cũng ảnh hưởng rất ít đến khu định cư Bồ Đào Nha tại Macau. Đời sống và hoạt động thương mại tại thành phố cảng này vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi trong hai thế kỷ sau đó.

Chiến thắng của người Anh trong hai cuộc chiến tranh nha phiến (1839 – 1842 và 1856 – 1860) đã cho thấy sự suy yếu nghiêm trọng của chính quyền nhà Thanh trước sức ép từ phương Tây. Vì thế, Bồ Đào Nha đã quyết định đơn phương chiếm giữ hai hòn đảo gần Macau là Đãng Tử (Taipa) năm 1851, và Lộ Hoàn (Coloane) năm 1864.

Tới 1887, thực dân Anh gần như đã trở thành tay chơi hùng mạnh nhất trong khu vực (khi ấy đã thiết lập xong ảnh hưởng tại Hongkong), đến mức có thể giàn xếp một thỏa thuận giữa Bồ Đào Nha và nhà Thanh. Đó là “Điều ước Hòa hảo và Thông thương Trung–Bồ” ký ngày 1/12/1887, buộc Trung Quốc phải trao cho Bồ Đào Nha quyền “chiếm đóng và cai trị Macau vĩnh viễn”, đồng thời cấm Bồ không được bán hoặc trao đổi khu vực này với bất kỳ thế lực nước ngoài nào khác. Người Anh đặc biệt nhấn mạnh điều khoản này, bởi đối thủ chính của họ là Pháp đang rất quan tâm đến việc trao đổi Brazzaville Congo để lấy các thuộc địa của Bồ là Guinea và Macau. Ngoài ra, cũng theo Hiệp ước, Bồ Đào Nha sẽ không còn phải trả tiền thuê Macau (hoặc cống nạp theo cách hiểu của nhà Thanh).

 Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương đã được tổ chức tại phố Quan Công, Macau, từ 27 đến 31/03/1935. Ký họa: baoapbac.vn.
Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương đã được tổ chức tại phố Quan Công, Macau, từ 27 đến 31/03/1935. Ký họa: baoapbac.vn.

Thanh triều cuối cùng cũng sụp đổ sau cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911 – 1912), nhưng những xáo trộn tại Bắc Kinh lại một lần nữa tác động tới Macau ở miền Nam. Sang Thế chiến II, Đế quốc Nhật Bản đã chiếm được phần lớn các thuộc địa và tô giới của phe Đồng minh tại Hongkong, Thượng Hải và ven biển Nam Trung Hoa, song vẫn để cho Bồ Đào Nha – với lập trường trung lập- được giữ Ma Cao. Khi Mao Trạch Đông và những người cộng sản Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng năm 1949, chính phủ mới đã tuyên bố hủy bỏ Điều ước Hòa hảo và Thông thương Trung–Bồ, cho rằng đó là một hiệp ước bất bình đẳng, nhưng trên thực tế họ cũng không can thiệp nhiều.

Tuy nhiên, đến năm 1966, cộng đồng người Trung Quốc tại Macau đã chán ngấy sự cai trị của chính quyền Bồ Đào Nha, vốn ở quá xa. Chịu ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng Văn hóa tại Đại lục, họ đã tổ chức một số cuộc biểu tình, sau đó biến thành bạo loạn. Một biến cố như vậy xảy ra vào ngày 3/12 đã khiến 6 người thiệt mạng và khoảng hơn 200 người khác bị thương. Sang năm 1967, Chính phủ Bồ Đào Nha đã công khai xin lỗi, và câu hỏi về vị thế của Macau một lần nữa bị gác lại.

Mặc dù những biến cố chính trị trước đó tại Trung Quốc đã không ảnh hưởng nhiều đến Macau, nhưng sau khi cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng nổ ra và lật đổ chế độ của nhà độc tài Estado Novo (năm 1974), chính phủ mới ở Lisbon đã tuyên bố sẽ chấm dứt chế độ thực dân. Đến năm 1976, Lisbon đã từ bỏ yêu sách chủ quyền khi gọi Macau là một “lãnh thổ Trung Quốc dưới sự quản lý của Bồ Đào Nha”. Năm 1979, ngôn từ lại được sửa thành “lãnh thổ Trung Quốc dưới sự quản lý tạm thời của Bồ Đào Nha”. Cuối cùng, vào năm 1987, cả Lisbon và Bắc Kinh đều đồng thuận rằng Macau sẽ trở thành một đơn vị hành chính đặc biệt của Trung Quốc, với quy chế tự trị ít nhất 50 năm (giống như Hongkong, vẫn duy trì hệ thống tiền tệ, luật pháp, giáo dục, … riêng, Trung Quốc chỉ đảm bảo quốc phòng và ngoại giao). Ngày 20/12/1999, Bồ Đào Nha chính thức trao trả lại Macau về với Trung Quốc.

Có thể nói, Macau chính là mảnh đất “đầu tiên và cũng là cuối cùng” mà người châu Âu thiết lập sự hiện diện tại Trung Quốc, cũng như đối với phần lớn thế giới. Nhưng trong trường hợp Macau, quá trình “giải thuộc địa” tại đây đã diễn ra khá suôn sẻ và trong sự thịnh vượng, không giống với Đông Timor, Angola hay Mozambique – những thuộc địa khác của người Bồ.