Trong những phiên bản đầu tiên của lịch La Mã có tổng cộng 10 tháng, tháng ba giữ một vị trí quan trọng khi nó là tháng đầu tiên, báo hiệu sự bắt đầu của một năm mới và mùa xuân đến.

 Ảnh: Pixabay.
Ảnh: Pixabay.

Trong những ngày giá lạnh của mùa đông, một năm mới (Dương lịch) lại bắt đầu. Nhưng tháng một không phải lúc nào cũng là điểm khởi đầu của năm mới. Khi lịch hiện đại ở giai đoạn phát triển ban đầu, các tháng mùa đông vẫn chưa có tên trong những cuốn lịch giống như hiện nay.

Tháng một (January) là sáng tạo của người La Mã cổ đại. Nó được đặt theo tên của Janus – vị thần thời gian, sự chuyển tiếp và sự khởi đầu. Chúng ta hãy cùng khám phá hành trình đầy biến động liên quan đến các tháng trong năm, một câu chuyện nhiều bất ngờ với những tính toán sai sót về mặt thiên văn, những sửa đổi mang đậm tính chính trị và sự không thống nhất trong cách tính lịch.

Lịch La Mã đầu tiên

Người cổ đại ghi chép thời gian bằng lịch cách đây ít nhất 10.000 năm, tuy nhiên phương pháp họ sử dụng ngay từ đầu đã rất khác nhau. Trong thời đại đồ đá giữa, những người sống tại khu vực ngày nay là nước Anh đã tính lịch dựa trên các pha và chu kỳ của Mặt trăng. Người Ai Cập cổ đại tính lịch theo chu kỳ Mặt trời. Trong khi đó, người Trung Quốc đã kết hợp cả hai phương pháp này thành lịch âm dương (lunisolar calendar), thứ mà họ vẫn sử dụng cho đến ngày nay.

Loại lịch hiện đại mà hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng hiện nay đã hình thành trong chế độ Cộng hòa La Mã. Mặc dù nhiều người tin rằng lịch hiện đại do Romulus – người sáng lập và là vị vua đầu tiên của La Mã – tạo ra, nhưng nhưng rất có thể nó đã được phát triển dựa trên các hệ thống tính thời gian khác của người Babylon, người Etruscan và Hy Lạp cổ đại.

Vì kiến thức khoa học và cấu trúc xã hội của người La Mã thay đổi theo thời gian nên lịch của họ cũng thay đổi theo. Người La Mã đã điều chỉnh lịch chính thức của họ nhiều lần kể từ khi thành lập nền cộng hòa vào năm 509 trước Công nguyên cho đến khi giải thể vào năm 27 trước Công nguyên.

Phiên bản đầu tiên của lịch La Mã chỉ có 10 tháng, phản ánh những giá trị quan trọng của xã hội La Mã sơ khai: nông nghiệp và nghi lễ tôn giáo. Năm dương lịch gồm có tổng cộng 304 ngày và bắt đầu vào tháng Martius (tháng ba) – tháng được đặt tên theo vị thần La Mã Mars. Nó kéo dài cho đến tháng mười hai, trùng với thời điểm thu hoạch trong khí hậu ôn đới của La Mã.

Người La Mã liên kết mỗi năm với ngày thành lập đất nước (năm 753 trước Công nguyên). Do đó, năm 753 trước Công nguyên được coi là năm đầu tiên ở La Mã cổ đại, năm 752 trước Công nguyên là năm thứ hai, và cứ tiếp tục tính như vậy. Hệ thống lịch này có tên gọi là “Ab Urbe Condita”.

Lịch ban đầu của người La Mã bao gồm sáu tháng 30 ngày và bốn tháng 31 ngày. Họ đặt tên bốn tháng đầu tiên theo tên của các vị thần như Juno, và sáu tháng cuối cùng được đánh số liên tiếp bằng tiếng Latinh, chẳng hạn như Septem. Khi mùa thu hoạch kết thúc, lịch cũng vậy. Những tháng mùa đông đơn giản là không có tên.

Âm lịch của người La Mã

Tuy nhiên, lịch 10 tháng của người La Mã không kéo dài quá lâu. Vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên, dưới thời trị vì của vị vua La Mã thứ hai Numa Pompilius, lịch được tính theo chu kỳ Mặt trăng. Lịch sửa đổi liên quan đến việc thêm 50 ngày và mượn một ngày từ mỗi tháng trong số sáu tháng hiện có 30 ngày để tạo ra hai tháng mùa đông mới kéo dài 28 ngày bao gồm: Ianuarius (tôn vinh thần Janus) và Februarius (tôn vinh Februa, một lễ hội thanh tẩy của người La Mã).

Tuy nhiên, lịch mới không hề hoàn hảo. Vì người La Mã rất mê tín khi cho rằng số chẵn là không may mắn nên Pompilius muốn hạn chế xuất hiện những con số chẵn trong lịch. Do đó, ông quyết định bổ sung thêm một ngày vào tháng Ianuarius để nó trở thành tháng có 29 ngày. Ông đã chọn tháng Februarius là tháng không may mắn với 28 ngày vì tháng đó người La Mã thường tổ chức các nghi lễ để tưởng nhớ người đã khuất. Một vấn đề khác là cách tính lịch mới dựa vào chu kỳ Mặt trăng thay vì Mặt trời. Do chu kỳ của Mặt trăng chỉ là 29,5 ngày, nên lịch thường xuyên không đồng bộ [hoặc sai lệch] so với các mùa thực tế trong năm.

Để cố gắng khắc phục vấn đề này, người La Mã đã thêm một tháng phụ gọi là Mercedonius vào lịch sau hai hoặc ba năm. Nhưng nó không được áp dụng một cách nhất quán, và các vị vua khác nhau đã làm tăng thêm sự nhầm lẫn bằng cách đổi tên các tháng.

“Tình hình khi đó ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì lịch không phải là một tài liệu phổ biến”, Robert A. Hatch, nhà sử học tại Đại học Florida (Mỹ), nhận định. “Nó được bảo vệ bởi các linh mục – những người sử dụng lịch để xác định ngày tổ chức nghi lễ tôn giáo, lễ hội, cũng như các ngày mà công việc có thể hoặc không thể tiến hành”.

Sự ra đời của lịch Julian

Cuối cùng, vào năm 45 trước Công nguyên, Julius Caesar – một chính khách và lãnh đạo quân sự của Cộng hòa La Mã thời kỳ cuối – muốn tạo ra một phiên bản lịch cải tiến gọi là lịch Julian. Nhiệm vụ này được giao cho nhà thiên văn và toán học Sosigenes ở Alexandria, người đã đề xuất lịch 365 ngày với một năm nhuận cứ bốn năm một lần. Mặc dù Sosigenes đã tính toán hơi sai lệch chiều dài của một năm (khoảng 11 phút), nhưng về cơ bản lịch này đã đồng bộ với chu kỳ Mặt trời.

Lịch Julian có một sự đổi mới khác, đó là năm mới bắt đầu vào ngày ngày 1 tháng 1 – ngày mà các quan chấp chính tối cao [hai người cấu thành nên cơ quan hành pháp của nước Cộng hòa La Mã] lên nhậm chức. Mặc dù lịch Julian tồn tại trong nhiều thế kỷ, nhưng trong thực tế không phải ai cũng đón năm mới vào ngày 1 tháng 1. Thay vào đó, những người theo đạo Thiên Chúa ăn mừng năm mới vào những ngày lễ khác nhau tùy theo phong tục của riêng họ.

Ngoài một số sửa đổi nhỏ từ các vị vua La Mã khác, lịch Julian phần lớn vẫn giữ nguyên cho đến năm 1582, khi Giáo hoàng Gregory XIII điều chỉnh lịch để phản ánh chính xác hơn lượng thời gian Trái đất cần để chuyển động quanh Mặt trời. Lịch cũ có độ dài 365,25 ngày, trong khi lịch mới có độ dài 365,2425 ngày. Lịch mới cũng điều chỉnh lại các ngày đã bị lệch khoảng hai tuần so với sự thay đổi của các mùa.

Chỉ sau cuộc cải cách lịch của Giáo hoàng Gregory XIII vào năm 1582, ngày 1 tháng 1 mới thực sự được coi là ngày bắt đầu năm mới đối với nhiều người.

Mặc dù thế giới hiện đại ngày nay chủ yếu sử dụng lịch Gregorian, nhưng các lịch khác vẫn còn tồn tại. Kết quả là nhiều nền văn hóa khác nhau coi những ngày khác nhau là ngày bắt đầu năm mới và tổ chức những lễ hội, nghi lễ và ngày nghỉ riêng để chào mừng, chẳng hạn như Nowruz (năm mới của người Iran), Rosh Hashanah (năm mới của người Do Thái) và Tết Nguyên Đán.

Theo National Geographic