Nhân văn kỹ thuật số là gì và văn hóa đang thay đổi như thế nào khi đối mặt với công nghệ mới là hai câu hỏi lớn được đặt ra trong cuốn sách “Nhân loại thời kỹ thuật số - Văn hóa đối diện với công nghệ mới” của GS Dominique Vinck.
Theo tác giả, Nhân văn kỹ thuật số là sự gặp gỡ giữa các ngành khoa học và công nghệ thông tin với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Sự phát triển của khoa học nhân văn kỹ thuật số cho phép vừa khơi lại những mạch ngầm đã nuôi dưỡng khoa học nhân văn, vừa đặt ra câu hỏi về vị trí mà khoa học nhân văn có thể đảm nhận trong xã hội.
Cuốn sách “Nhân loại thời kỹ thuật số - Văn hóa đối diện với công nghệ mới” của GS Dominique Vinck (Đại học Lausanne, Thụy Sỹ) vừa được NXB Hồng Đức và Công ty Sao Bắc Media ấn hành, với tài trợ của Viện Pháp Hà Nội L’Espace.
Có thể xem cha đẻ của Nhân văn số là tu sĩ dòng Tên người Ý Roberto Busa. Vào cuối thế chiến thứ hai, ông đề xuất một dự án làm tổng mục tra cứu cho tác phẩm khổng lồ “Tổng luận Thần học” của Thomas d’Aquin. Rồi ông sang Mỹ và tìm đến hãng máy tính IBM để kêu gọi sự trợ giúp bởi ông nhận thấy, chỉ có hệ thống máy tính mới đủ khả năng giúp ông hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ này. Việc IBM chấp nhận trợ giúp Busa đã mở đầu cho một chuyên ngành hoàn toàn mới: Nhân văn kỹ thuật số. Công trình “Tra cứu Tổng luận Thần học” của ông cuối cùng được hoàn thành và xuất bản vào năm 1980 với hơn 70.000 trang, chia thành 56 tập. Công việc của Roberto Busa không còn chỉ là việc đọc văn bản, ông đã quan sát nó như một đối tượng và đã tái cấu trúc chính khái niệm văn bản để biến nó thành một tập hợp đồ sộ các từ, một cơ sở dữ liệu mà từ đó có thể đặt câu hỏi từ các góc độ khác nhau để kiểm tra các giả thuyết nghiên cứu đã được tiên nghiệm trước đó.
Phương pháp mà Roberto Busa áp dụng khi nghiên cứu các văn bản hóa ra quan trọng hơn cái vẻ ban đầu của nó. Trong một số ngành mà việc phát hiện thêm các tài liệu mới, những tài liệu chưa từng được công bố đã trở nên khá hiếm - lịch sử cổ đại, ngữ văn, lịch sử văn học - thì triển vọng là rất thú vị: phát hiện ra các yếu tố mới trên những nguồn tư liệu đã biết. Quan trọng hơn nữa, việc mô hình hóa dữ liệu của nhân văn kỹ thuật số không chỉ nhằm mục đích sản xuất ra kiến thức mới, mà còn giúp nhà nghiên cứu đặt ra những câu hỏi mới về đối tượng nghiên cứu của mình trong quá trình mô hình hóa những đối tượng này.
Việc thiết lập các ấn bản kỹ thuật số của các văn bản kinh điển để nghiên cứu, một mặt cho phép nhanh chóng tập hợp các tài liệu gần gũi hoặc đối nghịch, đối lập quanh bản thân tác phẩm gốc; mặt khác, cho phép liên kết nó với các tác phẩm khác ở các định dạng phong phú: văn bản, hình ảnh, tư liệu. Đặc tính mở của phương pháp lưu trữ kỹ thuật số cho phép kho dữ liệu liên tục tự cấu hình lại theo những bổ sung mới và cách diễn giải mới. Công nghệ số cũng giúp việc phục dựng và lưu giữ các di sản văn hóa vật chất, để chúng có thể trường tồn với thời gian.
Trong thời kỳ đầu của Nhân văn kỹ thuật số, một hướng phát triển có nhiều thành tựu là Phép đo từ vựng (lexicometrie), chúng được áp dụng nhiều trong lĩnh vực phân tích diễn ngôn từ cuối những năm 1960, người đi tiên phong trong lĩnh vực này là Maurice Tournier: ông đã áp dụng phép đo từ vựng để nghiên cứu những vô thức ẩn náu trong các diễn ngôn chính trị thông qua tần suất sử dụng của từ ngữ. Quá trình thao tác của phương pháp này gồm đo lường, phân loại, so sánh, đưa ra giả thuyết hoặc kết luận – tất cả đều dựa trên khoa học thống kê. Chính vì thế thống kê đang dần trở thành ngôn ngữ đại diện cho thực tế xã hội, một công cụ tri thức đầy sức mạnh cho các ngành khoa học xã hội, một công cụ đàm phán và quyền lực cho các cơ quan hành chính và chính trị.
Sự phát triển của kỹ thuật số cả về phần cứng và phần mềm trong vài chục năm qua dẫn đến những phát triển bề rộng lẫn bề sâu của của nhân văn số. Trong đó, sự bùng nổ của khả năng lưu trữ và tính toán của máy tính cho phép chúng ta thu thập và lưu trữ các dữ liệu lớn; và tiếp theo đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và những công cụ toán học khác sẽ đủ khả năng thay thế các công cụ đặc thù trong các lý thuyết từng rất quen thuộc về hành vi của con người: ngôn ngữ học, tâm lý học, kinh tế học, xã hội học để giải quyết những vấn đề được đặt ra từ thực tiễn... Chẳng hạn, với công nghệ xử lý dữ liệu lớn, chúng ta có thể đo lường và lập biểu đồ những hành vi với độ chính xác chưa từng có (thay vì phải khó nhọc xây dựng các “mô hình giả định” như trong kinh tế học hay tâm lý học cổ điển như trước đây và cũng chỉ được phép coi đó là một “mô hình giả định” của nhà nghiên cứu). Ngày nay, có thể phân tích dữ liệu mà không cần có bất kỳ giả định nào về những gì nó có thể hiển thị. Chúng ta có thể nạp những tập hợp lớn nhất các dữ liệu thuộc các thể loại khác nhau mà thế giới từng biết vào siêu máy tính và để các thuật toán thống kê tìm ra những hình dạng hay các cấu trúc mà khoa học chưa từng biết.
Có thể nói, tác phẩm
GS Dominique Vinck chỉ ra một con đường giúp cho các nhà nghiên cứu và sinh viên theo học ngành khoa học xã hội và nhân văn vượt thoát khỏi những khủng hoảng hiện nay, chẳng hạn những nghiên cứu dạng cũ thiếu sức thuyết phục vì không có khả năng thu thập và xử lý khối dữ liệu lớn v.v Nó cũng có ích những người làm nghề CNTT khi đi tìm kiếm những lĩnh vực ứng dụng mới. Họ sẽ tìm thấy vô số ví dụ cụ thể về các dự án nghiên cứu đã và đang tiến hành trong lĩnh vực nhân văn số.