Máy bay không người lái Dragonfly của NASA sẽ thám hiểm khí quyển và các vùng hồ hydrocarbon của mặt trăng Titan hòng tìm bằng chứng mới về sự sống trong Hệ Mặt trời.

Năm 2005, tàu thăm dò của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, Huygens trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đáp xuống Titan. Nó đã đo nhiệt độ, áp suất và mật độ của bầu khí quyển Titan và gửi lại những bức ảnh về phong cảnh đá gồ ghề trong 72 phút sau khi nó chạm xuống bề mặt. | Nguồn: Planetary.com
Năm 2005, tàu thăm dò của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, Huygens trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đáp xuống Titan. Nó đã đo nhiệt độ, áp suất và mật độ của bầu khí quyển Titan và gửi về những bức ảnh chụp phong cảnh đá gồ ghề trong 72 phút sau khi nó đáp xuống bề mặt. | Nguồn: Planetary.com

Hôm 27/6 vừa rồi, NASA công bố kế hoạch mới về việc đưa một thiết bị bay không người lái được đặt tên là Dragonfly (Chuồn Chuồn), để khám phá bề mặt Titan, mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ. Theo kế hoạch, Dragonfly (Chuồn Chuồn) sẽ được phóng vào năm 2026, và lên đến Titan vào năm 2034.

Đứng đầu dự án Dragonfly là Elizabeth “Zibi” Turtle, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins (APL) tại Laurel, Maryland. Bà mô tả “Dragonfly sẽ là một máy bay không người lái có kích thước bằng các xe tự hành ở sao Hỏa, nhưng nó cho phép ta bay từ nơi này sang nơi khác.”

Dragonfly với 4 cánh quạt kép chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể bay hàng chục km trong vòng chưa đầy một giờ. Điều này khiến nó bao quát địa hình linh hoạt hơn nhiều một xe tự hành. Với sứ mệnh kéo dài 2 năm, tàu bay này có thể thám sát hàng trăm km vuông bề mặt Titan.

Mặt trăng Titan của sao Thổ, có kích thước lớn hơn Sao Thủy, có một số đặc điểm khá tương đồng với Trái Đất. Titan cũng có với khí quyển tạo ra mây và mưa – dù có khác là chúng bao gồm khí mêtan và etan, vốn là các thành phần của khí thiên nhiên ở Trái Đất. Giới nghiên cứu vẫn nghi ngờ rằng bên dưới mặt đất đóng băng của mặt trăng này là một biển nước lỏng với khối lượng tương đương với hệ thống Ngũ Hồ ở Bắc Mỹ.

Phân tích dữ liệu cho thấy địa hình trên bề mặt Titan cũng tương đồng với Trái Đất, với thung lũng, sa mạc, cùng với sông và biển ở hai cực. Nhưng trên Titan, bầu khí quyển rất dày khiến cho nhiệt độ trở nên cực lạnh, khoảng 180 độ âm.

Mô tả phối cảnh dự án Dragonfly. Nguồn: NASA.
Mô tả phối cảnh dự án Dragonfly. Nguồn: NASA.

Dragonfly sẽ nghiên cứu bầu khí quyển mặt trăng này khi nó bay và hạ cánh trên bề mặt. Nó sẽ thám hiểm các hồ giàu mêtan và etan mới cạn kiệt vốn có thể đã để lại dư lượng giàu chất hữu cơ như những hợp chất tồn tại trên Trái Đất trước khi có sự sống. “Titan có tất cả các thành phần chính cần thiết cho sự sống,” theo Lori Glaze, người đứng đầu bộ phận khoa học hành tinh của NASA.

Dragonfly sẽ là một phần của chương trình New Frontiers (Những đường biên mới) của NASA, tập hợp và lựa chọn các đề xuất của các nhóm nghiên cứu về sứ mệnh khoa học hành tinh. Chi phí đề xuất của Dragonfly được giới hạn ở mức 850 triệu đô la Mỹ (bằng giá đô la 2015) - không bao gồm chi phí phương tiện phóng.

Ba sứ mệnh trước của New Frontiers bao gồm New Horizons, đã bay qua Sao Diêm Vương vào năm 2015 và một thiên thạch nhỏ hơn ngoài rìa Hệ Mặt trời vào đầu năm nay; Juno quay quanh Sao Mộc từ năm 2016; và OSIRIS-Rex hiện đang quay quanh tiểu hành tinh Bennu và sẽ thu thập một mẫu của nó trong năm tới để đưa trở lại Trái Đất.