Cách đây 2.500 năm, Anaxagoras – một triết gia Hy Lạp cổ đại – đã nhận định chính xác khi cho rằng Mặt trăng chỉ là một khối đá phản chiếu ánh sáng từ Mặt trời. Điều này cho phép ông giải thích các hiện tượng nhật thực và nguyệt thực. Nhưng niềm tin tưởng chừng vô hại này đã khiến ông bị bắt giữ và lưu đày.

Triết gia Hy Lạp cổ đại Anaxagoras. Ảnh: Đại học Quốc gia Athens.
Triết gia Hy Lạp cổ đại Anaxagoras. Ảnh: Đại học Quốc gia Athens.

Gần cực Bắc của Mặt trăng là miệng hố va chạm Anaxagoras được đặt theo tên một vị triết gia Hy Lạp sống ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Tên gọi này hoàn toàn thích hợp vì Anaxagoras là một trong những người đầu tiên trong lịch sử cho rằng Mặt trăng là một khối đá, và không quá khác biệt so với Trái đất.

Anaxagoras sinh ra tại vùng đất Ionia ở phía Đông Hy Lạp. Ông lớn lên trong thời kỳ Khai sáng Ionia bắt đầu từ khoảng năm 600 trước Công nguyên. Khi còn trẻ, ông chứng kiến hai thành phố Athens và Sparta liên kết với nhau để đẩy lùi đế quốc Ba Tư ra khỏi Ionia. Mặc dù nhiều nhà triết học Hy Lạp sống trong thế kỷ thứ 5 và 6 trước Công nguyên tin có bốn nguyên tố cơ bản cấu thành vũ trụ là không khí, đất, lửa và nước, nhưng Anaxagoras lại cho rằng phải có vô số các nguyên tố tạo ra vạn vật.

Anaxagoras là người có sở trường về thiên văn học, một lĩnh vực đòi hỏi phải quan sát và nghiên cứu cẩn thận để mở khóa những bí ẩn của vũ trụ. Trong thời gian chuyển đến sống ở Athens, Anaxagoras đã thực hiện một số khám phá cơ bản về Mặt trăng. Ông kết luận Mặt trăng và Mặt trời không phải là các vị thần mà là những vật thể.

Việc tìm hiểu cuộc đời của những nhà triết học thời kỳ đầu như Anaxagoras – người chỉ viết một cuốn sách nhưng đến nay đã bị thất lạc – là thách thức lớn đối với giới sử học. Các học giả hiện đại chủ yếu tìm hiểu ý tưởng và kết quả nghiên cứu của Anaxagoras thông qua trích dẫn trong những tác phẩm sau này của Plato và Aristotle.

Thông qua quá trình quan sát lâu dài, Anaxagoras nhận thấy Mặt trăng chỉ là một khối đá lớn, thậm chí ông còn miêu tả những ngọn núi trên bề mặt Mặt trăng. Ngoài ra, ông nghĩ Mặt trời là một khối đá đang cháy. Tác phẩm “Triết học Hy Lạp Thời kỳ đầu” của John Burnet trích dẫn câu nói nổi tiếng của Anaxagoras: “Mặt trời chiếu sáng cho Mặt trăng”. Ông đã sử dụng nhận định này để giải thích chính xác các hiện tượng tự nhiên như nhật thực, nguyệt thực và chu kỳ Mặt trăng.

Daniel Graham, giáo sư triết học tại Đại học Brigham Young (Mỹ), là một trong số ít các chuyên gia nghiên cứu về Anaxagoras trên thế giới. Graham cho biết, các nhà triết học gốc Ý đặc biệt là Parmenides đã có những ảnh hưởng lớn đến Anaxagoras và những ý tưởng thiên văn học của ông.

“Anaxagoras biến vấn đề ánh sáng Mặt trăng thành một vấn đề hình học. Ông nhận thấy, khi Mặt trăng nằm ở vị trí đối diện so với Mặt trời, toàn bộ bề mặt hướng về phía Trái đất được chiếu sáng. Ông đã xây dựng một mô hình không chỉ dự đoán các giai đoạn [pha] của Mặt trăng mà còn cả hiện tượng che khuất [nhật thực, nguyệt thực]”, Graham nói.

Anaxagoras phát hiện các giai đoạn trong chu kỳ Mặt trăng là do ánh sáng Mặt trời chiếu vào những phần bề mặt khác nhau của Mặt trăng từ góc nhìn trên Trái đất. Mặt trăng đôi khi bị tối [hiện tượng nguyệt thực] là do Mặt trăng, Trái đất, Mặt trời nằm thẳng hàng với nhau sao cho Mặt trăng đi vào vùng bóng của Trái đất. Khi Mặt trăng che lấp Mặt trời thì bầu trời sẽ tối vào ban ngày, hiện tượng này được Anaxagoras mô tả và bây giờ chúng ta gọi là nhật thực.

Anaxagoras cũng nghiên cứu về nguồn gốc và sự hình thành của Mặt trăng, một bí ẩn đầy thách thức với giới khoa học ngày nay. Ông đề xuất giả thuyết Mặt trăng là một khối đá lớn do Trái đất thuở sơ khai “ném” vào trong vũ trụ. Ý tưởng này tương tự những gì nhà vật lý George Darwin, con trai của Charles Darwin, đề xuất sau đó 23 thế kỷ. Được biết đến là giả thuyết phân đôi, George Darwin tin rằng Mặt trăng là một mảnh vỡ của Trái đất bị cuốn vào không gian do Trái đất quay nhanh, để lại phía sau lòng chảo Thái Bình Dương.

Mặc dù hiện nay có nhiều lý thuyết khác giải thích về nguồn gốc của Mặt trăng, đa số các nhà thiên văn học tin rằng nó hình thành từ vụ va chạm giữa Trái đất nguyên thủy và một thiên thể có kích cỡ bằng sao Hỏa gọi là Theia. Các mảnh vỡ đá và kim loại bắn vào trong không gian từ vụ va chạm kết hợp lại với nhau để tạo thành Mặt trăng.

Khi mô tả Mặt trăng là một khối đá có nguồn gốc từ Trái đất và Mặt trời là một khối đá đang cháy, Anaxagoras đã vượt xa các nhà tư tưởng trước đó. Một ý tưởng như vậy lẽ ra phải được hoan nghênh, nhưng ngược lại nó đã mang đến điều không may mắn cho ông.

Anaxagoras là thầy giáo đồng thời là bạn của Pericles, người nắm binh quyền của thành phố Athens nhưng đang bị các phe phái chính trị có âm mưu chống lại. Trong 30 năm cầm quyền, Pericles đã dẫn dắt Athens tham gia cuộc chiến Peloponnesian chống lại thành phố Sparta. Mặc dù nguyên nhân chính xác của cuộc xung đột này vẫn là vấn đề gây tranh luận, các đối thủ chính trị của Pericles trong những năm chiến tranh đã đổ lỗi cho ông vì có hành vi gây hấn quá mức và quá kiêu ngạo. Do không thể trực tiếp chống lại nhà lãnh đạo của Athens, nên kẻ thù của Pericles đã chĩa mũi giáo về phía những người bạn của ông. Anaxagoras bị bắt, bị xét xử và kết án tử hình, bởi vì những ý tưởng cấp tiến của ông về Mặt trăng và Mặt trời được cho là tư tưởng vô thần và bài tôn giáo.

“Nếu muốn tấn công Pericles, nhưng ông quá mạnh để có thể tấn công trực diện, thì cần phải tìm ra mắt xích yếu nhất trong phe phái của ông. Là một người có những ý tưởng mới dị giáo, Anaxagoras – người bạn đồng thời là cố vấn khoa học của Pericles – trở thành một mục tiêu rõ ràng”, Graham nhận định.

Do vẫn nắm giữ một số ảnh hưởng chính trị nhất định, Pericles đã giải thoát cho Anaxagoras và hủy bỏ lệnh hành quyết. Nhưng trước sức ép của các đối thủ chính trị, Anaxagoras vẫn bị lưu đày đến vùng đất xa xôi Lampsacus. Tại đó, nhà triết học người Hy Lạp mở trường dạy học. Sau khi ông qua đời, người dân Lamsaque dựng tượng ông và hằng năm những học sinh nơi đây được nghỉ học khi đến ngày mất của ông.