Hơn ba mươi năm trước khi lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl phát nổ, Liên Xô từng xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân lớn khác gần thị trấn Kyshtym. Nó đã bị các quan chức che giấu trong hơn ba thập kỷ.
Thảm họa Kyshtym là một tai nạn ô nhiễm phóng xạ xảy ra tại cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân Mayak của Liên Xô nằm ở thành phố biệt lập Ozyorsk thuộc tỉnh Chelyabinsk vào năm 1957. Cơ sở này được xây dựng ngay sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc để triển khai chương trình hạt nhân mới của Liên Xô. Mục đích chính của nó là sản xuất nguyên liệu plutonium nhằm chế tạo bom nguyên tử. Do thành phố Ozyorsk không có tên trên bản đồ chính thức của Liên Xô nên người ta gọi thảm họa theo tên thị trấn gần nhất, Kyshtym.
Theo Thang sự cố/tai nạn hạt nhân quốc tế (INES) của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thảm họa hạt nhân Kyshtym được xếp ở mức độ nguy hiểm cấp 6. Đây là thảm họa hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới và thứ hai tại Liên Xô. Hai thảm họa cùng được xếp cấp độ 7 (cấp cao nhất) xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Liên Xô) và nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản).
Nhà máy sản xuất plutonium của Liên Xô
Chương trình hạt nhân của Liên Xô bắt đầu khá chậm. Các nhà lãnh đạo Liên Xô ban đầu không có nhiều niềm tin vào việc chế tạo bom nguyên tử. Hầu hết nghiên cứu về đề tài này không được phân loại và xuất bản trên các tạp chí khoa học thuộc phạm vi công cộng để bất kỳ ai cũng có thể đọc được. Nhà lãnh đạo Stalin thậm chí còn chuyển một số nhà khoa học đang tham gia vào các chương trình hạt nhân sang làm việc trong ngành công nghiệp luyện kim và khai thác mỏ. Chỉ đến khi nhìn thấy sức mạnh khủng khiếp của bom nguyên tử được Mỹ thể hiện trong vụ tấn công vào Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), Liên Xô mới nhận ra cần phải nghiêm túc trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Họ bắt tay vào xây dựng nhà máy hạt nhân Mayak trong sự vội vàng vào năm 1948. Liên Xô cần phải làm nhiều thứ để bắt kịp Mỹ.
Lavrentiy Beria – nguyên soái Liên Xô, lãnh đạo bộ máy an ninh và cảnh sát mật Liên Xô đồng thời là người chỉ đạo chương trình hạt nhân – đã ép buộc hơn 40.000 tù nhân Gulag và tù binh chiến tranh (POWs) xây dựng nhà máy sản xuất plutonium Mayak. Vùng ngoại ô thành phố Ozyorsk là nơi các nhân viên làm việc tại nhà máy và gia đình của họ sẽ sinh sống. Nhà máy Mayak có diện tích hơn 90 km2 và được bao quanh bởi một khu vực cấm rộng 250 km2. Đây là một vùng khá rộng lớn nhưng cả nhà máy Mayak và thành phố Ozyorsk đều không hề xuất hiện trên bản đồ chính thức của Liên Xô. Sự tồn tại và vị trí của nó đã được giữ bí mật.
Quá trình hoàn thiện nhà máy quá nhanh khiến những yếu tố quan trọng nhất như hệ thống làm mát và phương án xử lý chất thải hạt nhân bị xem nhẹ. Do đó, ngay từ đầu Mayak đã là một cơ sở nguy hiểm. Chất thải phóng xạ từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được lưu trữ dưới lòng đất. Nhưng khi bể chứa ngầm hết không gian, người ta đổ thẳng chất thải phóng xạ xuống sông Techa. Dòng sông này được sử dụng bởi hơn 100.000 người dân sống trong các cộng đồng ở phía hạ lưu. Ngoài ra, các lò phản ứng của nhà máy hạt nhân Mayak được làm mát bằng cách sử dụng nước từ hồ Kyzyltash trong một hệ thống làm mát tuần hoàn hở [nước nhiễm phóng xạ thải trực tiếp trở lại hồ]. Chỉ trong vài năm, khu vực nông thôn và tất cả các vùng nước xung quanh nhà máy hạt nhân Mayak đều bị ô nhiễm nặng.
Thảm họa Kyshtym
Các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên không đúng cách dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc. Năm 1953, một nhân viên làm việc trong nhà máy sản xuất plutonium Mayak bị bệnh phóng xạ nghiêm trọng, cần phải cắt cụt cả hai chân. Vụ tại nạn đáng chú ý nhất – được gọi là thảm họa Kyshtym – xảy ra vào ngày 29 tháng 9 năm 1957, khi hệ thống làm mát của một trong các bể chứa chất thải bị hỏng nhưng không được phát hiện, khiến bể quá nóng và phát nổ với sức công phá tương đương 70 tấn thuốc nổ TNT.
Theo New Scientist, mặc dù không có người chết ngay lập tức từ sự cố này, nhưng vụ nổ đã giải phóng một đám mây bụi phóng xạ bay thẳng lên trời, tới độ cao khoảng 1 km. Chiều hôm đó, cư dân của tỉnh Chelyabinsk nhìn thấy màu sắc khác thường trên bầu trời. Báo chí địa phương suy đoán đây chỉ là hiện tượng Bắc cực quang thông thường. Vài ngày sau, khoảng 2 triệu curie bụi phóng xạ trôi dạt về phía Đông Bắc hàng trăm km, làm ô nhiễm diện tích khoảng 15.000 – 20.000 km2 và ảnh hưởng đến tính mạng của 270.000 người.
Vì nhà máy hạt nhân Mayak cần được giữ bí mật, nên những người dân xung quanh không được thông báo về vụ tai nạn. Chính phủ Liên Xô bắt đầu sơ tán khu định cư gần nhất một tuần sau đó. Mọi người không biết chuyện gì đã xảy ra. Họ được yêu cầu phải đóng gói đồ đạc và chuyển đi tới khu định cư mới. Chỉ có khoảng 10.000 người được sơ tán trong thời gian hai năm. Chính phủ Liên Xô ngay lập tức thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên phía Đông dãy núi Ural trong khu vực bị ô nhiễm phóng xạ và cấm mọi người xâm nhập trái phép vào nó.
Một báo cáo không rõ ràng về một tai nạn thảm khốc bắt đầu xuất hiện trên báo chí phương Tây từ đầu năm 1958. Một tờ báo ở Copenhagen (Đan Mạch) cáo buộc đây là nguyên nhân khiến Liên Xô quyết định tạm ngưng các vụ thử hạt nhân vào tháng 3/1958. Sự việc trở nên rõ ràng hơn vào năm 1976, khi Zhores Medvedev, một nhà sinh vật học Liên Xô, xuất bản một loạt các bài báo về thảm họa Kyshtym trên tờ New Scientist. Những dữ liệu của Medvedev đã được chứng thực bởi một bản báo cáo của Lev Tumerman, nhà khoa học Liên Xô từng đi qua khu vực bị ô nhiễm phóng xạ năm 1960.
Tumerman viết thư cho hai tờ báo Jerusalem Post và The London Times nêu rõ: “Cách Sverdlovsk khoảng 100 km, một biển báo trên đường quốc lộ cảnh báo các tài xế không được phép dừng lại trong 20 hoặc 30 km tiếp theo và phải lái xe qua ở tốc độ tối đa. Hai bên đường là những vùng đất đã chết, không có cánh đồng hay bãi cỏ, không có đàn gia súc, mọi người phải sơ tán và các ngôi làng bị san bằng, rõ ràng là để ngăn chặn người dân quay trở lại.”
Theo History, cho đến những năm 1990, các báo cáo ghi lại sự kiện này mới được giải mật. Theo ước tính, có 200 người chết vì mắc bệnh ung thư do tiếp xúc với chất phóng xạ và hàng nghìn người khác có thể đã mắc các bệnh liên quan. Các tài liệu chính thức của Liên Xô và Nga sau này đều không gọi đây là một tai nạn, mà sử dụng cụm từ “tình trạng ô nhiễm khẩn cấp do con người gây ra” để mô tả thảm họa Kyshtym. Đây là sự cố lớn đầu tiên khiến Liên Xô, Mỹ và các quốc gia khác chú ý hơn đến những giải pháp đảm bảo an toàn hạt nhân trong tương lai, nhằm bảo vệ người dân tránh khỏi các mối nguy hiểm tiềm ẩn liên quan đến chất phóng xạ.
Vào những năm 1960, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã biết rõ về thảm họa Kyshtym thông qua nguồn tin gián điệp và ảnh chụp từ trên không, nhưng họ đã giữ im lặng vì không muốn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hạt nhân mới nổi trong nước, cũng như không muốn dập tắt sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với các dự án hạt nhân do lo ngại về vấn đề an toàn. |