Sau gần 8 giờ thi đấu, 10 trong số 57 đội thi đã giành chiến thắng tại cuộc thi phóng tên lửa nước "Bay vào vũ trụ".

Thi phóng tên lửa nước tại Ngày hội STEM 2023. Ảnh: N.H
Thi phóng tên lửa nước tại Ngày hội STEM 2023. Ảnh: N.H

Vòng chung kết cuộc thi diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023 vào ngày 8/10 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Có 56 đội thi với gần 250 thí sinh, được chia thành 2 bảng đấu dành cho học sinh Tiểu học (8-10 tuổi) và THCS (11-15 tuổi).

Các đội được lựa chọn từ hồ sơ đề cử tại vòng cơ sở do các địa phương tổ chức, mỗi tỉnh được đề cử tối đa 5 đội ở mỗi cấp học.

Nhiệm vụ tại vòng chung kết dành cho các đội là thiết kế, chế tạo tên lửa nước có khả năng nhắm mục tiêu. Các mô hình tên lửa được làm từ chai nhựa, đẩy đi bởi áp lực nước từ bệ phóng. Mỗi đội thi có 10 phút để phóng tên lửa (nhiều lần) vào điểm hồng tâm cách đó 50m. Đội nào có tên lửa bay trúng đích nhiều lần nhất sẽ giành chiến thắng chung cuộc.

Kết quả, ban tổ chức đã chọn ra 10 đội xuất sắc nhất để trao giải, gồm:

Bảng tiểu học:
  • Giải nhất: Đội D2 gồm Dương Quốc Dũng (Trường tiểu học Đại Mỗ, Hà Nội) và Nguyễn Vũ Anh Duy (Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội).
  • Giải nhì: Đội NASA 4B gồm Đỗ Minh Phong, Đỗ Minh, Nguyễn Hữu Anh, Đặng Trung Anh và Nguyễn Minh Nhật (Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội).
  • Giải ba: Đội PheniRockka gồm Phan Tùng Lâm, Nguyễn Nam Khánh, Lê Hoàng Quân, Lê Anh Hạnh An và Lê Anh Thư (Trường phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội)
  • Giải yêu thích nhất: Đội Vũ trụ 4D (Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội)
  • Giải thiết kế: Đội PheniRockka (Trường phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội)
Bảng Trung học cơ sở:
  • Giải nhất: Đội Universe gồm Hà Linh, Diễm My, Cẩm Tú, Nam Khánh và Thảo Nguyên, (Trường THCS Thanh Quan, Hà Nội).
  • Giải nhì: Đội Hana Star Wars gồm Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Ngọc Bảo Trân, Đinh Vũ Minh Châu, Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Đình Long (Trường TH, THCS và THPT FPT Hà Nam)
  • Giải ba: Đội The Space gồm Võ Tấn Bình, Đỗ Trần Huy Long, Trần Đặng Minh Khôi, Mai Quang Minh và Dương Khánh Hưng(Trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM)
  • Giải yêu thích nhất: Đội Phys – Hub (Trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM)
  • Giải thiết kế: Đội Tên lửa siêu cấp LSTS (Trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM)
Đây là lần đầu Ngày hội STEM Quốc gia tổ chức cuộc thi về tên lửa nước. Ban tổ chức cho biết, mục đích của cuộc thi nhằm truyền cảm hứng về các ngành khoa học và công nghệ Vũ trụ tới người dân nói chung và học sinh, giáo viên nói riêng; qua đó tìm kiếm tài năng nhỏ tuổi, có niềm đam mê khám phá vũ trụ.

Chuyên gia của VNSC giới thiệu các mô hình vệ tinh đã được phát triển tại Trung tâm trong buổi phát động cuộc thi "Bay vào vũ trụ" hồi tháng 9/2023. Ảnh: VNSC
Chuyên gia giới thiệu các mô hình vệ tinh đã được phát triển tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong buổi phát động cuộc thi "Bay vào vũ trụ" hồi tháng 9/2023. Ảnh: VNSC

Trước khi diễn ra cuộc thi, các học sinh quan tâm đã có dịp tham gia nhiều hoạt động tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), gồm trải nghiệm không gian vũ trụ qua kính thực tế ảo, nhìn thấy vẻ đẹp và sự chuyển động của các hành tinh với nhiều góc độ khác nhau; chiêm ngưỡng mô hình vệ tinh; quan sát mặt trời qua kính thiên văn; tìm hiểu về lịch sử, các bộ phận và ứng dụng của tên lửa vào trong cuộc sống; và lắng nghe các bài giảng, chia sẻ của một số chuyên gia về khoa học vũ trụ.