Năm 1753, bác sĩ James Lind đã phát hiện bệnh scorbut gây lở loét, viêm lợi, chảy máu, nhiễm trùng… phổ biến trong thủy thủ do thiếu hụt vitamin C. Ấy vậy mà Hải quân Anh vẫn không duyệt cho mang rau quả lên tàu.

Theo các thuyết âm mưu thì lý do là bảo quản rau quả dài ngày gây tốn kém hoặc cứ để thủy thủ yếu đuối cho dễ bề kiểm soát. Thế còn ngày nay thì sao, bao giờ người ta tìm ra thuốc chữa ung thư, thuốc chữa Covid-19? Liệu người ta có giữ thuốc làm vũ khí mặc cả với nhau? Đó là những câu hỏi nảy ra với bất kỳ ai khi đọc cuốn “Chiếc nút áo của Napoleon – 17 phân tử thay đổi lịch sử” của Penny Le Couteur và Jay Burreson.

.
Bìa cuốn sách“Chiếc nút áo của Napoleon – 17 phân tử thay đổi lịch sử”.

Những bài viết xoay quanh những hợp chất hóa học đã tác động lên cục diện lịch sử nhân loại nhiều thế kỷ qua, dẫn dắt người đọc vào cuộc ôn lại các kiến thức, thỏa mãn các yêu cầu xác tín về khoa học, song điều đáng nói là mở ra những câu chuyện đan xen giữa ý chí khám phá vượt qua ranh giới “điểm mù của kiến thức” và những may mắn tình cờ.

Nếu không bàn đến các công thức hóa học và cấu trúc phân tử thì các câu chuyện trong cuốn sách này rất gần gũi với các câu chuyện danh nhân y sinh học cho thiếu nhi thời trước và những bộ sách khoa học thường thức nhiều minh họa bây giờ. Nhưng 17 câu chuyện được lựa chọn ắt hẳn mang tầm vóc của một cuốn lịch sử nhân loại được diễn tả bằng các biến số y sinh-hóa học.

Các câu chuyện, thực vậy, trải từ những hợp chất đã thay đổi thế giới như kháng sinh, thuốc nhuộm, thuốc ngừa thai, thuốc trị bệnh sốt rét, muối ăn… Ngẫm ra, đời sống của con người diễn ra một cách giản đơn kiểu các ký hiệu phản ứng hóa học, song cũng lại vô cùng rối rắm vì càng giản đơn, các mạch dẫn lại càng cần rất nhiều công sức để loại đi các yếu tố gây nhiễu.

Cuốn sách bắt đầu từ chính cái tên gây chú ý. Chiếc nút áo bằng thiếc của quân đội Napoleon có thể là nguyên nhân đơn giản gây ra thất bại của đạo quân hùng mạnh nhất châu Âu đầu thế kỷ 19 khi tấn công nước Nga vào mùa đông giá lạnh. Đơn giản như là thiếc sẽ hóa bột và vỡ vụn khi nhiệt độ xuống quá thấp, và những quân lính chẳng đủ ấm, sinh bệnh tật và không còn đủ sức chiến đấu, tạo ra sự sụp đổ hệ thống của phe gây chiến. Bắt đầu từ những dữ liệu lịch sử, cuốn sách gợi ra những tầng lớp phân tích thú vị về sự tiến triển của nền văn minh vật chất nhân loại.

Hai tác giả, hai tiến sĩ giảng dạy tại các đại học, làm việc tại các viện nghiên cứu cũng như trải qua kinh doanh sản phẩm công nghệ, nghĩa là hiểu rõ quy trình để các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra được với thực tế đời sống. Vì vậy, cái nhìn của họ trong các câu chuyện mang tính hướng đích rõ nét. Các câu chuyện nhìn nhận lại quá trình lịch sử của việc tìm kiếm và phát triển các chất phục vụ đời sống con người nằm trong tư duy nhân văn hài hòa với tự nhiên.

Điều quan trọng là cuốn sách không theo đuổi các kết luận đen tối, những tác động của thuyết hậu tận thế, hậu nhân loại, ngay cả khi phải nói về những hợp chất đã đẩy nhân loại vào thảm họa chiến tranh và dịch bệnh, nên người đọc không bị ám ảnh bởi sự diệt vong sẽ diễn ra sau... vài vạn năm nữa. Nói chung, thông điệp của các tác giả là bằng giá nào, con người cũng cần hiểu biết về thứ mình đang vận hành, để làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Cái đẹp của các phân tử được điều chế là cái đẹp nhằm đi đến sự hoàn hảo của khoa học, không thiên vị một ý muốn nào, cho dù xuất phát điểm của các nghiên cứu có khi vị mục đích chính trị, quân sự nào đó. Bởi lẽ, như hai tác giả đã cho thấy, một hợp chất nguy hiểm đến sinh mạng cũng lại chứa đựng những khả năng sinh ra các cách sử dụng cứu chữa con người. Chẳng hạn, các hợp chất liên quan nitrogen là thành phần tạo ra thuốc nổ, thứ đã được dùng trong chiến tranh, song cũng lại mở ra hướng tạo ra chất điều trị huyết áp, tim mạch, cứu sống hàng triệu người. Ngay chính Alfred Nobel, người đã giàu có vì làm ra thuốc nổ, cũng đi đến ước nguyện dành tài sản để làm quỹ giải thưởng cho các nghiên cứu khoa học, văn học và các hoạt động bảo vệ hòa bình phục vụ những mục tiêu tốt đẹp của nhân loại.

17 câu chuyện về những hợp chất hay sản phẩm có liên quan các nghiên cứu y sinh hóa, trải từ những sản phẩm thương mại đã là nguyên nhân tạo ra những cuộc chiến tranh tranh giành thuộc địa, xúc tiến công cuộc khám phá thế giới như hồ tiêu, nhục đậu khấu và đinh hương, hay làm nên những con đường thương mại xuyên lục địa như tơ lụa. Chính những cuộc thám hiểm trên đại dương cũng thúc đẩy các nhà phiêu lưu và nhà khoa học tìm ra công dụng của vitamin C. Nhà khoa học xét cho cùng cũng là những nhà phiêu lưu, có khi họ đi thực địa bất chấp nguy hiểm tính mạng, có khi họ du hành ngay tại phòng thí nghiệm và trong thế giới mênh mông vô tận của các công thức hóa học hay vi sinh vật.

Các thành quả mà công chúng hay xã hội mong chờ thường là những kết luận đơn giản, dễ hiểu, chắc nịch, chẳng hạn như trà xanh có chứa hợp chất có ích cho ngăn ngừa một số loại ung thư và rượu vang đỏ có các hợp chất phenol có thể ức chế việc sản xuất ra các chất có khả năng làm xơ cứng mạch máu. Không dễ để đưa ra những kết luận như vậy, bởi lịch sử mà cuốn sách đã kể cho thấy nhiều chục hay hàng trăm năm sau, các kết quả nghiên cứu lại có thể phủ định những thành quả tưởng chừng như không còn phải bàn cãi về tính chuẩn xác. Phải là những người viết có cái nhìn toàn diện và có thẩm quyền khoa học để tóm lại một cách giản dị dễ hiểu, song họ cũng cần là những người cầu thị, nhìn mọi thứ dưới một tiên lượng phù hợp.

Điều đọng lại từ những cuộc kiếm tìm khoa học là con người dù mòn mỏi vì chờ đợi những vị thuốc, những phương pháp cứu sống nhưng đồng thời cơ thể họ vẫn tìm cách thích ứng và những sự may mắn vẫn xảy ra. Sự say mê khảo nghiệm của các nhà khoa học ngành y sinh học tự thân đã hấp dẫn hơn các kỹ xảo tư biện. Chúng ta khi đau ốm, khi phải cách ly xã hội, ước mong làm sao đâu đó các nhà khoa học sẽ tìm ra phương thuốc hay vaccine ngăn ngừa khống chế và chữa trị căn bệnh đang phong tỏa toàn cầu. Phải chăng điều kỳ diệu sẽ luôn xuất hiện như lịch sử đã chứng minh?