Đây là một con số ít khi được truyền thông và các tài liệu, báo cáo, phân tích cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh cập nhật.

Là Giám đốc Điều hành của một công ty tư vấn giáo dục trọn gói tại Việt Nam, TS. Mark Ashwill thường xuyên kiểm tra những con số như có bao nhiêu người Việt Nam đang du học ở nước ngoài và họ đến những nước nào, để có thể kịp thời nắm bắt những xu hướng mới.

Nhưng ông nhận thấy, hầu hết dữ liệu trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Việt và tiếng Anh đều thiếu cập nhật và do đó có ít giá trị.

Nhiều tài liệu, bài viết, báo cáo, phân tích cũng ở trong tình trạng thiếu cập nhật tương tự. Ông dẫn ra trường hợp bản cập nhật tháng 1/2024 sách hướng dẫn Vietnam - Country Commercial Guide của Cục Quản lý Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vẫn sử dụng con số 190 nghìn du học sinh trong năm 2019-2020 do Bộ GD&ĐT Việt Nam cung cấp. Một bài báo gần đây dựa trên báo cáo Các xu hướng chính năm 2024 ở Đông Nam Á của Công ty Tư vấn giáo dục quốc tế Acumen để viết rằng Việt Nam có 132 nghìn du học sinh. Trong báo cáo Market snapshot: A guide to international student recruitment in Vietnam công bố vào tháng ba vừa qua, Tổ chức tư vấn quốc tế về Hội thảo và Giáo dục ICEF của Đức đã mắc sai lầm khi dựa trên thống kê không đầy đủ của UNESCO để thông tin rằng Việt Nam có 137 nghìn du học sinh. Thậm chí Market Report - Vietnam: Recruitment của BMI, công ty tuyển sinh giáo dục quốc tế và tổ chức sự kiện du học đa quốc gia của Anh, còn dẫn ra con số từ năm 2016 để cho biết Việt Nam có hơn 130 nghìn du học sinh và tiếp sau đó dẫn ra con số khoảng 170 nghìn du học sinh cuối năm 2018, theo lời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc bấy giờ là ông Phùng Xuân Nhạ.

TS. Ashwill lưu ý đã bắt gặp con số 130.000 du học sinh Việt Nam suốt nhiều năm qua, trong khi trên thực tế, ông ước tính hiện có ít nhất 275.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Để đưa ra con số ước tính của mình, ông cho biết đã cố gắng tìm nguồn thông tin từ chính phủ của nước sở tại hoặc phát biểu của các quan chức nước đó. Nếu cần, ông sẽ gửi email cho đồng nghiệp ở Bộ Giáo dục hoặc cơ quan chức năng của nước đó.
|
Kết quả, ông thu được danh sách 10 điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam, mà chỉ riêng top 3 đã có số du học sinh vượt quá con số 130 nghìn. Cụ thể:

Úc là quốc gia nói tiếng Anh có nhiều du học sinh Việt Nam nhất. Trong ảnh: Sinh viên quốc tế tại Đại học Adelaide, Úc. Nguồn: Đại học Adelaide
Úc là quốc gia nói tiếng Anh có nhiều du học sinh Việt Nam nhất. Trong ảnh: Sinh viên quốc tế tại Đại học Adelaide, Úc. Nguồn: Đại học Adelaide

• Hàn Quốc: 80.343 sinh viên (2023). Du học sinh Việt Nam đứng đầu trong số các nước.

• Nhật Bản: 36.339 (2023). Việt Nam đứng thứ ba.

• Úc: 33.524 (tháng 4/2024). Việt Nam đứng thứ năm.

• Mỹ: 26.387 (tháng 5/2024). Việt Nam đứng thứ sáu.

• Đài Loan: 23.728 (2023). Việt Nam đứng đầu. Khoảng 16.000 sinh viên trong số đó đang theo học các chương trình cấp bằng và hơn 7.000 sinh viên theo học các chương trình tiếng Trung hoặc chương trình trao đổi.

• Canada: 21.000 (tháng 12/2023).

• Trung Quốc: 14.000 (2023).

• Singapore: 9.000 (2023). [TS. Mark Ashwill đã bắt gặp con số này từ những năm trước và ông đã liên hệ với Bộ Giáo dục Singapore nhưng không nhận được phản hồi. Ông ngờ con số hiện tại thấp hơn đáng kể.]

• Đức: 7.400 (2023)

• Vương quốc Anh: 7.140 (2021-22 – chỉ giáo dục đại học, không bao gồm giáo dục phổ thông).

Tổng số du học sinh Việt Nam tại 10 quốc gia/vùng lãnh thổ nêu trên là 257.612.

Sáu quốc gia tiếp theo bao gồm Pháp (5.000 vào năm 2023), Nga (3.000 vào năm 2022-23), Vương quốc Anh (2.660 vào năm 2021-2022 – chỉ giáo dục đại học); Phần Lan (2.500 vào năm 2023), New Zealand (1.000 vào năm 2023), Malaysia (1.000 vào năm 2023) và Hungary (1.000 vào năm 2023).

Các quốc gia có số lượng du học sinh Việt Nam lên tới hàng trăm bao gồm Ấn Độ, Ý, Ireland, Hà Lan, Philippines và Tây Ban Nha. Một số chính phủ, trong đó có Nga và Hungary, cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam. Một số quốc gia khác cũng đang tích cực tuyển sinh ở Việt Nam gồm Latvia, Ba Lan và Thụy Điển.

Theo TS. Ashwill, thanh niên Việt Nam du học với nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ, hầu hết thanh niên Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia có chính sách nhập cư thuận lợi, đều theo học các chương trình ngôn ngữ và dạy nghề. Mục tiêu của họ là học kỹ năng, làm việc lâu dài và gửi tiền về nước. Trong khi đó, hầu hết các du học sinh đến Úc, Canada, Anh và Mỹ đều theo đuổi các chương trình học thuật.

Du học sinh Việt Nam tại Đại Học Texas A&T - Hoa Kỳ. Ảnh: tamuvsa.weebly.com
Du học sinh Việt Nam tại Đại Học Texas A&T - Hoa Kỳ. Ảnh: tamuvsa.weebly.com

Theo SEVIS Data Mapping Tool, bản đồ tương tác minh họa các xu hướng và thông tin về sinh viên quốc tế đang học tập tại Mỹ, vào tháng 5/2024, có 26.387 du học sinh Việt Nam ở nước này, chủ yếu học đại học.

Dưới đây là bảng phân tích theo thứ tự giảm dần:

• Đại học bốn năm: 12.877 (48,8%)

• Đại học cộng đồng: 3.614 (13,7%)

• Thạc sĩ: 3.125 (11,8%)

• Trung học: 2.401 (9,1%)

• Tiến sĩ: 2.042 (7,7%)

• Đào tạo ngoại ngữ: 1.531 (5,8%)

• Khác: 689 (2,6%)

Hai bang có đông du học sinh Việt Nam nhất là California (4.008) và Texas (3.293).

Thời điểm gần nhất Việt Nam có số lượng du học sinh ở Mỹ nhiều hơn con số nêu trên là vào tháng 1/2020, với 29.976 người. Đó cũng chính là tháng mà Covid bắt đầu ập vào Việt Nam.


Nguồn: