Đây có thể là một trường hợp tiêu biểu cho thấy quan điểm chủ quan của người đứng đầu chính phủ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến số tiền đầu tư, sự chú trọng mà một dự án khảo cổ học sẽ được hưởng - bất chấp nó có đủ bằng chứng thuyết phục hay không.

Di chỉ Gunung Padang. Ảnh: Wikimedia
Di chỉ Gunung Padang. Ảnh: Wikimedia

Tọa lạc nơi vùng trập trùng núi đồi ở Indonesia, có một ngọn đồi được bao quanh bởi những thềm đá. Hằng năm, người dân cả nước sẽ hành hương đến nơi đây để thực hiện những nghi lễ theo đạo Hồi và đạo Hindu. Người ta truyền tai nhau rằng khu vực này có màu sắc và không khí u tịch, huyền bí, thậm chí có những kho báu được chôn phía dưới lòng đất.

Các nhà khảo cổ học đã khai quật một phần ngọn đồi. Khu vực khai quật, có tên Gunung Padang, đã trở thành trung tâm của những tranh cãi nảy lửa kéo dài trong nhiều năm.

Các nhà khảo cổ cho rằng ngọn đồi trước đây là một ngọn núi lửa đã tắt. Lớp đất đá bao phủ hé lộ rằng có thể người xưa đã sử dụng không gian này vào khoảng 700 năm trước hoặc hơn. Tuy nhiên, nhiều người Indonesia không nghĩ như vậy, trong đó thậm chí có cả một nhà địa chất học núi lửa và một cựu tổng thống đã nghỉ hưu vào năm 2014. Họ cho rằng di chỉ này có thể đã được xây dựng sớm hơn rất nhiều bởi một nền văn minh cổ đại mà chúng ta vẫn chưa biết đến. Giai thoại này đã được lan truyền khắp đất nước từ hơn một trăm năm trước, nhưng dạo gần đây nó bắt đầu được biết đến nhiều hơn.

Năm 2022, một series phim tài liệu của Netflix có tên “Ancient Apocalypse” đã đề cập đến nghiên cứu của một nhà địa chất học trong một tập về Gunung Padang. Và trong tháng 10, nhà địa chất học này đã xuất bản một bài báo trên tạp chí nghiên cứu quốc tế. Bài báo đã chính thức châm ngòi cho cuộc tranh cãi dai dẳng về khoa học, đạo đức, và lịch sử cổ đại.

Theo các nhà khảo cổ học, yếu tố gây tranh cãi kịch liệt nhất của nghiên cứu là kết luận sau đây: Gunung Padang có thể là “kim tự tháp cổ nhất thế giới” bởi vì họ phát hiện dường như có dấu vết “khắc tạc” của con người ở lớp đất sâu nhất có niên đại từ 27000 năm trước. Vấn đề của kết luận này theo các nhà khảo cổ là nó không dựa trên bằng chứng đáng tin cậy. Lịch sử Indonesia chưa từng ghi nhận truyền thống xây dựng các kim tự tháp, và con người ở thời Đồ đá cũ, hơn 10000 năm trước, không thể xây dựng được các kim tự tháp. (Kim tự tháp Giza ở Ai Cập có tuổi đời “chỉ” 4500 năm).

Giữa những tranh cãi, nhà xuất bản của nghiên cứu có trụ sở tại New Jersey cho biết đang thực hiện một cuộc điền tra nội bộ. Cụ thể hơn, tạp chí “đang xem xét những băn khoăn của cộng đồng khảo cổ học”. Một số nhà khảo cổ học đã công khai bày tỏ quan ngại rằng nghiên cứu này “không xứng đáng được xuất bản” và tuyên bố của tác giả bài báo cho rằng ngọn đồi được cất nên bởi bàn tay con người là “vô lý”.

Đáp lại, tác giả chính của nghiên cứu, nhà địa chất học núi lửa Danny Hilman Natawidjaja trần tình rằng mọi người đã hiểu lầm nghiên cứu của ông. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành công trình của ông là Graham Hancock, nhà báo người Anh tham gia vào series nói trên của Netflix. Nhà báo Hancock đã tranh luận rằng các nhà khảo cổ học nên cởi mở với những lý thuyết thách thức chủ nghĩa học thuật truyền thống.

“Mô hình phán xét hiện tại của khảo cổ học, nơi các nhà khảo cổ có thể xác định đâu là bằng chứng đáng tin cậy và đâu là lập luận vô nghĩa, không có ích cho sự phát triển của tri thức loài người trong dài hạn”, ông Hancock nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Di chỉ Gunung Padang nằm ở thành phố Bandung trên đảo Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia. Theo lời nhà khảo cổ học Lutfi Yondri, công việc khai quật tại di chỉ này bắt đầu vào những năm đầu thập niên 1980.

Được truyền cảm hứng từ sự kiện phát hiện ra kim tự tháp đã mất tại Bosnia, nhiều người trẻ tuổi ở Indonesia đã nảy ra ý tưởng rằng “phải chăng những ngọn đồi kia có thể đang ẩn giấu những kim tự tháp đã mất?”, ông Lutfi kể. Chính quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã tổ chức các diễn đàn để trao đổi thêm về vấn đề này, cũng như tìm kiếm bằng chứng chứng minh rằng Gunung Padang có thể chứa kho báu.

Quan điểm này ngay từ đầu đã bị các nhà khảo cổ học cực lực phản đối. Song chính quyền của ông Yudhoyono vẫn cố chấp tiếp tục tài trợ cho dự án khai quật tại Gunung Padang, thậm chí sau chuyến thăm vào năm 2014, gần cuối nhiệm kỳ 10 năm của mình, ông đã phát biểu rằng nó có thể là “công trình tiền sử lớn nhất thế giới.”

Câu chuyện về kim tự tháp “phần nào liên quan đến chủ nghĩa dân tộc và nó được ‘chống lưng’ bởi một cựu tổng thống,” nhà khảo học Noel Hidalgo Tan thuộc Trung tâm Khảo cổ học và Mỹ thuật Đông Nam Á ở Bangkok (Thái Lan), nhận định. “Đó là lý do tại sao đó là một giai thoại vô lý không thể bị dập tắt,” ông nói.

Khoa học hay sự ảo tưởng?

Nhà địa chất Natawidjaja, người đứng đầu nghiên cứu khoa học gây tranh cãi cho biết ông bắt đầu nghiên cứu di chỉ này từ năm 2011. Lúc đó, ông đang tìm hiểu về một đường đứt gãy địa chất trong khu vực và nhận thấy hình dạng mũi nhọn chĩa lên của Gunung Padang khiến nó nổi bật trong cảnh quan đồi núi xói mòn.

Tổng thống Joko Widodo đã cắt giảm các khoản tài trợ cho nghiên cứu sau khi ông nhậm chức vào năm 2014. Dù vậy, ông Natawidjaja sau đó đã công bố kết quả khảo sát của mình trong ấn bản của tạp chí Archaeological Prospection. Trong một cuộc phỏng vấn qua Zoom, ông cho biết phương pháp nghiên cứu mà ông áp dụng trong dự án khai quật này về cơ bản tương tự với phương pháp ông vẫn triển khai để phân tích động đất. “Tôi chỉ chuyển đối tượng nghiên cứu từ các dải đất đứt gãy sang kim tự tháp”, ông hé lộ.

Rất nhiều nhà khảo cổ học cho biết vấn đề lớn nhất của nghiên cứu này, là nó xác định sự hiện diện của con người tại Gunung Padang dựa trên phương pháp phân tích đồng vị carbon từ mẫu đất khoan, thay vì từ những hiện vật do con người chế tác được tìm thấy tại di chỉ.

“Phương pháp xác định tuổi bằng đồng vị carbon không phải là cây đũa thần. Các nhà khoa học phải đáp ứng được những điều kiện quan trọng nếu muốn cho ra kết quả chính xác”, nhà khảo cổ học Rebecca Bradley viết trong một bài phê bình năm 2016 về kết quả sơ bộ của ông Natawidjaja. (Bà nói trong một email rằng nghiên cứu được công bố gần đây của ông dường như là “một sự sắp xếp lại có tổ chức hơn của những điều đã cũ.”)

Ông Tan, nhà khảo cổ học tại Bangkok, thì mô tả nỗ lực của nghiên cứu nhằm liên kết tuổi của đất với hoạt động của con người là “lỗi logic lớn nhất” mà nhóm dự án đã mắc phải. Việc tuổi của đất lớn không có gì đáng ngạc nhiên vì đất tích tụ theo thời gian và các lớp sâu hơn thường cũ hơn, ông nói thêm. “Nhưng nó không phải là đất liên quan đến hoạt động xây dựng. Nó không phải là đất liên quan đến những thứ như một hố lửa hoặc một ngôi mộ.”

“Đó chỉ đơn thuần là đất thôi,” ông Tan nhấn mạnh.

Gốm và những hiện vật khác từ các tầng trên cùng của Gunung Padang cho thấy con người đã hiện diện ở đó từ sớm nhất là thế kỷ 12 hoặc 13, và họ đã xây dựng các công trình kiến trúc bằng vật liệu đá tự nhiên, theo lời Mai Lin Tjoa-Bonatz, một nhà khảo cổ học Indonesia đã trực tiếp tiến hành nghiên cứu di chỉ này.

“Có thể đã có một số người đến đây trước đó, nhưng họ không để lại gì để chúng ta có thể xác định niên đại,” giáo sư Tjoa-Bonatz, hiện giảng dạy tại Đại học Humboldt ở Berlin nói.

Harry Truman Simanjuntak, một nhà khảo cổ học người Indonesia, chia sẻ rằng ông cũng coi kết luận về kim tự tháp tại di chỉ này là không có cơ sở. “Thời đại nào cũng có có các nhà khoa học tự vẽ ra các viễn cảnh phi lý và tiến hành các phương pháp ngụy khoa học để tìm kiếm sự thật nhưng không dựa trên dữ liệu. “

Có nên tiếp tục đầu tư nghiên cứu?

Wiley, nhà xuất bản của tạp chí Archaeological Prospection xác nhận rằng đang có một cuộc điều tra nội bộ về bài báo gây tranh cãi trên. Eileen G. Ernenwein, một đồng biên tập viên của tạp chí đã từ chối khi được yêu cầu trả lời phỏng vấn.

Trả lời qua email, ông Natawidjaja vẫn bênh vực công trình của mình và nói rằng cuộc điều tra có thể xem là biểu hiện của “bất đồng về mặt khoa học.” Theo ông, mẫu đất là bằng chứng thuyết phục cho thấy con người đã đến và xây dựng công trình con người tại Gunung Padang, bởi vì phần đất này đã được người xưa sử dụng làm vật liệu phủ ngoài các công trình kiến trúc.
“Quá trình bình duyệt nghiêm ngặt trong một tạp chí uy tín là căn cứ chứng minh tính hợp lệ và giá trị khoa học của công trình của chúng tôi,” ông viết.

Ông Hancock, người tự mô tả mình trên chương trình Ancient Apocalypse là “kẻ thù số 1 của các nhà khảo cổ học,” nói rằng chương trình của ông chắc chắn đã góp phần gia tăng mức độ “công kích và mạt sát” mà ông Natawidjaja hiện đang phải đối mặt.

Năm 2022, Hội Khảo cổ học Mỹ đã viết một thư ngỏ gửi Netflix và công ty sản xuất chương trình, ITN. Nội dung bức thư cho rằng loạt phim “làm xấu đi bộ mặt của giới khảo cổ học bằng những kết quả và thông tin sai lệch” - một lập luận mà ông Hancock đã cực lực bác bỏ. Netflix và ITN từ chối bình luận về bức thư ngỏ này.

Hancock phản bác rằng các nhà khảo cổ học không nên phản bác khả năng tồn tại của các nền văn minh cổ đại đã mất, bởi vì rất nhiều phần đất đã bị ngập lụt khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc khoảng 11.700 năm trước.

Ông cho rằng nếu các nhà khảo cổ học góp ý rằng nhóm dự án cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu, thêm nhiều cuộc khai quật để giải quyết bí ẩn này - đó sẽ là đề xuất hợp lý. “Nhưng việc bác bỏ toàn bộ ngay từ đầu và lập tức cho rằng đây là một nghiên cứu vô lý, trái ngược với mọi thứ chúng ta từng biết về quá khứ- là những lời khuyên không có tính xây dựng”

Vào một buổi chiều tại Gunung Padang, những người trông coi di chỉ cho biết nghiên cứu của ông Natawidjaja tương tự với những gì cha ông của họ đã dạy: rằng di chỉ này là kiệt tác của một nền văn minh cổ đại.

“Chúng tôi tin chắc rằng đây là kiến trúc do con người tạo ra, chứ không phải là kiệt tác của tự nhiên,” Zenal Arifin, một trong những người trông coi di chủ, chia sẻ.

Chính quyền của Tổng thống Joko, dù ít khi đưa ra nhận định, nhưng không hoàn toàn đứng ngoài cuộc tranh cãi. Hilmar Farid, người phụ trách văn hóa của Bộ Giáo dục Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, tuyên bố rằng Bộ không tham gia vào các cuộc tranh luận về niên đại của Gunung Padang. Tuy nhiên ông cũng đồng ý nghiên cứu mới nhất về di chỉ “không đủ bằng chứng để khẳng định rằng đây là một kim tự tháp do con người tạo ra.”

Bài đăng số 1274 (số 2/2024) KH&PT