Các nhà khoa học đã chứng kiến một con đười ươi đực hoang dã trong khu bảo tồn rừng ở Indonesia liên tục chà xát lá đã nhai lên vết thương trên mặt.
Đây là lần đầu giới khoa học quan sát thấy một loài động vật hoang dã sử dụng thực vật để điều trị vết thương. Phát hiện này là bằng chứng rõ ràng về việc con người không phải là loài duy nhất biết sử dụng thực vật làm thuốc.
Đười ươi đực Rakus, khoảng 35 tuổi, sống ở Công viên Quốc gia Gunung Leuser trên đảo Sumatra, Indonesia. Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hành trình xuyên rừng, luồn lách qua những tán cây để tìm kiếm thức ăn của những con đười ươi giống như Rakus.
Họ phát hiện vết thương trên mặt Rakus lần đầu vào ngày 25/6/2022 - đó cũng là lúc nó bắt đầu hành vi tự sử dụng lá thuốc.
“Khi tôi biết việc này, tôi đã rất phấn khích", TS Isabelle Laumer, nhà nghiên cứu linh trưởng thuộc Viện Hành vi Động vật Max Planck, Đức, cho biết. Theo bà, các nhà khoa học rất hiếm khi ghi nhận việc động vật tự chữa bệnh - và tự chữa trị vết thương thì còn hiếm hơn nữa. Bà và các đồng nghiệp đã trình bày chi tiết phát hiện này trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Scientific Reports.
"Mười ba phút sau khi Rakus bỏ lá vào miệng, nó bắt đầu nhai nhưng không nuốt xuống, và dùng ngón tay bôi trực tiếp phần nước ép từ miệng lên vết thương trên mặt", các nhà nghiên cứu viết.
Rakus lặp lại hành động đó nhiều lần, và đắp phần bã lá đã nhai lên vết thương cho đến khi nó được che phủ hoàn toàn. Năm ngày sau, vết thương trên mặt đã khép lại, và chỉ trong vài tuần, nó đã lành, chỉ để lại một vết sẹo nhỏ.
Loại cây mà Rakus sử dụng được gọi là akar kuning (Fibraurea tinctoria - Hoàng Đằng), từ lâu đã được người dân khắp Đông Nam Á sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, tiểu đường và nhiều bệnh khác. Một số nghiên cứu cho thấy nó có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn.
Đười ươi hiếm khi ăn lá cây. Nhưng trong trường hợp này, Rakus đã ăn một lượng nhỏ và còn đắp lên vết thương nhiều lần. TS Laumer cho biết, năm ngày sau khi được phát hiện, vết thương đã khép miệng, và chưa đầy một tháng sau, vết thương đã “lành mà không có dấu hiệu nhiễm trùng”.
“Theo tôi biết, đây là nghiên cứu đầu tiên được công bố chứng minh một con vật biết sử dụng thực vật có đặc tính y sinh học để điều trị vết thương”, GS Michael Huffman tại Viện Y học Nhiệt đới thuộc Đại học Nagasaki ở Nhật Bản, người không tham gia vào nghiên cứu, nói.
Hướng nghiên cứu tiềm năng
Trước đây, các nhà khoa học đã quan sát thấy các loài linh trưởng có khả năng chữa lành vết thương, nhưng không phải bằng thảo dược. Simone Pika, một chuyên gia về nhận thức động vật tại Đại học Osnabrück, Đức, từng ghi lại cảnh tượng này. Ông cho biết một nhóm hơn hai chục con tinh tinh ở Gabon, Trung Phi, đã nhai và bôi côn trùng vào vết thương của chúng.
Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã phát hiện đười ươi sử dụng cây thuốc theo một cách khác: Năm 2017, các nhà khoa học cho biết có sáu con đười ươi ở Borneo (Brunei) đã chà xát những chiếc lá đã nhai lên chân và tay của chúng. Lá của loại cây bụi này có đặc tính chống viêm và giảm đau, có lẽ chúng chà xát lên để làm dịu cơ bắp nhức mỏi.
Các ví dụ về việc loài linh trưởng tự sử dụng thảo dược không nhiều, và các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ hành vi này. Tinh tinh, tinh tinh lùn, khỉ đột và vượn tay trắng cũng có những lúc ăn lá, có lẽ là để giúp thải bỏ ký sinh trùng trong cơ thể. TS Huffman và các nhà nghiên cứu khác đều đã nhìn thấy tinh tinh nhai phần lõi đắng của một loại cây có tên Vernonia amygdalina để điều trị tình trạng nhiễm giun.
Nhưng hành vi này không chỉ có ở loài linh trưởng. Cầy hương Ấn Độ cũng nuốt cả lá, rất có thể là để thải giun. Nhiều loài chim khác nhau thực hiện một hành vi kỳ lạ, cụ thể, chúng cọ mình vào kiến để kiến giúp chúng xử lý các loại ký sinh trùng trên lông. Hàng trăm loài ong thu thập chiết xuất từ hoa để ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn trong đàn, đây có thể được xem là một loại thuốc phòng bệnh theo cá thể hoặc theo đàn.
TS Laumer hy vọng nghiên cứu về Rakus sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hành vi này, đồng thời thúc đẩy việc bảo vệ loài đười ươi Sumatra, một loài cực kỳ nguy cấp. Ngay cả khi đã dành 30 năm để nghiên cứu về chúng, các nhà khoa học vẫn có thể gặt hái được nhiều điều mới mẻ. Chỉ trong vài năm qua, các nhà khoa học đã chứng minh được đười ươi có thể giải những câu đố phức tạp, lập kế hoạch cho tương lai, trêu chọc nhau và cười - giống như con người. “Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về loài này”, bà nói.
Nguồn: