Trong tiều luận "Bàn về chữ Thế - thiên hướng của muôn vật", François Jullien truy tìm lịch sử và ý nghĩa của thuật ngữ này và vị trí đặc biệt của nó trong văn hóa Trung Quốc, dựa trên các nguồn tài liệu tham khảo trải dài từ thời Chiến quốc cho đến thế kỷ 18.

Những thuật ngữ tiếng Trung khó dịch nhất thường lại là những thuật ngữ quan trọng nhất để có thể hiểu biết đúng đắn về văn hóa truyền thống, bởi vì ẩn đằng sau những thứ không dễ dịch như vậy là những khái niệm đặc biệt và độc đáo của Trung Quốc.

Một trong những thuật ngữ đó là từ thế (che hoặc shi trong tiếng Pháp). Từ này thường được giải nghĩa trong các cuốn từ điển như là “tư thế, vị thế” hay “tình thế, tình huống” hoặc “quyền thế, quyền lực” nhưng cũng có thể lại là “tiềm năng, tiềm lực, uy thế”.

Đối mặt với phạm vi rộng lớn và mơ hồ của những lựa chọn từ vựng, nhiều dịch giả chỉ đơn giản là né tránh thuật ngữ thế, mặc dù chính phạm vi và sự mơ hồ gợi ý sự hiện diện của một khái niệm quan trọng. Trong bối cảnh đó, “Bàn về chữ Thế - thiên hướng của muôn vật” của F. Jullien (1951) là một tiểu luận xuất sắc, truy tìm lịch sử và ý nghĩa của thuật ngữ này và vị trí đặc biệt của nó trong văn hóa Trung Quốc.

F. Jullien đã dày công khảo sát các văn bản về chữ thế chứa đựng trong toàn bộ những trải nghiệm văn hóa Trung Hoa. Nguồn INT
F. Jullien đã dày công khảo sát các văn bản về chữ thế chứa đựng trong toàn bộ những trải nghiệm văn hóa Trung Hoa. Nguồn INT

Tám chương của cuốn sách được chia thành ba phần chính. Phần đầu tiên dành cho việc chứng minh nguồn gốc của chữ thế như một thuật ngữ để chỉ chiến lược quân sự trong thời Chiến quốc. Phần thứ hai khám phá việc sử dụng thuật ngữ trong văn học và mỹ thuật. Phần thứ ba khảo sát tầm quan trọng của thuật ngữ đối với các khái niệm lịch sử và siêu hình học của Trung Quốc. Các nguồn tài liệu tham khảo được nhắc tới trải dài trong một khoảng thời gian rộng lớn từ thời Chiến quốc cho đến thế kỷ 18. Phạm vi toàn diện, đa ngành là một trong những điểm mạnh nhất của cuốn sách.

Chủ yếu dựa vào Binh pháp Tôn Tử, F. Jullien truy tìm khởi nguồn của từ thế trong những khái niệm của thời Chiến quốc về một cách sắp xếp bố trí vũ lực để đảm bảo chiến thắng. Thế, trong bất kỳ bối cảnh trực tiếp nào, đều dựa trên quan niệm của Trung Quốc về một thế giới vật chất luôn trong trạng thái thay đổi liên tục, trong đó tính liên tục là việc một “tình huống” nhất thời này luôn kế tiếp một “tình huống” nhất thời khác. Đó là phương hướng/xu hướng của sự thay đổi tại bất kỳ thời điểm nào. Nhà chiến lược quân sự thành công là người có thể nhận thức đúng đắn xu hướng này và bố trí lực lượng của mình cho phù hợp. Và như thế anh ta sẽ giành chiến thắng ngay cả trước khi trận chiến diễn ra.

Trong phần thứ hai của cuốn sách, F. Jullien truy tìm thuật ngữ thế như một thuật ngữ then chốt trong nghệ thuật hội họa, thư pháp và văn học Trung Quốc, đặc biệt là thơ ca và tiểu thuyết. Trong tất cả các hình thức này, thế giải quyết các câu hỏi về phương hướng và động lực phía trước, đồng thời là trung tâm của việc tổ chức và thống nhất tác phẩm nghệ thuật.

Phần ba kết thúc bằng sự suy ngẫm của tác giả về sự vận động vô tận không ngừng nghỉ của con rồng như một phép ẩn dụ thích hợp cho tầm quan trọng của thế đối với quá trình sáng tạo của Trung Quốc. Đối với người Trung Quốc, lịch sử trở thành một vòng tuần hoàn vô tận của những “tình huống” nối tiếp nhau mà không có mối liên hệ nhân quả. Trí tuệ thể hiện ở việc đoán trước dòng chảy của những chu kỳ này và định vị bản thân để di chuyển theo “xu hướng” đang thịnh hành.

François Julliensinh năm 1951 ở Embrun, Pháp. Nguồn: Greenbee Publishing
François Julliensinh năm 1951 ở Embrun, Pháp. Nguồn: Greenbee Publishing


Giáo sư François Jullien (Đại học Diderot-Paris) là một trong những gương mặt quan trọng nhất của triết học Pháp đương đại. Các công trình của ông nằm ở giao lộ giữa các nghiên cứu Hán học và nghiên cứu triết học. Bằng cách đi đường vòng qua Trung Quốc, các tác phẩm của ông đã hình thành một không gian nghiên cứu để từ đó quay trở lại đánh giá những thành tựu triết học phương Tây và gợi mở những suy nghĩ đột phá về tính liên văn hóa.


Tham vọng nghiên cứu của F. Jullien trong công trình này được thể hiện rõ nét trên hai phương diện sau:

Một mặt, nó cố gắng làm sáng tỏ khái niệm thế, một khái niệm đã thấm sâu vào cấu trúc tư tưởng Trung Quốc và trải rộng trên nhiều lĩnh vực như chiến lược quân sự, chính trị, thư pháp, hội họa, âm nhạc, thơ ca và văn học; nó cũng hiện diện trong những quan niệm về lịch sử và hiện thực của người Trung Quốc… Từ tính đa dạng này, chúng ta có thể hiểu rõ tầm quan trọng lớn lao của khái niệm được F. Jullien quan tâm nghiên cứu, nhưng nhiệm vụ quan trọng mà ông đã tự đặt ra cho mình là phải làm sáng tỏ nó một cách tốt nhất có thể, bởi vì trước đây dẫu rằng khái niệm này đã được các chuyên gia trong các chuyên ngành khác nhau tiếp cận thì luôn chỉ là việc tiếp cận ở một khía cạnh chuyên biệt nào đó và chưa bao giờ khái niệm thế được hệ thống hóa lại và trình bày dưới dạng thức tổng quát và trừu tượng.

Do đó, tác giả đã phải bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu các chuyên ngành khác nhau theo chiều ngang, điều này đòi hỏi một sự am hiểu sâu rộng về lịch sử phát triển của các chuyên ngành trong một quãng thời gian dài (các tài liệu nghiên cứu từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên cho đến thế kỷ 18-19), cũng như khả năng phân tích tốt, khả năng nhận ra những gì hoạt động theo cách tương tự trong các lĩnh vực có vẻ khá tách biệt nhau.

Mặt khác, thông qua chuyên luận, tác giả muốn người đọc phương Tây không chỉ nắm bắt được cái cách hệ tư tưởng Trung Quốc phát sinh và phát triển ra sao mà còn phải nhận thức được rằng nó khác biệt như thế nào với triết học phương Tây và nếu có thể, định lượng được cái khoảng cách tách biệt giữa những hệ tư tưởng này. F. Jullien mong muốn rằng cái khoảng cách khó nắm bắt này giữa hai hệ tư tưởng sẽ không dẫn đến một sự đối mặt xa lạ khó hiểu mà ngược lại, đó sẽ là những diện kiến hữu ích: cái lề lối lý giải của người này sẽ tạo ra thuận lợi cho lề lối tư duy hay suy cứu của người kia. Vì thế trong mỗi phần của cuốn sách, tác giả đều tận dụng mọi cơ hội để trình bày sự khác biệt đến mức tương phản giữa các nhà tư tưởng Trung Quốc và các triết gia phương Tây như Machiavelli, Clausewitz, Montesquieu, Kant, Hegel, Plato, Aristotle...

Năm 2002, trong một lần trả lời phỏng vấn, được hỏi phải chăng ông đã từ bỏ con đường truyền thống của triết học phương Tây khi đi rất sâu vào việc nghiên cứu các hệ tư tưởng Trung Hoa cổ đại, F. Jullien khẳng định rằng với ông, Trung Quốc là một “công cụ triết học”, việc đi vòng sang Trung Quốc trên thực tế đã cho phép ông cật vấn tốt hơn và thậm chí còn cách mạng hóa việc đặt ra những cật vấn đối với nền triết học phương Tây. Và như thế, ông vẫn là một triết gia của phương Tây, gắn bó với truyền thống tạo lập được “tư duy khác biệt”, vốn luôn là thiên hướng của triết học. Nhưng để có được một tư duy khác biệt, phương pháp của ông, hay đúng hơn là “chiến lược” của ông - không phải là tìm cách phủ nhận các triết gia đi trước (một kiểu hành động “giết cha” như chính lời ông nhận xét) mà là tìm cách làm bận lòng người khác bằng “sự dị thường của Trung Quốc”, quấy đảo “thế giới triết học” bằng những chuyến du hành đến Trung Quốc, “bằng sự dịch chuyển”... Không còn nghi ngờ gì nữa, tư tưởng, triết học, nghệ thuật đang trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ và việc đi đường vòng qua Trung Quốc cho phép ông xem xét lại các bằng chứng của mình và kiểm tra lại những niềm tin của chính mình. Thách thức lớn nhất đặt ra với ông chính là việc phải “cấu hình” lại các lĩnh vực có thể suy nghĩ được. “Chúng ta sẽ phải viết lại Hiện tượng học Tinh thần”, F. Juillien nhấn mạnh, “bởi vì tác phẩm vĩ đại này của Hegel mới chỉ là lịch sử của một tinh thần, lịch sử của nền văn hóa châu Âu, chứ không phải của Tinh thần của nhân loại…”.

Bài đăng số 1292 (số 20/2024) KH&PT