Phim khoa học viễn tưởng thường phóng đại hoặc bóp méo các nguyên lý khoa học để tạo ra những cảnh quay kịch tính. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm vẫn dựa trên những điều hoàn toàn có thật.
Khoa học viễn tưởng đã bùng nổ về mức độ phổ biến trong vài thập kỷ qua, với các bộ phim của Marvel dẫn đầu danh sách doanh thu phòng vé và các loạt phim lâu đời như Star Wars và Star Trek đang trải qua sự hồi sinh. Nhưng không chỉ có công chúng yêu thích khoa học viễn tương, các nhà khoa học cũng vậy. Nhiều người trong số họ được truyền cảm hứng để theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu của mình từ những tác phẩm khoa học viễn tưởng họ xem khi còn nhỏ.
Mặc dù những bộ phim khoa học viễn tưởng mà các nhà khoa học yêu thích thường bị cường điệu hóa hoặc bịa đặt hoàn toàn, nhưng một số tác phẩm vẫn gắn liền với chủ nghĩa hiện thực và truyền tải thông điệp về vai trò của khoa học trong xã hội. Những điều này tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu ngay cả khi họ đã ở tuổi trưởng thành.
Sau đây, chúng ta hãy cùng nghe các chuyên gia phân tích những khía cạnh khoa học dựa trên cơ sở thực tế trong các bộ phim và chương trình truyền hình nổi tiếng.
Thảm họa thiên nhiên và tận thế
Marshall Shepherd, nhà khí tượng học tại Đại học Georgia (Mỹ),đã chỉ ra một bộ phim mà ông yêu thích “The Day After Tomorrow (2004)”. Đây là bộ phim về chủ đề thảm họa, trong đó hệ thống dòng hải lưu ở Bắc Đại Tây Dương sụp đổ, đẩy thế giới vào một kỷ băng hà mới.
“Các tác động hiển thị trong phim – một đợt sóng thần khổng lồ nhấn chìm thành phố New York; lốc xoáy ở Los Angeles; nhiệt độ giảm nhanh đến mức các nhân vật phải chạy trốn khỏi lớp băng đang tiến đến gần – là cực kỳ phóng đại”, Marshall nói.
Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng dòng hải lưu vận chuyển nhiệt quanh Bắc Đại Tây Dương có thể ngừng hoạt động, khuếch đại thời tiết khắc nghiệt và đẩy khí hậu Trái đất vượt quá điểm tới hạn(tipping point)là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một số nhà khoa học lo ngại biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ dẫn đến hiện tượng tương tự trong thế kỷ này.
Khủng long tái hiện trên màn ảnh
Loạt phim Công viên kỷ Jura đã thổi bùng lên sự quan tâm của công chúng đối với ngành cổ sinh vật học kể từ khi bộ phim đầu tiên ra mắt vào năm 1993. “Mặc dù bộ phim vẫn còn tồn tại những thiếu sót về mặt khoa học, nhưng các đặc điểm của khủng long được miêu tả khá chính xác”, Gabriel-Phillips Santos, Giám đốc Giáo dục tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Raymond Alf ở Los Angeles (Mỹ), nhận định.
Ngay từ bộ phim đầu tiên, khủng long bạo chúa (T-rex) đã có những bước di chuyển khá sát với thực tế. Đuôi của nó duỗi thẳng và cơ thể song song với mặt đất, trái ngược những mô tả trước đó trong văn hóa đại chúng về một con T. rex đứng thẳng giống Godzilla với phần đuôi kéo lê phía sau. Trong khi đó, cảnh khủng long Brachiosauruses bước lên bờ từ dưới nước cũng phù hợp với quan điểm của các nhà cổ sinh vật học về quá trình tiến hóa lối sống của loài khủng long cổ dài này.
“Chúng tôi từng nghĩ khủng long Brachiosauruses nặng đến mức chỉ có thể chịu được trọng lượng của mình trong nước, nhưng giờ đây chúng tôi biết điều đó không đúng. Các nhà làm phim đã thể hiện điều đó trên màn ảnh”, Santos cho biết.
Du hành vũ trụ
Loạt phim Star Trek (Du hành giữa các vì sao) đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ em trở thành nhà thiên văn học và nhà thám hiểm không gian. Tuy nhiên, nó cũng pha trộn kiến thức khoa học thực tế với một chút cường điệu hợp lý.
Erin MacDonald, nhà vật lý thiên văn và cố vấn khoa học cho phim Star Trek, cho biết cô thường sử dụng các tình tiết trong phim “Star Trek: Voyager” được phát sóng từ năm 1995 đến năm 2001 để giải thích các khái niệm khoa học, chẳng hạn như cách trọng lực làm biến dạng không thời gian, cho khán giả tại các hội nghị khoa học.
Từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về sóng hấp dẫn và sau đó chuyển sang lĩnh vực truyền thông khoa học, nhà nghiên cứu MacDonald được đoàn làm phim Star Trek thuê để đưa ra lời giải thích khoa học cho “The Burn” – một sự kiện thảm khốc trong mùa ba của “Star Trek: Discovery”, trong đó tất cả vật liệu dilithium trên toàn bộ thiên hà mất đi tính chất vốn có của nó, làm cho việc du hành vượt tốc độ ánh sáng trở nên không thể.
MacDonald đã khéo léo lồng ghép các kiến thức khoa học như vật lý hạt và vật chất tối để giải thích cho sự thay đổi đột ngột trong tính chất của dilithium, một vật liệu không tồn tại trong thực tế nhưng đóng vai trò quan trọng trong vũ trụ Star Trek. Hiện tại, MacDonald đóng vai trò cố vấn khoa học cho tất cả các series Star Trek đang phát sóng hoặc sản xuất. Cô đọc kịch bản, đề xuất chỉnh sửa ngôn ngữ, viết các phương trình xuất hiện trên màn ảnh và hợp tác với đội hậu kỳ để đảm bảo tính chính xác của các hình ảnh khoa học.
Đại dịch toàn cầu
Bộ phim kinh dị về thảm họa sinh học Contagion (2011) được nhiều người khen ngợi về tính chân thực, và đó không phải là ngẫu nhiên. Tara Smith, nhà dịch tễ học tại Đại học Kent State (Mỹ), cho biết đoàn làm phim đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học khác nhau. Trong phim, các quan chức y tế công cộng nỗ lực nghiên cứu và ngăn chặn một loại virus mới lây lan từ dơi sang lợn rồi sang người, nhanh chóng gây ra đại dịch toàn cầu. Virus trong phim Contagion có con đường lây truyền rất giống với virus Nipah ngoài đời thực.
“Đại dịch diễn ra nhanh hơn một chút so với thế giới thực, chỉ trong vài ngày đã lan rộng khắp thế giới. Việc phát triển vaccine cũng cực kỳ nhanh chóng. Tuy nhiên, so với các phim cùng thể loại khác, mức độ cường điệu này được coi là tương đối hợp lý, không quá xa vời”, Smith nói.
Smith cũng ca ngợi mùa đầu tiên của loạt phim truyền hìnhThe Last Of Usđược phát sóng trên kênh HBO vào đầu năm 2023, vì đã liên kết biến đổi khí hậu với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm mới nổi theo cách “khá nghiêm ngặt về mặt khoa học”. Bộ phim mô tả một tương lai hậu tận thế, trong đó căn bệnh do nhiễm nấm trên toàn thế giới đã biến phần lớn dân số loài người thành thây ma (zombie), gây ra sự sụp đổ của xã hội.
Phần mở đầu bộ phim có phân đoạn một nhà khoa học nói về việc Trái đất ngày càng nóng lên và nấm thích nghi với nhiệt độ cao hơn, từ đó các đợt bùng phát bệnh liên quan đến nấm có thể trở nên phổ biến – một lập luận hoàn toàn dựa trên kiến thức khoa học.
Sự trỗi dậy của AI
Nhiều chuyên gia về trí thông minh nhân tạo (AI) vẫn đang chờ đợi các nhà biên kịch Hollywood miêu tả lĩnh vực của họ một cách thực tế hơn. Trong khi AI đóng vai trò trung tâm trong nhiều bộ phim và chương trình truyền hình bom tấn, từ Kẻ hủy diệt (Terminator) và Ma trận (The Matrix) cho đến loạt phim Battlestar Galactica, hầu hết đều mô tả các robot đã đạt được ý thức và mức độ thông minh giống con người.
Điều đó khác xa so với các công nghệ dựa trên AI mà chúng ta thấy trong thế giới ngày nay, như trợ lý giọng nói Siri của Apple và phần mềm hướng dẫn xe tự lái.
Mặc dù một số dạng AI tạo sinh như ChatGPT có thể viết bài luận và kể những câu chuyện cười với mức độ giống con người một cách đáng kinh ngạc, nhưng trên thực tế đây vẫn là những chương trình đơn giản được tối ưu hóa để thực hiện rất tốt một nhiệm vụ hoặc một nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Bài đăng số 1274 (số 2/2024) KH&PT
Bá Lộc (Theo National Geographic)