Cuốn sách cung cấp cho độc giả thông tin về những sự kiện đầy tranh cãi của cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất. Mặc dù thừa nhận vai trò của Giáo hoàng Urban II và Giáo hội Công giáo La Mã trong việc định hình lịch sử Thập Tự chinh, tác giả không quên nhấn mạnh rằng điều đó chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở hoàng đế Alexios I thúc đẩy sự can dự của Tây Âu vào tình hình Tây Á. Hình ảnh của hoàng đế Alexios I bừng sáng lên như nhân vật chủ đạo của cuốn sách này và thời đại. Nếu như đa phần các học giả coi lời cầu viện của Alexios I là điều không thể tránh khỏi, dù muộn màng, nhằm khắc phục hậu quả từ thảm họa Manzikert
3 (1071) thì Frankopan lại tìm cách chứng minh rằng nhờ các quyết sách và nỗ lực không ngừng nghỉ của Alexios I, đế chế Byzantine đã cơ bản hồi phục sau năm 1091 trước khi chứng kiến sự sụp đổ của toàn cõi Anatolia năm 1094. Bởi vậy, tác giả lập luận rằng Thập Tự chinh không phải là chủ đích của Alexios I, mà là kết quả của hàng loạt các chính sách và quyết nghị của Hoàng đế nhằm giải quyết tình khó khăn đó.
Một điều mà Frankopan đồng thuận với các đồng nghiệp của mình, đó là Alexios I không hề mong đợi một cuộc Thập Tự chinh đầy nhiệt thành như vậy từ thế giới phương Tây Công giáo. Trái lại, thứ ông muốn là các viện trợ quân sự nhằm giúp mình đẩy lùi quân Turk ở Anatolia và đích cuối của hành trình là Antioch chứ không phải Jerusalem - vốn yên vị trong tay người Hồi giáo từ những năm 640.
Frankopan không sa đà vào mô tả diễn trình của cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất. Thay vào đó, cuốn sách của ông hướng đến luận giải nguyên nhân và hậu quả của cuộc Thập Tự chinh. Theo chúng tôi, đó là một cách tiếp cận hay và mang lại nhiều lập luận có giá trị tham khảo cao cho độc giả - hơn là tập trung miêu tả các cuộc công thành và trận đánh đơn thuần theo lịch sử quân sự.
Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao các chương từ II đến VI - đây là năm chương thể hiện khả năng chuyên môn của Frankopan rõ nét nhất. Trên cơ sở khai thác các nguồn tư liệu gốc từ phía Byzantine, mà quan trọng nhất là cuốn
Alexiad về thời kỳ trị vì của hoàng đế Alexios I do con gái ông, công chúa Anna Komnenos, biên soạn, cũng như tiếp cận các nguồn tư liệu từ Pháp và Italy, học giả Oxford đã tái dựng thành công bức tranh lịch sử Byzantine trong hai mươi năm sau thảm họa tại Manzikert nói chung, và bản thân triều đại của Alexios I nói riêng.
Năm chương trên còn cung cấp cho độc giả cách người Byzantine vận dụng bộ máy ngoại giao để đối phó với thách thức cả từ phía Đông và phía Tây như thế nào. Ít nhất cho đến năm 1091, Alexios I vẫn bảo lưu được phần lớn những gì còn lại của Đế chế ở Anatolia nhờ hoạt động ngoại giao khéo léo của ông - dùng đối thủ này để đánh bại đối thủ kia vốn là truyền thống đối ngoại của Byzantine.
Tuy nhiên, như Frankopan đã lập luận, chính sách ngoại giao tinh tế đó không phải không có những hạn chế, đôi khi là chết người. Ở trong trường hợp chế độ Seljuk Rum, tiền cược của Alexios I Komnenos đặt lên các Sultan thường kết thúc và thua lỗ ngay sau khi một nhà cai trị qua đời. Nền chính trị du mục của người Turk thấm nhuần truyền thống Trung Á, nơi quyền bình đẳng kế thừa luôn được đảm bảo. Điều này đồng nghĩa mọi ứng viên cho ngai vàng đều có cơ hội thế chân người cai trị quá cố, bãi bỏ mọi liên hệ vốn có trước đây và thiết lập vòng tròn quyền lực mới của mình. Đó là những gì đã diễn ra sau khi Sultan Suleiman ibn Qutalmish qua đời năm 1086. Suleiman là đối tác ít nhiều hữu hảo với Alexios I, nhất là sau khi giúp đỡ Hoàng đế đánh bại người Norman năm 1083. Tuy nhiên, cái chết của ông và chế độ khuyết vua ở Seljuk Rum đã thúc đẩy các tiểu vương và thủ lĩnh quân sự tràn ngập Anatolia thuộc Byzantine. Không có quân đội đủ mạnh để đánh bại mối đe dọa này, Alexios I phải kêu gọi sự trợ giúp từ phương Tây. Và những gì sau đó chúng ta đều nắm rõ. Đàm phán và mặc cả diễn ra suốt giữa các thủ lĩnh Thập Tự quân với Alexios I, cho đến khi mối quan hệ đổ vỡ sau cuộc công hạ Antioch (1097)
4.
Nỗ lực đánh giá lại vai trò của Byzantine còn được Frankopan thể hiện trong chương XI. Để phủ nhận trách nhiệm của Byzantine, tác giả đã khắc họa bức tranh thành Jerusalem sau khi thất thủ vào tay Thập Tự quân. Hàng đống xác người, máu ngập khắp nơi cho đến những cuộc thảm sát người Do Thái chắc chắn đã được tác giả dày công mô tả. Phải chăng, Frankopan muốn chỉ ra rằng Alexios I Komnenos đã mất hoàn toàn khả năng kiểm soát Thập Tự quân? Cũng có thể, bản thân ông đã đoán trước được điều này bởi mục tiêu của cả hai bên không tương đồng với nhau ngay từ đầu. Một bên quyết tâm giải phóng Jerusalem trong khi bên còn lại chỉ muốn đẩy lùi người Turk khỏi Anatolia.
Bên cạnh những ưu điểm của một chuyên khảo có giá trị thì cuốn sách của Frankopan vẫn còn một số điểm có thể khiến người đọc chưa thỏa mãn.
Thứ nhất, một nửa dung lượng của cuốn sách được dành để tái hiện
Alexiad thông qua giọng văn của một học giả Oxford hiện đại. Trong nỗ lực làm nổi bật hình ảnh Alexios I, Frankopan dường như cố định hướng độc giả rằng chuyên khảo của mình là công trình đầu tiên đã đưa vị hoàng đế này vào vị trí thực sự mà ông xứng đáng được hưởng trong lịch sử. Ông tin rằng thay vì vị trí quan trọng vốn có, Alexios I nên chiếm vị trí trung tâm trong lịch sử của cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất. Đồng nghĩa, ông hạ thấp vai trò thực tế của Giáo hoàng Urban II để hợp lý hoá lập luận của mình. Thậm chí, Frankopan còn tham vọng để Alexios I có liên hệ với mọi vấn đề nhỏ nhất của cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất, ngay cả khi không có bằng chứng nào cho thấy ông đã hành động hoặc thậm chí nhận thức được các sự kiện.
Thứ hai, Frankopan dường như đã biến công trình của mình thành một cuốn sách ghi công và vinh danh Alexios I. Gần như không thể tìm ra bất cứ lời chỉ trích hay phê phán quyết định của Alexios I trong công trình của tác giả. Dễ dàng tìm thấy nhiều lời ca ngợi sáo rỗng, như “không xa hoa hưởng lạc” (tr. 67); “cởi mở hơn nhiều đồng nghiệp trong việc sử dụng người ngoài” (tr. 80); cho đến việc thậm chí coi người Seljuk Rum đã chinh phục Antioch nhân danh Đế chế (tr. 82). Và mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều từ
Alexiad, tác giả đã thách thức lại quan điểm của Anna Komnenos rằng Đế chế gần như để mất Anatolia vào tay người Turk trước cả khi Alexios I lên nắm quyền. Ông lập luận rằng Alexios I đã có thể củng cố sự thống trị của Byzantine tại Anatolia trước sức ép của người Turk tốt đến mức đủ để chuyển nguồn lực sang chống lại thành công quân xâm lược Norman và Pecheneg từ phía Tây - điều trên thực tế sẽ làm trống rỗng tuyến phòng thủ biên giới phía Đông.
------
[1] Hội đồng Clermont năm 1095 được tổ chức tại Clermont, Auvergne, lúc đó là một phần của Công quốc Aquitaine. Hội đồng được tổ chức trên cơ sở việc Giáo hoàng Urban II ban hành các sắc lệnh giải quyết các vấn đề về đời sống tu viện, khuyến khích nghệ thuật và chăm sóc người nghèo. Chính trong Hội đồng này, Urban II đã ban lời kêu gọi Thập Tự chinh, hiệu triệu giới vương hầu Công giáo La Mã tiến về phía Đông giải phóng Mộ Chúa theo lời cầu viện của hoàng đế Alexios I Komnenos từ đế chế Byzantine.
[2] Chế độ Seljuk Rum ở Anatolia là một nhà nước được thành lập bởi người Seljuk Turk có thủ phủ đóng tại Inzik và Konya. Trong giai đoạn cuối thế kỷ XI, áp lực của người Seljuk Rum gia tăng lên toàn bộ phía Đông đế chế Byzantine. Việc người Seljuk Rum chiếm lĩnh Anatolia đã tước đi phần lớn nguồn lực mà Byzantine sử dụng để duy trì Đế chế của mình, buộc Constantinople phải kêu gọi khẩn thiết sự hỗ trợ quân sự từ Tây Âu.
[3] Thảm họa Manzikert năm 1071 diễn ra khi Hoàng đế Romanos IV bại trận trước đế chế Seljuk Turk tại Manzikert (Armenia). Việc hoàng đế Romanos IV bị bắt sống cùng toàn bộ quân đội Byzantine vỡ trận, đã mở đường cho sự sụp đổ của toàn tuyến phòng thủ phía Đông Anatolia và cuộc nội chiến sau đó ở Byzantine.
[4] Theo thỏa thuận ban đầu, mọi lãnh thổ từng thuộc đế chế Byzantine sẽ được trả lại cho Constantinople. Tuy nhiên, sau khi Thập Tự quân chiếm được Antioch, mâu thuẫn và sự ngờ vực giữa các bên khiến cho thỏa thuận này không được tiếp tục nữa. Alexios I rút các khoản hỗ trợ cho Thập Tự quân về, sẵn sàng cho phương án chiến tranh trong khi các Thập Tự quân cũng như vậy.