Trong cuốn sách mới nhất của mình, TS y khoa Haider Warraich đã mở lối cho người đọc hiểu thấu về những cơn đau thể chất cũng như phương cách để “sống tốt bất chấp đau đớn”, được ông đúc kết từ các cứ liệu khoa học, công việc nghiên cứu, khám bệnh hằng ngày và từ chính trải nghiệm của bản thân khi tự điều trị các chứng đau kinh niên.


Nguồn: BinhBook
Nguồn: BinhBook

Tên tuổi của Haider Warraich có lẽ không còn xa lạ với những độc giả Việt Nam quan tâm đến trợ tử, trải nghiệm cận tử, bệnh tim – những lĩnh vực mà ông có quan điểm mới và độc đáo.

Tuy nhiên, Khúc tráng ca về những vết thương (The song of our scars, 2022) là tác phẩm mới nhất đồng thời là tác phẩm đầu tiên của Haider Warraich được xuất bản chính thức ở Việt Nam.

Như lời tự bạch đầu sách, Haider Warraich có lẽ đã sớm hành nghề y và gia nhập tầng lớp trung lưu của Pakistan nếu không mắc phải một tai nạn hi hữu. Nhiều năm trước, một chấn thương lưng nghiêm trọng trong lúc tập luyện đã đẩy vị bác sĩ tương lai vào cảnh nằm liệt giường hàng tháng trời. Ngay cả khi lành bệnh, H. Warraich vẫn bị hành hạ bởi những cơn đau mãn tính và nỗi sợ hãi mơ hồ mà không chuyên gia y tế nào lý giải được. Đó là thời điểm H. Warraich thực sự bất ngờ khi nhận thấy hóa ra nền y học hiện đại vẫn gần như xa lạ với những bí ẩn của cơn đau, thậm chí đồng nhất chúng như biểu hiện của bệnh tật. Chính những trải nghiệm không bao giờ quên ấy đã thúc đẩy tiến sĩ y khoa Haider Warraich viết The song of our scars như một lược sử về cơn đau.

Trong cuộc sống, ai cũng đều phải nếm trải đau đớn và ít nhiều bị ám ảnh bởi chúng. Dẫu cho đội ngũ bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, kê đơn thuốc và làm đủ biện pháp để ta tin rằng cơ thể mình đã được chữa khỏi, từng vết sẹo vừa là chỉ dấu về một cơ thể không còn toàn vẹn như nguyên bản vừa hằn sâu vào ký ức mỗi cá nhân bao sợ hãi mơ hồ.

Trên thực tế, bệnh tật không giản đơn là một bước tuần tự trong sự tan rã của ngũ uẩn1 cùng với lão và tử theo quan điểm của Phật giáo. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong đời người, kéo theo cảm giác không ai mong muốn là đau đớn.

Ngay cả khi được “chữa lành thân thể” và “chữa lành vết thương” như Đức Jehovah đã hứa2, đau đớn không vì vậy mà mất đi. Thánh Paul cho rằng việc Chúa không lấy “cái giằm xóc vào thịt” của ông chỉ khiến vị tông đồ này mạnh mẽ hơn mặc dù thể chất trở nên “yếu đuối”3.

Song sự thật là không phải ai cũng có thể đối diện và vượt qua cơn đau dễ dàng như Thánh Paul, kể cả những tín đồ nhiệt thành. Ấy thế nhưng hàng ngàn năm qua, loài người mặc định như Paul rằng nỗi đau là hình phạt của Thượng đế dành cho loài người, như H. Warrich nhận định: “người châu Âu thời trung cổ coi tra tấn là một cách để vừa tìm ra sự thật của Chúa từ trong cơ thể con người, vừa để đưa kẻ phạm tội bước vào đường cứu rỗi”.

Ngạc nhiên là, nhận thức sai lầm về đau đớn còn được bồi đắp thêm bởi những quan điểm lệch lạc về giới, chủng tộc, giai cấp. Theo nghiên cứu của H. Warraich, sự mông muội ấy từng lên đến đỉnh điểm trong lịch sử khi Giáo hội thiêu sống các bà đỡ và sản phụ chỉ vì họ muốn giảm đau khi sinh con. Đến thời điểm hiện tại, chúng vẫn được ngụy trang bằng phong trào sinh tự nhiên khiến rất nhiều bà mẹ và trẻ nhỏ gặp biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Nghiêm trọng hơn, H. Warraich nhận ra chính đội ngũ thầy thuốc đã tiếp tay cho những quan điểm lệch lạc này. Ông thật sự lo lắng khi những ý tưởng phân biệt chủng tộc quái gở “đã định hình nền y học Mỹ và đến giờ vẫn vậy” khi “58% người dân bình thường và hơn 40% sinh viên y khoa năm thứ nhất và thứ hai tin rằng người da đen có da dày hơn”. Đội ngũ y tế của Hoa Kỳ đã phớt lờ sự thật rằng “đau và khuyết tật liên quan đến đau đều phổ biến hơn ở người da đen”. Và ở chiều ngược lại, “bệnh nhân da đen thường được điều trị sơ sài hơn khi bị đau”.

Khi cơn đau bị hiểu sai một cách trầm trọng như vậy, không thể nào có một phương pháp điều trị dứt điểm chúng. Trong Khúc tráng ca về những vết thương, H. Warraich trình bày đến người đọc tình cảnh ảm đạm của bệnh nhân khi đối mặt với cơn đau cấp tính và chứng đau mãn tính. Phần lớn trong số họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các loại thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện (opioid). Đáng nói hơn, trong phần lớn các ca điều trị, bác sĩ thường kê opioid cho bệnh nhân một cách tùy tiện mà không dựa trên tình trạng sức khỏe của họ. Hệ quả là người Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng tiêu thụ 30% lượng thuốc opioid trên toàn cầu. Trong đó, có hàng chục triệu người bị nghiện opioid và hơn nửa triệu người đã tử vong vì sử dụng loại thuốc này.

Dưới ngòi bút của H. Warraich, một bức tranh u ám về tình trạng chữa trị cơn đau dần hiện ra. Trong đó, đáng buồn thay, các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương tiếp tục chịu thêm những bất công khi cơn đau của họ bị “đem ra để hạ thấp trải nghiệm sống của mọi người, bào mòn chính con người họ và biến họ thành kẻ vô hình”.

Tuy nhiên theo H. Warraich, người sống chung với đau đớn vẫn còn nhiều hi vọng cải thiện cuộc sống trong tương lai nhờ tiến bộ của y học. Và quan trọng hơn, việc thừa nhận nỗi đau thể xác có mối liên kết chặt chẽ với đời sống sức khỏe tinh thần là một bước tiến lớn của y học ngày nay. Ngày một đông các bác sĩ thấu hiểu và đồng cảm với nỗi đau của người bệnh, cũng như tìm cách loại bỏ chúng bằng các phương pháp chữa trị cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trải qua 9 chương sách, Haider Warraich đã mở lối cho người đọc hiểu thấu về các cơn đau thể chất cũng như phương cách để “sống tốt bất chấp đau đớn”. Điều này được ông đúc kết bằng các cứ liệu khoa học cụ thể và từ công việc nghiên cứu, khám bệnh hằng ngày cũng như từ chính trải nghiệm của bản thân khi tự điều trị các chứng đau kinh niên. Do đó, nội dung của Khúc tráng ca về những vết thương có sự pha trộn giữa khảo cứu và tự truyện. Không dừng lại ở đó, cuốn sách cũng là một tác phẩm tuyên chiến với bệnh tật, không đầu hàng số phận khi được khởi thảo và hoàn thành trong giai đoạn Haider Warraich chịu sự giày vò bởi chứng đau mãn tính.

Đây cũng là điểm chung giữa cuốn sách của Haider Warraich với tác phẩm của một số bác sĩ gốc châu Á như: Khi hơi thở hóa thinh không (Paul Kalathini); Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại (Siddhartha Mukherjee).


----

(1) Theo quan niệm của Phật giáo, ngũ uẩn là năm nhóm yếu tố kết hợp lại tạo thành con người.

(2) “Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ chữa lành thân thể ngươi, và chữa vết thương ngươi.” (Giê-rê-mi 30:17)

(3) “Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (2 Cô-rinh-tô 12:8-10)