Quần thể gián đang tiến hóa nhanh chóng để trở nên “gần như không thể giết được” bằng các loại hóa chất.

Khi gián sống sót sau các đợt phun thuốc trừ sâu, chúng và con của chúng nhanh chóng trở nên miễn dịch với loại thuốc đó, một nghiên cứu của Đại học Purdue được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy.

Nhưng đáng lo ngại hơn nữa là chúng cũng sẽ phát triển khả năng miễn dịch đối với một loạt các loại thuốc trừ sâu khác, những loại mà chúng chưa từng tiếp xúc - tình trạng mà các nhà khoa học gọi là kháng chéo.

“Chúng tôi không hề biết rằng tình trạng này có thể xảy ra nhanh như vậy”, Michael Scharf, nhà côn trùng học và tác giả trong nhóm nghiên cứu, cho biết. "Chúng tôi thấy sức đề kháng của gián tăng gấp bốn hoặc sáu lần chỉ trong một thế hệ".

5 loại gián thường gặp

Gián cái có thể sinh 50 con sau mỗi ba tháng, truyền lại khả năng miễn dịch cho đàn con. Vì vậy ngay cả khi chỉ một phần nhỏ quần thể gián sống sót sau một đợt tiêu diệt bằng thuốc trừ sâu và trở nên kháng chéo, quần thể này có thể bùng phát trở lại.

"Gián có thể phát triển miễn dịch đối với nhiều loại thuốc trừ sâu cùng một lúc, chúng ta không thể kiểm soát loài gây hại này chỉ bằng hóa chất", GS Scharf nói.

Đối với nghiên cứu, ba phương pháp tiêu diệt khác nhau đã được thử nghiệm trên gián ở Indiana và Illinois trong khoảng thời gian sáu tháng. Khi sử dụng luân phiên ba loại thuốc trừ sâu khác nhau trong sáu tháng, các nhà nghiên cứu có thể khống chế quần thể gián - nhưng không thể làm chúng suy giảm. Khi họ thử với chỉ hai loại thuốc trừ sâu, kết quả thậm chí còn tệ hơn, quần thể gián phát triển bùng nổ.

Họ cũng đã thử phương pháp tiêu diệt bằng một loại thuốc trừ sâu duy nhất, có hai trường hợp xảy ra: (i) nếu quần thể gián không miễn dịch với loại thuốc sử dụng, chúng bị quét sạch hoàn toàn, (ii) nếu chỉ có 10% kháng thuốc, quần thể sẽ phát triển trở lại rất nhanh.

Nhóm nghiên cứu kết luận: thuốc trừ sâu vẫn phải là một thành phần quan trọng trong việc kiểm soát quần thể gián. Tuy nhiên, họ nói rằng khi một mình thuốc diệt côn trùng không thể loại bỏ hoàn toàn quần thể gián, nên kết hợp thêm bẫy, cải thiện vệ sinh và hút bụi.

Gián là loài gây hại chỉ sống trong môi trường sống của con người, ưa thích các khu vực ẩm ướt như cống rãnh, đường ống và phòng tắm. Gián có thể tạo ra các chất dị ứng gây hen suyễn, mang mầm bệnh như khuẩn salmonella (gây đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trong vài ngày, tuy nhiên cũng có loại vào đường ruột, gây thương hàn và tử vong), E coli (gây tiêu chảy tạm thời, tuy nhiên có một vài loại đặc biệt có thể gây nhiễm trùng nặng đường ruột dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và sốt) và sáu loại giun ký sinh.

Nguồn: