Phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã khẳng định “coi khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất chính, nhân tài là nguồn lực chính và đổi mới là động lực tăng trưởng chính” đưa ra tầm nhìn về khoa học và đổi mới để thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Sau đây là những nhận định từ các nhà phân tích chính sách khoa học trên tạp chí Nature về định hướng đầu tư cho khoa học, thông qua diễn văn của ông Tập Cận Bình.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào khoa học

Thước đo dễ nhận thấy là mức chi cho khoa học. Năm 2021, Trung Quốc chi 2,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (386 tỷ USD) cho R&D, chiếm 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Kế hoạch 5 năm 2020 – 2025 của nước này đặt mục tiêu tăng mức chi hơn 7%/ năm. Nếu tiếp tục, đến năm 2035, mức chi cho R&D của Trung Quốc có thể đạt mức mức tương đương với trung bình các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tức là gần 2,7% GDP, theo đánh giá của Marina Zhang tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, nghiên cứu về đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP dưới mục tiêu của Trung Quốc trong năm nay có thể khiến các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng cường đầu tư vào R&D.

Nhà nghiên cứu Futao Huang về giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, thì lại đánh giá chắc chắn Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư cho R&D mặc dù tình hình tăng trưởng giảm trong ngắn hạn. Tầm quan trọng của khoa học và công nghệ được phản ánh qua tần suất thuật ngữ này xuất hiện trong báo cáo đại hội bằng văn bản - 44 lần, so với 17 lần trong báo cáo năm 2017, 16 lần vào năm 2012 và 15 lần vào năm 2007, theo phân tích của Jing Qian, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội châu Á tại New York.

Phân tích của Qian cũng cho thấy 42 thành viên thuộc Ủy ban trung ương (Central Committee) có bằng cấp chính quy và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khoa học. Các thành viên của Ủy ban trung ương thường đứng đầu các cơ quan chính phủ, bao gồm các bộ liên quan đến khoa học và các cơ quan tài trợ nghiên cứu.

Chất bán dẫn và khả năng tự lực tự cường

Đầu tháng 10 năm nay, Mỹ đưa ra đạo luật Khoa học và Chip, và các hạn chế mới đối với xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến, thiết bị và bí quyết sản xuất sang Trung Quốc. Đây là những biện pháp kiểm soát mới nhất mà Mỹ áp đặt lên thương mại, điều mà Trung Quốc mong muốn dựa vào để xây dựng nền kinh tế đổi mới. Bài phát biểu của ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng tự lực trong khoa học và công nghệ đối với các ngành quan trọng như sản xuất chất bán dẫn, kinh tế kỹ thuật số, điện toán lượng tử và y sinh. Trung Quốc cũng sẽ ưu tiên nghiên cứu trong lĩnh vực không gian vũ trụ - bao gồm khoa học vũ trụ - quốc phòng, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và nông nghiệp, bên cạnh các lĩnh vực khác.
Một gian hàng của Trung Quốc đang giới thiệu robot phẫu thuật chỉnh hình xâm lấn tối thiểu với khách tham quan tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới 2022 được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Thế giới Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ cần đổ thêm nhiều tiền cho nghiên cứu cơ bản, và tới đây các công ty sẽ cần gánh vác khoản đầu tư đó nhiều hơn, vì cho tới nay phần lớn tiền là do chính phủ đầu tư. Nếu không thay đổi thì đa phần tiền đầu tư tiếp tục chảy vào các nhà nghiên cứu tại doanh nghiệp nhà nước, công ty công nghệ và trường đại học hàng đầu, còn những nhà nghiên cứu ở các công ty và trường đại học nhỏ hơn sẽ không nhận được nhiều.

Thu hút nhân tài

Bài phát biểu của ông Tập lưu ý Trung Quốc có “một nhóm nhân lực nghiên cứu và phát triển lớn nhất trên thế giới”; để thúc đẩy đổi mới, nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư vào lực lượng lao động có tay nghề cao trong nước.

Để thúc đẩy lực lượng lao động, Trung Quốc sẽ cố gắng tuyển dụng các nhà nghiên cứu quốc tế và thu hút các học giả Trung Quốc ở nước ngoài về nước, đồng thời đào tạo các nhà khoa học trong nước. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu khoa học và đổi mới của Trung Quốc Denis Simon tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, cho biết việc tuyển dụng tài năng nước ngoài là chủ đề nhạy cảm, vì vậy những nỗ lực trong nước sẽ được ưu tiên cao hơn, còn việc tuyển dụng ở nước ngoài kín đáo hơn. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học ở Mỹ bị lên án vì không công khai mối quan hệ tài chính với các chương trình tuyển dụng nhân tài ở Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang lĩnh vực khoa học. Vài năm qua, ngày càng ít nhà nghiên cứu tuyên bố về mối liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc trong các ấn phẩm, và số lượng các ấn phẩm do các nhà khoa học ở hai nước đồng tác giả đã giảm sút. Trong thời gian ngắn và trung hạn, các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục hợp tác, nhưng không tới được mức độ như “thời kỳ hoàng kim” của hợp tác khoa học trong những năm 1990 đến giữa những năm 2010.

Trung Quốc có ý định “mở rộng trao đổi và hợp tác khoa học - công nghệ với các nước khác”, chẳng hạn như châu Âu, Úc hoặc Canada, thậm chí mở rộng quan hệ khoa học với các quốc gia liên quan đến kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu (Sáng kiến Vành đai và Con đường).

Chính sách zero-COVID

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cho biết các hạn chế đi lại theo chính sách zero-COVID nghiêm ngặt đã khiến họ gặp khó khăn trong việc phát triển và duy trì mối quan hệ với các đồng nghiệp ở nước ngoài. Số lượng chuyến bay hạn chế, chi phí vé cao và thời gian cách ly kéo dài khiến họ hầu như không thể ra nước ngoài, hay các nhà khoa học nước ngoài vào được Trung Quốc.

Trước đại hội, các nhà phân tích đã đưa ra những quan điểm trái ngược về việc liệu các hạn chế có thể sớm được giảm bớt hay không. Ông Tập chỉ đề cập đến zero-COVID một lần trong bài phát biểu - để chỉ ra giá trị của nó. Điều này có thể do zero-COVID là một chính sách được thiết lập sẵn, vì vậy ông Tập không cần phải giải thích chi tiết. Hay có thể là ông Tập muốn duy trì tính linh hoạt và sẵn sàng thay đổi.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc có thể cố gắng dỡ bỏ một số hạn chế sau đại hội đảng, nhưng có ý kiến là điều này sẽ không thay đổi cho đến khi cơ quan lập pháp của nước này, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, họp vào đầu năm tới.

Nguồn: nature.com